Không nên phát điên lên vì tiếng Anh

Lượt xem:

Đọc bài viết

1) Tại sao mọi người CỨ PHÁT ĐIÊN LÊN VÌ TIẾNG ANH, nhồi nhét bắt con thơ, cháu dại của mình, ngoài việc học tiếng Anh ở lớp (số giờ đã ngang tiếng Việt hoặc Toán), còn đi học hết ở siêu trung tâm tiếng Anh nọ đến siêu trung tâm tiếng Anh kia, học tiếng Anh cả ở trong trường mẫu giáo nữa? để làm gì trong khi các cháu còn phải học tiếng Việt, Toán và những môn khác nữa? Để săn lùng học bổng đại học Anh, Mỹ ư? Để đón xu hướng hội nhập ư? Cho dù con cháu bạn có tiếng Anh trôi chảy như một công dân Mỹ nhưng những kiến thức khác như Văn, Sử, Địa, Toán, Lỹ, Hóa hay Sinh mà bình thường thì cũng trượt thôi, điểm kiểm tra môn SAT khó vượt được 2000. Có đến 50% – 60% học sinh Mỹ điểm thi môn SAT trong khoảng 1500 – 1700 điểm. Trong khi phần lớn những học sinh Việt Nam được học bổng toàn phần của các trường đại học Mỹ có điểm thi SAT thường từ 2100 – 2300/2400. Cho dù bạn có dư tiền và dư nhân lực đưa và đón con cháu mình đi học, nhưng HÃY ĐỂ CHO CON CHÁU BẠN CÓ ĐỦ QUĨ THỜI GIAN ĐỂ HỌC CÁC MÔN KHÁC NỮA.

Ảnh minh họa.

2) Tại sao mọi người CỨ PHÁT ĐIÊN LÊN, nhồi nhét bắt con thơ, cháu dại của mình học hết ở siêu trung tâm tiếng Anh nọ đến siêu trung tâm tiếng Anh kia vào cái giờ OÁI OĂM, QUÁI ĐẢN SO VỚI đồng hồ sinh học của con người: từ 17g30 – 19g30, có nơi còn khuya hơn nữa, cái giờ mà đối với người lớn cũng cạn kiệt sức lực và tinh thần, cần phải được nghỉ ngơi. Cái giờ mà học sinh cả Thế giới được nghỉ ngơi, tắm giặt, ăn uống, thì con cháu mình phải căng óc ra để cho thày cô nhồi nhét tiếng Anh vào. Thậm chí cả vào thứ 7 và Chủ nhật nữa. Chúng ta là khách hàng, là Thượng đế chứ đâu phải là đầy tớ cho các trung tâm siêu tiếng Anh mà giao con cháu mình vào giờ đó để cho họ tra tấn.

3) Cho dù bạn có đầu tư cho con cháu bạn đi học ở siêu trung tâm tiếng Anh nọ đến siêu trung tâm tiếng Anh kia, CHO DÙ CÓ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI DẠY, nhiều năm tháng; âm điệu con cháu bạn nói tiếng Anh CŨNG KHÔNG THỂ NHƯ NGƯỜI ANH HAY NGƯỜI MỸ ĐƯỢC (ngoại trừ ngoại lệ, cá biệt), con cháu bạn vẫn nói tiếng Anh – Việt. Tại sao? Tại vì con cháu bạn ăn trong tiếng Việt, ngủ mơ trong Việt, ra đường trong tiếng Việt, xem phim, ảnh, TV, đọc sách trong tiếng Việt, học ở trường bằng tiếng Việt, nói chuyện với bạn bè, bố mẹ, anh chị em trong tiếng Việt, đánh, cãi chửi nhau trong tiếng Việt. Nói tóm lại con cháu bạn ĐANG SỐNG TRONG MÔI TRƯỜNG TIẾNG VIỆT nên con cháu bạn không thể nói tiếng Anh như người Anh, Mỹ hay người Úc được. CÓ THỂ GỌI ĐÓ LÀ CÁCH ĐẦU TƯ HỌC TIẾNG ANH KHÔNG HIỆU QUẢ. Nếu bạn vẫn đòi hỏi con cháu mình tiếng Anh phải thật giỏi và giọng điệu nói hay như người Anh, Mỹ, Úc và nếu bạn có tiền vừa phải, bạn có thể tạo một MÔI TRƯỜNG TIẾNG ANH nhỏ trong lòng Hà Nội, và đặt con cháu bạn vào sống, hoạt động trong môi trường đó khoảng 08 giờ/ngày, trừ 8 giờ cho ngủ. Nếu bạn nhiều tiền hơn nữa, tốt nhất nên gửi con cháu bạn đi sống ở Anh, Mỹ, Úc ngay từ mẫu giáo. Tuy nhiên, được cái này, con cháu bạn lại mất cái khác là tiếng Việt rất yếu và các môn học khác (xã hội và tự nhiên) không chắc đạt kết quả cao để có thể đạt điểm kiểm tra SAT từ 2000 – 2300 điểm. Đó là điểm rất quan trọng để con cháu bạn có thể xin được học bổng toàn phần ở các trường đại học Mỹ.

4) Chúng ta đang có một nhầm lẫn rất lớn giữa LEARNING ENGLISH AS FOREIGN LANGUAGE với LEARNING ENGLISH AS MOTHER LANGUAGE. Vì tiếng Anh đối với con cháu chúng ta chỉ là NGOẠI NGỮ, nên hãy chấp nhận để con cháu mình nói tiếng Anh như người Ấn Độ, người Trung Quốc hay người Nhật nói tiếng Anh. Thế là tuyệt rồi. Đừng cầu toàn hơn nữa. Hãy để thời gian cho con cháu mình lĩnh hội, tiếp thu các kiến thức hữu ích khác nữa chứ.

Chúng ta cũng nhầm lẫn, cứ tưởng có tiếng Anh là có tất cả. Có tiếng Anh là người hiểu biết, là có kiến thức. Nhầm to, vì có đến nhiều triệu người Anh, Mỹ nhưng lười học thì làm sao mà có kiến thức được, làm sao mà thi SAT đạt trên 2000 điểm được.

5) Có bao nhiêu phần trăm học sinh sau 12 năm học tiếng Anh liên tục trong nhà trường, sau đó 5 năm còn nhớ, còn sử dụng được tiếng Anh như ở mức cuối năm lớp 9? Bao nhiêu % sau 10 năm còn nhớ, còn sử dụng được tiếng Anh như ở mức cuối năm lớp 7? Tỷ lệ chắc sẽ không cao. Có bao nhiên cán bộ Nhà nước có bằng C chứng chỉ học tiếng Anh nhưng do nhiều năm không sử dụng đã “chữ thày lại trả thày”?

Cho dù Việt Nam đã, đang và sẽ HỘI NHẬP TOÀN DIỆN, VỀ MỌI MẶT với quốc tế, bạn có thể tự tin dự đoán con cháu bạn sau này sẽ thường xuyên giao tiếp với người nước ngoài nên các cháu phải học tiếng Anh tích cực ngay từ bây giờ? Sẽ có nhiều cơ hội để phần lớn con cháu chúng ta sau này sẽ được giao tiếp với người nước ngoài? KHÔNG NHIỀU ĐÂU, nên đừng phát điên lên mà ném thời gian, tiền của và sức lực con cháu và những người đưa đón nữa vào những đầu tư kém hiệu quả như vậy.

6) Tại sao chúng ta lại CỨ PHÁT ĐIÊN LÊN, nhồi nhét bắt con thơ, cháu dại của mình ngồi học hết ở siêu trung tâm tiếng Anh nọ đến siêu trung tâm tiếng Anh kia sau khi các cháu nhận được CHỨNG CHỈ, HỌC BỔNG (Certificate, Award, Grant, Stipendium, Scholarship… ví dụ miễn giảm 10% học phí) này, nọ kia của các trung tâm Anh ngữ? Tại sao chúng ta không nghĩ đó là những TỜ RƠI, TIẾP THỊ, khuyến mại trói buộc con cháu chúng ta hơn nữa vào những giờ sức cùng, lực kiệt, tinh thần rời rã?

7) HIỆU SUẤT HỌC, tạm gọi là LƯỢNG KIẾN THỨC THU ĐƯỢC SAU 1 GIỜ học tiếng Anh ở người lớn chắc chắn là cao hơn người ít tuổi hơn. Ví dụ (con số chỉ để minh họa): Người từ 20 – 25 tuổi, mù tiếng Anh, chỉ cần học trong 10 ngày có thể xong toàn bộ chương trình tiếng Anh lớp 1 và lớp 2. Học thêm 20 ngày nữa có thể xong đến chương trình lớp 5… Nếu tập trung học trong 6 – 8 tháng có thể học xong toàn chương trình tiếng Anh của cả 12 năm phổ thông.

Ngoại ngữ của tôi ngày xưa học ở trường phổ thông là tiếng Trung Quốc nhưng cho đến nay một chữ bẻ đôi không nhớ và không biết. Hiện nay tôi chỉ nói được “ní hảo, hấn hảo, xia xia nỉ, Zuê nản, rẩn mỉn, ủa pu tủng” mà thôi, nhưng viết thì chịu, nửa từ cũng không thể.

8) HỌC TIẾNG ANH MUỘN CŨNG TỐT: Tiếng Anh hiện nay của tôi là tiếng Anh chủ yếu tự học, không thày, không cô, không trường, không lớp. Nhu cầu học tiếng Anh của tôi nẩy sinh vào giữa năm 1974, khi đó tôi được Viện Hóa Lý và Điện hóa Heyrovsky thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Tiệp Khắc chính thức công nhận là nghiên cứu sinh. Đã là nghiên cứu sinh thì phải đọc nhiều tài liệu chuyên môn, tạp chí khoa học chuyên ngành trong tiếng Anh. Năm đó ở Praha (thủ đô Cộng hòa Séc – Česká Republika), tôi đã mua 1 quyển sách nhỏ Angličtina pro samouky trong đó có 2 đĩa nhựa nhỏ chạy máy quay đĩa để nghe. Đó là quyển TIẾNG ANH CHO NGƯỜI TỰ HỌC. Tôi tự học tiếng Anh qua tiếng Séc, sách viết cho người Séc. Do có nhu cầu nên tôi đã tập trung học xong nó trong 6 tháng. Tôi tin là hết quyển đó có thể tương đương với trình độ học sinh lớp 12 hiện nay của ta (năm 2018). Có thể nói 6 tháng ở tuổi đã trưởng thành học thu được lượng kiến thức tiếng Anh bằng cả 12 năm học phổ thông, với số tiền đầu tư coi như bằng 0. RẤT HIỆU QUẢ.

Hơn chục năm tiếp theo không nói, không nghe, không đọc tiếng Anh, như bao nhiêu nhà khoa học khác tôi làm đủ thứ việc ba lăng nhăng, đèo can nhựa đi rong ruổi khắp nơi thấy quán bán dầu hỏa nào vắng người thì xếp hàng để mua, gánh nước, rửa bát, lau chùi, quét dọn, chăn gà, nuôi lợn v.v.. Cho đến đầu năm 1990 tự nhiên xuất hiện nhu cầu thi tuyển tiếng Anh giành học bổng của Chính phủ Hà Lan khóa học 9 tháng về Môi trườngChỉ có 3 tháng để chuẩn bị. Hội đồng thi tiếng Anh của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước do chị Đào làm Chủ tịch (vợ anh Đặng Hữu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước thời đó). Làm gì có tiền mà thuê các thày của trường Đại học Ngoại ngữ. Thời gian đó nghe giá tiền cho 1 giờ học tiếng Anh làm tôi phát khiếp. Các thày cô dạy tiếng Anh, nhất là tiếng Anh để đi nước ngoài, tiếng Anh để thi nghiên cứu sinh, thời gian đó hái ra tiền. Tôi chấp nhận may rủi với 3 tập của bộ sách STREAMLINE ENGLISH (Departure, Connection và Destination) với chiếc máy nghe casset băng từ bé nhỏ rẻ tiền thời đó. Có 5 ứng cử viên, chọn 2, và tôi đã thành công. với số tiền đầu tư coi như bằng 0 nhưng RẤT HIỆU QUẢ.

Cháu tôi (con chú em út) không có điều kiện học thêm, học nếm tiếng Anh bên ngoài. Đổi lại các môn học khác cháu tôi rất khá, trong đó có Toán và Văn. Khi cháu học gần xong lớp 10 chuyên Toán Chu Văn An (cháu đỗ cả hai trường là Amsterdam và Chu Văn An, tôi đã khuyên cháu học Chu Văn An), tôi nhận được thông tin là trường UNIS Hà Nội (United Nations International School, chủ yếu cho con em cán bộ các ĐSQ nước ngoài, liền kề với khu đô thị Ciputra, Hồ Tây) quyết định cấp 2 xuất học bổng toàn phần cho 3 năm học (lớp 10, 11 và 12) cho học sinh có hộ khẩu Hà Nội. Cạnh tranh rất cao vì thông tin phổ biến rộng rãi. Tiếng Anh của cháu không thể như nhiều cháu khác mà bố mẹ lấy ENGLISH làm trọng tâm. Cháu có 3 tháng tập trung cao độ cho tiếng Anh vì kiến thức các môn khác của cháu là rất tốt, không cần đầu tư thêm nữa; dành mọi thời gian cho tiếng Anh. Cháu đã thành công. Theo thông tin của nhà trường thì riêng học phí không thôi tại UNIS khoảng 500 triệu đồng/năm. Hà Nội cũng không thiếu gì gia đình có tiền đầu tư cho con vào học UNIS. Cháu tôi được một bạn học mời đến nhà chơi, về kể lại rất ngạc nhiên vì nhà bạn (đại gia) có đến 5 oshin giúp việc.

Sau 3 năm học theo chuẩn IB (International Baccalaureate) cháu là học sinh duy nhất của trường năm lớp 12 đạt điểm tuyệt đối, 45/45. Cháu không có năng khiếu đàn, hát, múa, thể thao nào cả. Cháu cũng không “xin” được bản nhận xét đánh giá đã thực tập ở viện nọ, trường kia để “đánh bóng” hồ sơ xin học bổng các trường đại học Mỹ. Cháu cũng không có bề dầy các hoạt động phục vụ cộng đồng (community services). Cộng đồng mạng liệt kê đến 10 tiêu chí cần tập trung để săn lùng học bổng Mỹ. “Liệu cơm gắp mắm” tôi khuyên cháu tôi tập trung vào 5 tiêu chí đầu. Giữa năm lớp 12 cháu nộp hồ sơ online cho trường National College Williams (MA, USA, đang là No. 1 trong khối trường NC) theo chế độ xét tuyển sớm (ED, Early Decision). Trong hồ sơ của cháu không cần có 1 dấu son, đỏ tròn nào của chính quyền địa phương (phường, xã). Sau hơn 1 tháng cháu nhận được từ trường Williams quyết định đồng ý, bao gồm chi tiết cả gói hỗ trợ tài chính 100% cho 4 năm ăn học và ở tại trường với 4 lượt vé máy bay khứ hồi (Hà Nội – Williamtown). Tại quyết định cũng nói rõ luôn, trong 4 năm được học bổng ấy (khoảng 67.000 USD/năm) cháu được quyền chọn học 1 năm ở bất cứ trường đại học nào trên Thế giới mà cháu thích. Hiện cháu đang là sinh viên năm thứ 3, học tại đại học Oxford (UK).

9) TIẾNG ANH LÀ PHỤ, KIẾN THỨC LÀ CHỦ YẾU: Tôi nghĩ rằng, hiện nhiều ông bố bà mẹ đang phát điên phát dại về tiếng Anh, coi tiếng Anh là trụ cột. Quan niệm này theo tôi chắc chắn không có ích gì cho các cháu. Nếu các cháu “bắn” được tiếng Anh – Việt cũng là tuyệt rồi. Các kiến thức khác là rất quan trọng, đừng để các cháu điếc hay mù về những kiến thức khác, sẽ không giúp ích nhiều cho các cháu trong cuộc sống. Ngay đến học sinh Mỹ, nếu mất cơ bản về môn Lý, thì nghe thày cô Mỹ giảng cũng như vịt nghe sấm mà thôi.

Tiếng Anh của tôi như đã nói ở trên là 100% tự học, ở mức đủ để giao tiếp, trao đổi. Đối với tôi, tiếng Anh chỉ là công cụ. Theo tôi cái chính là kiến thức chuyên môn, quyết định hơn. Có lần Đoàn các doanh nghiệp Đan Mạch chuyên về công nghệ môi trường sang Việt Nam để tiếp thị, tìm hiểu thị trường, tổ chức hội thảo để họ giới thiệu. Họ cần tuyển phiên dịch cho các buổi hội thảo quốc tế như vậy về công nghệ Môi trường. Nhiều phiên dịch gạo cội, có giá, siêu tiếng Anh được mời đến. Tôi cũng đến thử xem sao vì là lĩnh vực chuyên môn của tôi. Cuối cùng tôi đã được chọn. Cái chính là chuyên gia Đan Mạch nói gì mình hiểu được điều đó, vì tôi có kiến thức, vấn đề đó tôi đã học, đã hiểu, đã biết.

Tương tự, nếu tôi không có chuyên môn về kinh tế mà nghe các chuyên gia kinh tế giảng dạy về Quản trị kinh doanh trong tiếng Việt tôi cũng ú ớ, tiếp thu bập bõm. Có kiến thức đúng sẽ giúp ta dịch được tiếng Anh đúng. Tôi cũng thực sự lấy làm lạ và không thể hiểu nổi là hiện nay rất nhiều người siêu tiếng Anh kể cả các thày cô của các trường học về BA, MBA (BUSINESS ADMINISTRATION, Master of Business Administration) tất cả đều dịch là QUẢN TRỊ KINH DOANH?? Cách dịch này có vấn đề, vì:

Từ BUSINESS trong từ điển Anh – Việt có nhiều nghĩa tùy theo ngữ cảnh, mọi người đều hiểu chung là HOẠT ĐỘNG/CÔNG VIỆC (kinh doanh, buôn bán, làm ăn). Tuy nhiên, một lần tình cờ thấy cháu tôi đọc quyển sách về Business Administration mượn ở trường UNIS về nhà. Tôi liếc mấy trang đầu, đặc biệt đoạn định nghĩa về Business Administration, là MANAGE AN ENTITY(quản lý một THỰC THỂ) hay là AN ORGANIZATION (quản lý một TỔ CHỨC)…. Từ business ở trong định nghĩa này hoàn toàn không phải là HOẠT ĐỘNG/CÔNG VIỆC. Vậy một thực thể, hay một tổ chức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tiếng Việt gọi là gì? Xin thưa là DOANH NGHIỆP. Chúng ta có cả Luật Doanh nghiệp cơ mà.

Rõ ràng, QUẢN LÝ/QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP mang những NỘI HÀM (NỘI DUNG) RỘNG LỚN, BAO QUÁT, TOÀN DIỆN HƠN NHIỀU so với QUẢN TRỊ KINH DOANH. Các lãnh đạo doanh nghiệp ngoài việc lo sản xuất, kinh doanh, công nghệ, kỹ thuật, thiết kế mẫu mã, đổi mới sản phẩm, dự án đầu tư, lo vốn, tài chính, lời lãi, thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiếp thị… còn phải chăm lo đến đời sống công nhân, cán bộ nhân viên, đào tạo họ, phúc lợi xã hội, chăm lo sức khỏe, bảo hiểm y tế. Một mảng công việc cực kỳ quan trọng nữa là vấn đề ô nhiễm môi trường của nhà máy đến mức độ nào, xử lý vấn đề với người dân địa phương ra sao, xung đột lợi ích có dẫn đến biểu tình, phản đối? Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với địa phương ra sao? Đóng góp được gì để cộng đồng địa phương cùng phát triển? Có lạm dụng lao động trẻ em?… Những nội dung giảng dậy trong Business Administration/Management rộng lớn như vậy, tại sao chúng ta cứ dịch hẹp đi, là quản trị KINH DOANH? Mà không dịch là quản trị DOANH NGHIỆP?.

Tóm lại tôi muốn phân tích, chứng minh rằng tiếng Anh là công cụ, là cần thiết, là quan trọng, nhưng không nên phát điên lên vì nó mà bắt các con cháu chúng ta phải học từ bé, học lệch, học cả vào cái giờ sức cùng, lực kiệt, học cả thứ 7 và Chủ nhật. Hãy đầu tư cho tiếng Anh một cách thông minh, sao cho có hiệu quả, đừng để các trung tâm siêu tiếng Anh dắt mũi, vặt lông chúng ta và làm yếu đi kết quả học tập các môn khác nữa của con cháu mình. Tiếng Anh, trong nhà trường như là một môn NGOẠI NGỮ, nên bắt đầu cho các cháu học từ lớp 6. Chương trình cũ 12 năm nên nén lại thành 6 năm.

Xin chân thành cám ơn bạn đọc.

Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội ngày 03/3/2018.