“Tao cũng chẳng biết tại sao có thể sống sót qua ngần đấy kỳ thi, 14 chứng chỉ bắt buộc còn hai tấm bằng sau đại học là tự chọn”, anh tôi – vụ trưởng cơ quan làng nhàng thuộc bộ – lắc lắc đầu, “nhưng chú biết đấy, ở nhà nước, chỉ có bằng cử nhân thì khó lắm, khó lắm”.
Tôi hiểu hàm ý đằng sau cụm từ “khó lắm”. Sự nghiệp sưu tầm văn bằng, chứng chỉ gian nan thế nào, chỉ ai là công chức, viên chức mới thấm.
Có hàng trăm loại chứng chỉ đang vận hành. Chức vụ trưởng phòng, ngoài bằng đại học, phải có: chứng chỉ quản lý chuyên ngành, chứng chỉ của cơ quan chủ quản, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ công nghệ thông tin, chứng chỉ viên chức hạng III, chứng chỉ viên chức hạng II, chứng chỉ chuyên viên, chuyên viên chính; chứng chỉ bồi dưỡng quản lý cấp phòng, cấp vụ; giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh… Tùy vào cơ quan, sẽ cần thêm các chứng chỉ như phóng viên hạng 3, hạng 2, hạng nhất, chứng chỉ quản lý báo chí với lãnh đạo, chứng chỉ về công đoàn, chứng chỉ thanh vận với cơ quan thuộc Đoàn…
Trong vô vàn chứng chỉ cần có với mỗi công chức, viên chức, tựu trung chia thành hai loại: loại do cơ quan cử và loại tự đi học. Nếu được cơ quan cử, thời gian và học phí do cơ quan trang trải, còn tự học thì tự túc.
Tôi biết nhiều công chức, viên chức sẵn sàng tự trả học phí để đi học, nhưng ở cơ quan nhà nước “hiếu học” chưa chắc được nhìn nhận là ưu điểm. Ngay cả việc nâng cao trình độ cũng phải lần lượt theo danh sách mà chỉ có thủ trưởng mới biết thứ tự.
Các loại chứng chỉ vừa là đích vươn tới của mỗi công chức, nhưng có thể là hàng rào được đặt ra nhằm “phân luồng giao thông”.
Còn nhớ ở cơ quan cũ của tôi, trong cuộc họp, khi ông phó hỏi về việc cử đi học chính trị, ông thủ trưởng kiêm bí thư chi bộ ban ra một câu xanh rờn: “Cơ quan hết kinh phí”.
“Hết kinh phí” thực ra là lối nói tránh của “chưa đến lượt”. Và cái gọi là “lượt” đó thể hiện quy hoạch trong đầu ông thủ trưởng: Ai được đi học sẽ chắc suất vươn lên nhanh hơn những người mà chứng chỉ bắt buộc còn thiếu.
Đó là một thực tế đang ảnh hưởng tới hàng triệu công chức, viên chức tại Việt Nam. Bộ máy quan liêu trọng chứng (chỉ) chứ không trọng chuyên (môn) không chỉ làm những cán bộ mới choáng váng mà kể cả người đã “vượt vũ môn” cũng thấy nản.
Gần 30 năm qua, hệ thống chứng chỉ bắt buộc có xu hướng ngày càng cồng kềnh với việc ra đời hàng loạt thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ và bộ quản lý chuyên ngành về tiêu chuẩn công chức, viên chức. Trong đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng thường đứng sau phần nhiệm vụ. Tức tư duy của các nhà quản lý vẫn coi những tấm giấy A4 lạnh lùng quan trọng hơn năng lực chuyên môn.
Khi tiêu chuẩn về trình độ hay nói cách khác là số lượng chứng chỉ quan trọng hơn năng lực, kết quả tất yếu, các cán bộ nhà nước mải mê sưu tầm chứng chỉ. Các trường, lớp chứng chỉ mọc ra khắp nơi và trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ bận rộn suốt năm trong guồng quay giảng dạy cũng như thai nghén về những chứng chỉ mới.
Tôi hy vọng những kêu than về rừng chứng được lắng nghe. Bộ Nội vụ vài ngày trước vừa bãi bỏ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học từ tháng 8/2021. Quyết định được cho là đã tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng.
Nhưng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học chỉ là hai trong số vài chục chứng chỉ đang tồn tại. Còn nhiều loại chứng chỉ “đặc thù nghề nghiệp” khó bị loại bỏ vì những lý do rất hợp lý. “Đảm bảo chất lượng công chức, viên chức” chẳng hạn.
Độc giả sẽ hỏi “tại sao chưa cắt hết chứng chỉ vô bổ, lãng phí?”. Đã vô số công chức, viên chức đặt vấn đề như vậy. Nhưng nếu bỏ chứng chỉ thì hàng loạt trường bồi dưỡng cán bộ sẽ làm gì, bao nhiêu giảng viên sẽ đi đâu? Câu hỏi lớn hơn, căn cứ vào đâu để bộ máy “định lượng” công chức, viên chức?
Và nếu, nếu thôi nhé, cải cách có xảy ra cũng còn đếm bằng năm. Quy trình ban hành một văn bản quy phạm pháp luật kiểu này không thể hoàn thành trong vài tuần.
Khi mà bộ máy chưa tìm ra phương cách đánh giá chính xác năng lực, đóng góp của mỗi công chức, viên chức, có lẽ việc dựng lên hàng rào chứng chỉ vẫn là một giải pháp có lý. Sẽ dễ hơn nhiều nếu người ta tổng kết với nhau: đạt được ngần này chứng chỉ tức là cán bộ có ngần kia kiến thức, năng lực chuyên môn.
“Giải pháp chứng chỉ” tồn tại quá lâu cùng với thang, bảng lương khiến người ta quên mất, thế giới đã có nhiều bộ đánh giá kết quả công việc rất hữu dụng như KPI, BSC hay OKR.
Với chiếc thang “sống lâu lên lão làng” kèm theo rừng chứng chỉ, theo cách nói của vụ trưởng ở trên, thiên tài vào biên chế cũng chỉ có lương ở bậc 2,34 nếu có bằng đại học. Còn không có bằng đại học thì đương nhiên không thể hưởng lương chuyên viên kể cả là thiên tài.
Ở khu vực quốc doanh, tài năng là thứ gì đó rất khó xác định. Khó hơn nhiều việc đếm chứng chỉ.
Và khi tài năng còn là một định mức mơ hồ, sẽ còn những người dành cả thanh xuân để sưu tầm chứng chỉ.
Theo: vnexpress.