Nghịch lý của biết chữ

Lượt xem:

Đọc bài viết

Có lần, khi tôi còn nhỏ, bạn bố mẹ tôi gọi điện mách với mẹ là bố hay trốn làm. Không phải bố lười biếng hay đi ngoại tình, bố bị cuốn hút bởi một quyển sách hay và đỗ xe bên lề đường để đọc ngấu nghiến quên luôn thời gian.

Để người trẻ ham đọc sách - Báo Nhân Dân

Ảnh minh họa.

Tôi bị ảnh hưởng thói quen thích đọc sách của bố mẹ. Và tôi còn nghiện đọc hơn họ nên hay bị mẹ mắng “lúc nào cũng chúi mũi vào quyển sách”.

Một ngày mùa đông ở Canada cuối những năm 90, gió thổi mạnh vào ngôi nhà bằng gạch cũ kỹ đã hơn 100 tuổi. Căn nhà có tổng cộng 17 phòng. Một số phòng không sử dụng được, đóng cửa tối om và dĩ nhiên rất lạnh lẽo. Những căn phòng đó vô cùng đáng sợ với đứa trẻ 9 tuổi, nhưng tôi rất háo hức được khám phá một phòng như thế, phòng bố mẹ tôi gọi là “the study”. Nó giống như thư viện với một bàn làm việc và nhiều sách.

Tôi hay lẻn vào phòng study xem các cuốn sách. Vào một ngày lạnh giá, tôi phát hiện ra cuốn tiểu thuyết tên rất lạ “Bí kíp quá giang vào Ngân hà”. Nó để trên một kệ sách cao, tôi phải tìm một chiếc ghế để đứng lên, cẩn thận không gây ra tiếng động khiến bố mẹ phát hiện.

Tôi mở quyển sách và bắt đầu đọc: “Vào đêm thứ tư, trời mưa rất to, con ngõ ẩm ướt và lầy lội, nhưng ánh nắng thứ năm vẫn sáng trong khi nó chiếu vào ngôi nhà của Arthur Dent như đó là lần cuối cùng”. Hả? Sao lại cuối cùng? Mắt tôi mở to vì phấn khích. Tôi đặt cuốn sách dưới cánh tay và cẩn thận đóng cửa, đặt lại chiếc chìa khóa nơi mẹ tôi đã giấu nó “ở nơi mà Jesse sẽ không bao giờ tìm được”.

Tôi bước nhanh đến bên lò sưởi. Thật tuyệt khi tôi đang đọc về những vùng đất mà trước đây tôi chưa từng tưởng tượng ra.

Cuốn sách là cuộc du hành phiêu lưu đến một thiên hà hư cấu. Tôi đắm chìm vào từng trang sách đến những thiên hà xa xôi. Tôi yêu thể loại sách khoa học viễn tưởng nhất. Hầu hết những phát minh ứng dụng vào đời sống hôm nay đã đến từ ý tưởng trong những cuốn sách. Điện thoại, máy tính, tàu vũ trụ… sắp tới là cả máy dịch tiếng mèo.

Con mèo của tôi không đọc sách được. Nếu tôi bị nhiễm Covid và không thể chăm sóc nó thì Shadow sẽ đói lắm, nó không thể tự lo được. Chỉ có con người với bộ não phát triển của động vật bậc cao và có đầy đủ thiết bị tối tân hỗ trợ mới chế tạo được máy dịch tiếng mèo. Người Nhật đang cố gắng phát triển máy này.

Hôm nay là ngày quốc tế xoá nạn mù chữ, cũng thuộc tuần đầu tiên của năm học mới ở Việt Nam, nhưng nhiều trẻ em chưa thể đến trường gặp bạn bè vì giãn cách. Tôi có một cách cho bọn trẻ. Nếu chúng mở một cuốn sách ra, chúng sẽ như thấy cả vũ trụ cùng mọi câu trả lời ở bên trong.

Nghịch lý là ngày cho người mù chữ mà họ không có khả năng tự đọc sách. Một nghịch lý khác nữa là rất nhiều người biết đọc thành thạo nhưng mỗi ngày họ càng ít đọc sách. Họ rất chăm chú đọc những bài “trạng thái” hay hay bình luận trên mạng xã hội hoặc chỉ xem Youtube. Thật đáng tiếc vì lâu ngày thói quen lướt mạng sẽ có hại cho sự phát triển vỏ não trước của mình, nơi mình phát triển khả năng suy nghĩ, tập trung và lập kế hoạch cũng như tư duy sâu. Ngược lại với thói quen xem video, lướt mạng, sách rất tốt cho não, giúp chúng ta tăng khả năng tập trung và phát triển trí tưởng tượng.

Nghịch lý thứ ba là nhiều trẻ em ngày nay không thích đọc sách, một phần vì bố mẹ chúng cũng không quan tâm mấy đến sách. Khi tôi còn nhỏ, trước khi đi ngủ bố hay đọc truyện của Aesop cho tôi nghe. Những câu chuyện phiêu lưu hấp dẫn, hài hước nhưng gửi gắm thông điệp sâu sắc. Ví dụ như chuyện về tính tham lam, con ngỗng đẻ trứng vàng đã bị chủ nhân của nó mổ bụng để tìm vàng. Những thông điệp giáo dục này luôn đáng nhớ với mọi thời đại.

Ngôi nhà cổ của chúng tôi có hơn ba trăm cuốn sách, có những cuốn cũ gần bằng tuổi ngôi nhà. Có lần tôi ngồi sau xe hơi và đọc quyển “Viking, Eaters of the dead” của Michael Crichton. Bố mẹ nói “Bỏ sách đi, xem cảnh đẹp hai bên đường này”, nhưng tôi vẫn tiếp tục đọc vì trong sách của tôi còn chứa nhiều cảnh đẹp hơn. Với đứa trẻ 10 tuổi khi ấy, toàn bộ vũ trụ nằm trong sách.

Tôi muốn viết một bài tạo động lực để nhiều người cố gắng giúp trẻ em học chữ, đọc nhiều sách, bởi nó sẽ cho chúng câu trả lời về gần như mọi điều trong cuộc sống. Bạn có biết “Bí kíp quá giang vào ngân hà” là gì không? Câu trả lời: Số 42. Tại sao là 42? Bạn có thể tìm đọc quyển sách trên hoặc vào mạng tìm kiếm “the answer to life, the universe, and everything” nhé.

Ở phương Tây, có rất nhiều giải thưởng dành cho sách. Mục đích để khuyến khích các ý tưởng, phát minh, sáng tạo để phát triển tương lai. Tôi mong ở Việt Nam cũng có nhiều giải thưởng, nhiều phong trào khuyến khích trẻ em đọc, và nó hiệu quả. Tương lai của nhân loại được viết ra trong trí tưởng tượng của chúng ta, được ghi lại trong sách trước khi thực sự hình thành.

Theo Jesse Peterson (Giáo viên dạy tiếng Anh tại VN)
(Nguyên tác tiếng Việt)