Sổ điểm điện tử góp phần làm hạn chế tiêu cực và thành tích ảo trong giáo dục
Lượt xem:
Các cột điểm đã được “niêm phong” kỹ lưỡng, giáo viên muốn sửa thì bắt buộc phải báo cho người quản lý phần mềm và tất nhiên phải giải trình vì sao sửa điểm.
Sổ điểm điện tử đang góp phần hạn chế bệnh thành tích trong ngành Giáo dục.
Nếu như trước đây, giáo viên các trường phổ thông vào điểm cho học sinh sau mỗi học kỳ vẫn có những giáo viên can thiệp điểm số theo ý của mình để làm đẹp bảng điểm cho học trò thì hiện nay đã hạn chế được rất nhiều.
Đa phần các trường học bây giờ dùng phần mềm điểm điện tử để nhập điểm cho học sinh nên giáo viên muốn can thiệp vào điểm số của học trò phải có sự cho phép hoặc có sự chỉ đạo từ Ban giám hiệu thì mới có thể làm được.
Các thành viên Ban giám hiệu quản lý phần mềm điểm điện tử cũng dễ dàng phát hiện những trường hợp giáo viên sửa điểm cho học trò khi đã nhập điểm định kỳ trước đó.
Đối với giáo viên ngày trước có 1 sổ điểm cá nhân để cập nhật điểm số của học trò qua các lần kiểm tra miệng, kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Mỗi học kỳ vào điểm sổ lớn do nhà trường quản lý 1-2 lần rồi để lại đến khi kiểm tra học kỳ xong mới vào hết.
Những giáo viên mà ghét “bệnh thành tích” không xem trọng điểm số của học trò thì khi có điểm kiểm tra học kỳ, họ tính toán điểm trung bình kỹ lưỡng rồi vào đúng điểm thật vào sổ lớn.
Nhưng, một số giáo viên có tính “thương học trò”, nhất là những em cận điểm trung bình, cận điểm giỏi thì thường sửa một vài con điểm để các em đạt được điểm số như mong muốn rồi mới vào điểm sổ lớn.
Ban giám hiệu hay cán bộ thanh tra Phòng, Sở về trường nếu có kiểm tra cũng khó bắt bẻ được vì sổ điểm cá nhân của giáo viên có sửa điểm thì họ cũng sửa đúng quy chế bằng màu mực khác. Hoặc, giáo viên có thể viện lý do vào điểm nhầm nên sửa lại thì người kiểm tra cũng không thể bắt bẻ được điều gì.
Nhưng bây giờ, khi nhà trường sử dụng phần mềm điểm điện tử thì việc tiêu cực đã hạn chế được rất nhiều. Giáo viên vẫn có sổ điểm cá nhân như trước đây nhưng rất khó có thể sửa điểm khi đã nhập vào phần mềm nếu Ban giám hiệu quản lý tốt.
Bởi vì nhà trường quy định mỗi tháng giáo viên phải nhập điểm 1 lần vào phần mềm. Nghĩa là trong khoảng thời gian quy định ấy thì giáo viên phải vào hết các cột điểm kiểm tra trên lớp theo quy định của nhà trường đã triển khai.
Sau khi vào điểm phần mềm xong thì Ban giám hiệu nhà trường khóa cột điểm lại. Chính vì thế, các cột điểm đã được “niêm phong” kỹ lưỡng, nếu giáo viên muốn sửa điểm thì bắt buộc phải báo cho người quản lý phần mềm và tất nhiên phải giải trình vì sao phải sửa điểm.
Thậm chí, dù nhà trường chưa chưa khóa cột điểm mà giáo viên sửa thì nó cũng hiện lên ngày, giờ sửa điểm rất cụ thể. Nhiều phần mềm điểm điện tử bây giờ còn được mặc định khi sửa điểm thì màu mực khác sẽ nổi lên trên bảng điểm.
Vậy nên, giáo viên muốn sửa điểm phải qua một số quy trình nhất định và tất nhiên những ai sửa điểm cũng cảm thấy “nhột” vì phần mềm hiển thị ngày, giờ sửa điểm hoặc hiển thị màu mực khác so với các điểm số không bị sửa, bị can thiệp vào.
Điều đặc biệt là bây giờ nhiều phụ huynh học sinh cũng đăng ký sử dụng dịch vụ điểm điện tử nên khi giáo viên vào điểm là phụ huynh và học sinh có thể vào xem điểm số nên những bất thường trong từng cột điểm sẽ bị phụ huynh, học sinh trong lớp phát hiện ra.
Phụ huynh có con được sửa điểm để nâng cao hơn có thể không nói gì vì quyền lợi nhiều hơn nhưng những phụ huynh khác họ nhìn thấy bất thường từ một số con điểm của học sinh khác họ sẽ có ý kiến vì điểm số ảnh hưởng trực tiếp đến thứ hạng xếp loại học sinh trong lớp.
Tất nhiên, khi điểm số của học sinh này bị sửa thì sẽ ảnh hưởng đến thứ hạng của các học sinh khác ở trong lớp.
Vậy nên, những tiêu cực điểm số của học sinh bây giờ chỉ có thể xuất phát từ việc giáo viên ra đề kiểm tra, chấm điểm. Khi giáo viên đã nhập vào phần mềm điểm điện tử rồi là gần như rất khó có thể thay đổi được.
Nó chỉ có thể xảy ra ở những môn học có ít cột điểm nhưng thực tế những môn ít cột điểm lại không có tính quyết định đến việc xếp hạng học tập của học trò như những môn có nhiều cột điểm.
Sự can thiệp vào điểm số của học trò khi đã nhập điểm chỉ có thể xảy ra khi Ban giám hiệu “bật đèn xanh” cho giáo viên sửa lại điểm để nâng cao thành tích dạy và học trong nhà trường.
Nhưng, thực tế chẳng mấy khi Ban giám hiệu họ làm cái chuyện này vì ai cũng ngại lỡ may sự việc bị phát giác thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín, chức vụ và công việc của họ.
Rõ ràng, việc sử dụng phần mềm điểm điển tử trong nhà trường đang đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho giáo viên. Nếu như ngày trước, những ngày kiểm tra học kỳ xong là giáo viên phải đợi chờ nhau để vào điểm vì mỗi lớp có tới mười mấy môn học.
Sau học kỳ I thì mỗi giáo viên phải vào ít nhất là 1 cột điểm kiểm tra học kỳ và 1 cột trung bình môn/lớp. Sang đến học kỳ II còn thêm 1 cột điểm trung bình môn cả năm nữa nên giáo viên đợi chờ nhau rất mất thời gian. Nhất là khi đợi chờ nhau như vậy lại thường có những sai sót xảy ra vì người này hối thúc người kia.
Bây giờ, chỉ cần chiếc điện thoại có kết nối mạng Internet thì giáo viên ngồi ở đâu cũng có thể vào điểm cho học trò được. Giáo viên có thể tranh thủ giờ ra chơi, tranh thủ lúc ở nhà rảnh rỗi là vào điểm rất thuận tiện mà không sợ sai sót xảy ra.
Đặc biệt là không phải ngồi cộng, trừ, nhân, chia điểm của từng học trò, rồi tính trung bình môn rất mất công mà tính chính xác lại không cao.
Các thành viên trong Ban giám hiệu không còn phải lật từng trang sổ điểm lớn để kiểm tra giáo viên nào vào điểm, giáo viên nào chưa vào điểm mà giờ đây họ chỉ cần ngồi kích chuột vài cái là kiểm tra được toàn trường. Các giáo viên cũng không phải ngồi kiểm tra chéo cho nhau.
Bây giờ, giáo viên vào điểm học kỳ đến đâu, điểm trung bình nhảy ra đến đó, tính chính xác gần như tuyệt đối. Khi vào điểm xong, cuối năm học thì Ban giám hiệu in sổ điểm điện tử, giáo viên chỉ việc ký tên vào lớp của mình dạy là xong.
Chính vì thế, phần mềm điểm điện tử đã và đang góp phần hạn chế được những can thiệp của giáo viên bộ môn khi vào điểm số cho học trò và tổng kết học kỳ, tổng kết năm học.
Rõ ràng, công nghệ thông tin đã và đang góp phần giải phóng thời gian cho giáo viên và đẩy lùi được những hạn chế, tiêu cực đã tồn tại lâu nay của nhiều giáo viên luôn xem trọng thành tích của mình.
Theo: GDVN.