Ở nhà, hình phạt phổ biến là úp mặt vào tường với trẻ nhỏ, hoặc bắt làm việc nhà với trẻ vị thành niên. Nhiều cha mẹ còn áp dụng phạt tiền, cấm đi chơi, cấm sử dụng máy tính… Nhiều gia đình vẫn đánh đòn, hoặc mắng chửi con.
Còn ở trường, các hình thức kỷ luật được ngành giáo dục cho phép là nhắc nhở, khiển trách, thông báo với gia đình, tạm dừng học tập có thời hạn… tùy theo mức độ vi phạm. Một số thầy cô cũng tự phát sử dụng các hình thức khác như viết bản kiểm điểm, chép bài, trực nhật, dọn vệ sinh, lao động công ích, chạy quanh sân…
Cả ở nhà và ở trường, các hình phạt đều phong phú, từ nhẹ nhàng đến kinh hoàng. Nhưng đâu là hình phạt đúng, có tác dụng giáo dục, không để lại tổn hại cho sự phát triển và không gây ra các nhầm lẫn trong nhận thức của trẻ nhỏ?
Chẳng hạn, con trẻ phạm lỗi thì phải làm việc nhà, vậy làm việc nhà có còn là trách nhiệm chung của mỗi thành viên trong gia đình? Học sinh phạm lỗi thì phạt đọc sách, vậy đọc sách vốn có phải là hành vi tốt? Kỷ luật học sinh bằng cách tạm dừng học tập trên lớp, liệu có vô tình đẩy các em vào đường cùng?
Qua quan sát và kinh nghiệm dạy học tôi thấy, những học sinh bị kỷ luật bằng cách tạm dừng học tập, gọi nôm na là đuổi học có thời hạn, đa số đều bỏ học sau đó. Tác dụng giáo dục của hình thức kỷ luật này rất thấp, đơn thuần là đẩy trách nhiệm giáo dục của nhà trường sang gia đình và xã hội.
Phạt con trẻ thế nào đúng, cho hiệu quả và mang tính giáo dục cao vẫn là một bài toán đau đầu với các bậc cha mẹ và những người làm giáo dục. Để giải bài toán này, trước hết cần làm rõ mục đích của trừng phạt
Suy ngẫm một chút, ta sẽ thấy, mọi hình phạt đều tới hướng mục đích: giúp hiểu được cái sai để lần sau không vi phạm, hoặc làm cho sợ để không dám vi phạm.
Có hai cách làm cho trẻ hiểu được cái sai: phân tích, giải thích hoặc tạo điều kiện để trẻ tự suy nghĩ, tự tìm ra. Cũng có hai cách để cho trẻ sợ: chiếm đoạt niềm vui hoặc gây ra nỗi đau cho chúng.
Tuy nhiên, để cho trẻ biết sai mà tránh, biết sợ mà dừng, thì điểm mấu chốt là trước khi việc phạm lỗi xảy ra, nên thống nhất với trẻ các quy tắc chung cần tuân thủ và các mức phạt tương ứng.
Sự thống nhất này cần được tiến hành thông qua thảo luận để đi đến đồng thuận. Nếu trẻ không biết trước các quy tắc và hình phạt, thì việc phạt trẻ sau đó sẽ rất ít tác dụng. Trẻ sẽ coi đây là sự “an gian” của người lớn.
Còn nếu không được trẻ đồng thuận, thì ngay từ đầu trẻ đã chống đối ngầm, việc phạt sẽ không hiệu quả. Vì thế, nhiều trẻ liên tục bị cha mẹ đánh đòn, nhưng lần sau vẫn chủ ý phạm lại lỗi đó.
Nhưng số tình huống mà trẻ có thể phạm lỗi sẽ vô cùng nhiều. Làm sao có thể biết để thảo luận trước? Điều này cũng giống như với người lớn, làm sao có thể hiểu và nhớ hết một rừng luật pháp để không phạm lỗi?
Cách tốt nhất là dạy trẻ các nguyên tắc ứng xử, như không nói dối, không đánh bạn, không sử dụng đồ của người khác mà không hỏi ý kiến họ… thay vì một danh mục chi tiết các “tội lỗi và hình phạt”.
Các nguyên tắc ứng xử này lại được xây dựng dựa trên một bộ giá trị sống nào đó. Vì thế, sẽ hiệu quả hơn nếu giúp trẻ xây dựng bộ giá trị sống của riêng mình, tốt nhất là những giá trị phổ quát, có sức sống dài hạn, có tác dụng định hướng nhận thức và điều chỉnh hành vi trong các tình huống thông thường.
Một trong những bộ giá trị mà cha mẹ và thầy cô có thể sử dụng làm khung tham chiếu là bốn giá trị phổ quát: Chân – Thiện – Mỹ – Hòa.
Nhưng nhiều người lớn không hiểu rõ điều này, và cũng không thấy rõ các lựa chọn trong việc phạt trẻ, nên đã làm cho trẻ đau. Đó có thể là nỗi đau thể xác thông qua đánh đòn, hoặc nỗi đau tinh thần thông qua mắng nhiếc, đay nghiến, phân biệt, kỳ thị. Đây là cách phạt trẻ kém hiệu quả nhất và để lại tổn thương nặng nề nhất, nhiều khi kéo dài đến hết cuộc đời.
Ngoài việc trừng phạt, quan trọng hơn là trao cơ hội sửa chữa lỗi lầm và tưởng tưởng khi trẻ thay đổi. Kinh nghiệm của tôi cho thấy, ghi nhận và tưởng thưởng đúng lúc, đúng mức độ thường mang lại kết quả tốt hơn và bền vững hơn là trừng phạt.
Với trẻ, người lớn chúng ta đang quá tiết kiệm sự ghi nhận và tưởng thưởng, nhưng lại lạm dụng phạt ở nhiều thể dạng và mức độ, đến mức có rất nhiều người đã cố gắng hết sức, nhưng đến già vẫn chưa từng nhận được lời khen ngợi của cha mẹ.
Cuối cùng, cần trao quyền và trao cơ hội để trẻ tự chủ, từng bước hình thành nhận thức về phải, trái, đúng, sai, tốt, xấu… và có cách điều chỉnh hành vi hợp lý.
Trên hành trình trưởng thành của trẻ, việc mắc sai lầm, và phạm lỗi là chuyện đương nhiên. Điều quan trọng là cần thiết kế một môi trường phù hợp để trẻ được sai lầm, trong tầm kiểm soát, và giúp trẻ học được những bài học từ các sai lầm đó.
Trở lại câu hỏi phạt trẻ sao cho đúng, ta sẽ thấy: phạt bằng cách yêu cầu trẻ tự vấn về hành vi sai trái của mình, và phải trả giá bằng việc đánh đổi niềm vui trong một khoảng thời gian nhất định, là cách làm hiệu quả hơn so với mắng nhiếc hoặc đánh đòn.
Theo Giáp Văn Dương.