Ngay sau đó, tôi tự hỏi: Vì sao lại “sống được bằng nghề và hạnh phúc với nghề” mà không phải là điều gì to lớn hơn?
Tôi chỉ có thể tự giải thích, đó là một mong muốn từ trong sâu thẳm, nên đã vô thức bật ra. Nếu phải chuẩn bị trước, chắc tôi sẽ rất lúng túng.
Các lời chúc tụng giờ đây không còn là mong ước chân thành của người chúc, mà đã suy biến thành những sáo mòn mang tính thủ tục.
Nhưng vì sao tôi lại có mong muốn giản dị nhuốm màu đời thường đó? Chắc hẳn, đó phải xuất phát từ những trải nghiệm và va đập trong thực tiễn giáo dục suốt những năm qua. Vì nếu không, với bản tính của mình, tôi sẽ nghĩ đến các triết lý, giá trị và phương pháp trong giáo dục.
Thực tiễn giáo dục cho tôi thấy, sống được bằng nghề và hạnh phúc với nghề vẫn nằm ngoài tầm với của số đông giáo viên và những người làm trong ngành giáo dục.
Sống được bằng nghề cũng không phải câu chuyện mới. Trên thực tế, vấn đề đã được nêu ra từ hàng chục năm nay. Có cả những hứa hẹn và những lộ trình. Nhưng đích đến, xem ra còn rất xa vời.
Sự xa vời đó không xuất phát từ việc các nhà quản lý giáo dục thiếu năng lực, mà từ thực tế rằng, giáo dục chỉ là một “vòng tròn nhỏ trong vòng tròn lớn”.
Bất cứ sự thay đổi nào trong vòng tròn nhỏ giáo dục đều cần sự thay đổi trong vòng tròn lớn cơ chế, và rộng hơn là vòng tròn kinh tế – chính trị – xã hội của đất nước.
Vì thế, giải pháp phổ biến của giáo viên hiện giờ là xoay xở để tự cứu mình trước khi trời cứu. Tuy là giải pháp phổ biến, nhưng thực ra chỉ là giải pháp tình thế, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng giáo dục và chất lượng sống của chính người thầy.
Suy cho cùng, quỹ thời gian và sức người có hạn. Khi phải bươn chải, “chân trong chân ngoài”, chất lượng công việc và cuộc sống của nhà giáo chắc chắn bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, giải quyết bài toán “sống được bằng nghề” cho giáo viên thế nào vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ, ngoài tầm với của hầu hết những người làm giáo dục.
Giải pháp trước mắt với một số người là sử dụng cơ chế thị trường. Nơi nào sống được thì mình đến. Nơi nào không sống được thì mình đi. Điều này thể hiện rõ trong con số 16.000 giáo viên bỏ việc chỉ trong năm 2022 này.
Giải pháp lâu dài là thúc đẩy phát triển nền kinh tế, tinh giản bộ máy quản lý nhà nước và xây dựng chính sách lương mới cho giáo viên, công chức. Việc này lại nằm ngoài tầm với của những người làm giáo dục.
Vì thế, sẽ hữu ích hơn nếu ta tìm cách “hạnh phúc với nghề” trong khi vẫn phải đánh vật với chuyện “sống được bằng nghề”.
Rõ ràng, hạnh phúc là một vấn đề cá nhân. Cùng một trải nghiệm, với người này thì hạnh phúc, còn người khác lại đau khổ.
Do đó, về nguyên tắc, để có được hạnh phúc thì cá nhân phải được tôn trọng, như một con người bình đẳng, trọn vẹn và có phẩm giá. Nếu kìm hãm hoặc tước đoạt con người cá nhân, thường thể hiện qua việc tước bỏ quyền tự chủ, lựa chọn, nêu ý kiến, thể hiện cảm xúc, tìm tòi sáng tạo… thì hạnh phúc sẽ không hiện hữu.
Vì sao? Vì khi làm như thế, ta sẽ bị suy thoái thành con người công cụ, giống như một chiếc đinh ốc trong cả một cỗ máy lớn.
Con người công cụ không có hạnh phúc và không cảm nhận được hạnh phúc, vì hạnh phúc không phải là thuộc tính của các công cụ. Với công cụ, điều quan trọng là sự tuân thủ và tính hữu dụng, theo tiêu chuẩn do người khác đặt ra.
Vì lẽ đó, con người công cụ không phải là con người chân thật. Con người công cụ chỉ là một phiên bản được đúc ra nhằm đáp ứng mục đích do người khác định ra.
Ngày nay, hoàn cảnh đã thay đổi. Tự chủ và sáng tạo đã trở thành yêu cầu sống còn để tồn tại và phát triển. Vì thế, phải từng bước thoát ra khỏi tâm thế con người công cụ để trở thành một con người mới.
Một cách đại thể, những con người công cụ phải nhận ra hiện trạng của mình để từng bước trở thành con người chân thật thông qua các lựa chọn. Rồi sau đó, con người chân thật sẽ dần trưởng thành, trở thành con người tự chủ. Và cuối cùng, con người tự chủ dần chuyển hóa để trở thành con người tự do.
Đó là ba giai đoạn trên hành trình trưởng thành của mỗi người. Đó cũng là nội dung, lộ trình và đích đến của giáo dục. Tất cả đều bắt đầu bằng sự tự vấn và nhận thức lại về hiện trạng của chính mình để đưa ra các lựa chọn chân thật.
Nhờ các lựa chọn chân thật này mà cá nhân từng bước tạo ra chính mình, tức từng bước thoát khỏi con người công cụ để trở thành con người chân thật. Khi đó, họ sẽ cảm nhận hạnh phúc, vì hạnh phúc lớn nhất của một người là được sống thật với chính mình.
Do đó, chìa khóa để có được hạnh phúc với nghề, hóa ra lại nằm ở việc có đưa ra được các lựa chọn chân thật trong các tình huống nghề nghiệp phải xử lý hay không.
Với nhà giáo, các tình huống đó không có gì khác hơn việc dạy thật – học thật – thi thật – sống thật, với học trò và đồng nghiệp, trong chính ngôi trường mình đang làm việc.
Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh chưa ủng hộ việc dạy thật – học thật – thi thật – sống thật thì hãy mạnh dạn dựa chọn lối đi này, vì điều đó tạo ra chính nghĩa và cội nguồn của hạnh phúc.
Tôi nghiệm ra, trở về với con người chân thật và triển khai công việc theo cách chân thật của mình, chính là chìa khóa để có được hạnh phúc với nghề.
Nay, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi không biết nói gì hơn ngoài việc chúc tất cả thầy cô có được hạnh phúc với nghề, ngay cả khi việc sống được bằng nghề vẫn còn là bài toán cần phải giải.
Theo: Giáp Văn Dương.