Khi những chiếc áo trắng của tôi đã chật, mẹ thường gấp lại, đem cho những học trò nghèo của mẹ. Mẫu áo đồng phục của chúng tôi thời đó rất đơn giản, thường chỉ khác nhau ở chỗ có túi hoặc không. Mặc dù tôi thích áo có túi, trông “đàn ông con trai” hơn, mẹ thỉnh thoảng vẫn mua những mẫu không túi, phụ thuộc vào kết quả so sánh giá từ đầu chợ đến cuối chợ của bà.
Sau những năm tiểu học loanh quanh với chiếc áo trắng có túi hoặc không, lên trung học, tôi học xa nhà, bắt đầu nhìn thấy áo đồng phục lạ hơn của các bạn trường khác. Không chỉ có túi, chiếc áo còn có cầu vai như của những sĩ quan quân đội. Thấy đẹp, oách và rất thích mắt, tôi cố để ý xem quầy hàng nào gần nhà mình có bán. Nhưng tôi tìm không thấy. Có lẽ nhà trường kia đã đặt may riêng.
Đồng phục sẽ là câu chuyện tuổi thơ bị lãng quên, cho tới tuần trước, một người bạn cũ của tôi ở Hà Nội chia sẻ về sự tốn kém đầu năm học; trong đó, riêng tiền đồng phục, nếu mua đầy đủ theo danh sách gợi ý của trường, bạn tốn hơn một triệu đồng cho mỗi đứa con. Bạn nói, buộc phải mua theo mẫu, theo giá của nhà trường và đơn vị cung cấp; vì áo, váy, các trang phục thể thao mùa đông mùa hè… đều được thiết kế riêng, thị trường không có bán. Câu chuyện của bạn khiến câu hỏi về “chiếc áo trắng có cầu vai bán ở đâu?” trở lại với tôi.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2021 đạt 4,2 triệu đồng; trong đó khu vực thành thị đạt gần 5,4 triệu đồng và khu vực nông thôn – xấp xỉ 3,5 triệu đồng.
Con số hơn một triệu đồng cho một đứa con và gần ba triệu đồng cho những gia đình có hai con tuổi trung học, bên cạnh nhiều loại chi phí giáo dục đầu năm khác, là một gánh nặng so với mức thu nhập bình quân trên.
Và đây chưa phải là mức phí cao nhất với đồng phục. Năm 2021, một trường học ở quận 1, TP HCM bị phụ huynh phản đối vì đưa ra những quy định gần như bắt buộc (mặc áo dài thứ hai, mặc váy thứ ba – thứ năm, và mặc quần các ngày còn lại), khiến nữ sinh phải mua 3-4 loại đồng phục với giá gần hai triệu đồng.
Để ý tìm hiểu, tôi thấy đồng phục học sinh bây giờ thường được thiết kế riêng, cầu kỳ, bao gồm nhiều chi tiết nhận diện trường. Chưa nói tới trường tư và trường quốc tế, các trường công hiện nay cũng rất nhanh nhạy trong việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, trong đó có đồng phục học sinh.
Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT quy định về đồng phục học sinh – sinh viên. Theo đó, đồng phục nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa các học sinh – sinh viên với nhau và phải bảo đảm tiết kiệm. Đồng phục bao gồm quần đồng màu, áo đồng màu (áo sơ mi, áo khoác hoặc áo dài). Vì vậy, theo tinh thần của Thông tư này, những trang phục có nhiều họa tiết và nhiều màu sắc không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật để trở thành đồng phục cho học sinh. Ngoài ra, những sản phẩm với đặc trưng riêng không thể mang tính đại chúng, không thể mua bán một cách đại trà, càng không thể đáp ứng tiêu chí tiết kiệm.
Về mặt thị trường, khi một sản phẩm thiết yếu có quá nhiều đặc trưng riêng biệt không thể bị thay thế, sản phẩm đó sẽ dần trở nên độc quyền. Sự độc quyền thủ tiêu tính tự do của nền kinh tế cũng như thủ tiêu động lực cạnh tranh và dần biến chất lượng của sản phẩm trở nên tồi tệ.
Về mặt quản lý xã hội, khi nhà trường ban hành mẫu đồng phục “độc” và biến nó thành sản phẩm độc quyền, nhà trường khó tránh khỏi sự liên quan đến việc thao túng giá và trục lợi.
Tháng 1/2018, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng kết luận, ban giám hiệu một trường học ở thành phố Sóc Trăng đã chia nhau hoa hồng bán đồng phục, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn học sinh. Khoản tiền hoa hồng bán đồng phục hơn 74 triệu đồng được chia cho 18 người: hiệu trưởng 18,35 triệu đồng, các hiệu phó 7,65 triệu đồng mỗi người; riêng nhân viên phụ trách phát hành đồng phục nhận hơn 19 triệu đồng.
Để ngăn chặn hành vi trục lợi, Thông tư 26 cũng quy định: Hiệu trưởng quyết định việc mặc đồng phục và kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục trong tuần; việc thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục phải được sự đồng ý của Hội đồng trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh; phụ huynh học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức may hoặc mua đồng phục.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều nơi, mọi khâu trong quá trình này đều do nhà trường thực hiện, phụ huynh chỉ được thông báo và nộp tiền. Nhiều trường thậm chí còn thay đổi mẫu đồng phục theo năm, mỗi năm một màu, một kiểu, khiến những trang phục năm cũ, dù còn vừa vặn, vẫn rất khó để tái sử dụng.
Tôi tin nếu mở rộng thanh tra, sự việc tương tự ở Sóc Trăng cũng xảy ra ở nhiều trường học khác.
Trong khi đó, mỗi đầu năm học, hàng triệu phụ huynh như bạn tôi, vẫn đau đầu nhấc lên đặt xuống, chọn hay không chọn mua từng món đồng phục cho con. Chọn tất cả thì nặng gánh tài chính, chọn thiếu thì sợ con tủi thân với bạn bè.
Đến mức này, đồng phục không còn giữ nguyên ý nghĩa “hòa đồng, không phân biệt” học sinh với nhau, mà thậm chí có thể khoét sâu thêm cách biệt giàu nghèo. Thay vì hướng tới mang lại lợi ích cho học sinh, đồng phục có thể trở thành công cụ phục vụ lợi ích của nhà trường và các thành viên ban giám hiệu.
Nguồn bài viết: Báo điện tử vnExpress.