Thưởng Tết
Lượt xem:
Đồng nghiệp tôi ở Hà Giang tếu táo: “Chỗ tớ được thưởng Tết hẳn ba chai”. Một chai dầu ăn, một chai nước mắm, một chai nước tương.
Ảnh minh họa.
“Thế không phải ba chai thì là gì?”, anh góp vào câu chuyện của những giáo viên. Một cô giáo cười buồn: “Thưởng Tết là gì? Mấy chục năm đi dạy chưa bao giờ biết đến”.
Dung, con bác Hai hàng xóm nhà tôi, đang dạy học tại Kon Tum. Năm ngoái, cô bé nghỉ Tết, về thăm mẹ với một tờ lịch và hai trăm nghìn đồng là quà Tết của công đoàn trường. Tiền lương sau khi trừ chi phí sinh hoạt chỉ đủ để Dung mua vé xe. Trường miền núi còn quá nhiều khó khăn nên không đòi hỏi gì hơn được. Quà Tết của công đoàn thực ra cũng chính là tiền công đoàn mà giáo viên đóng góp hàng tháng mà thôi. Năm nay, nghe con bé nói “lương thưởng cũng không khác gì”, bác Hai tặc lưỡi.
Dung học sư phạm, khi tốt nghiệp, tỉnh nhà không còn chỉ tiêu tuyển dụng, bác Hai muốn con tìm đỡ một công việc nào để gần nhà. Nhưng Dung quyết tâm đăng ký đi vùng cao dù mẹ giận suốt mấy ngày. Thật ra bác cũng không trông mong gì con gái đem tiền thưởng về, chỉ mong con khỏe mạnh, “hết thời gian tình nguyện thì xin việc ở gần cho đỡ vất”.
Nhưng Dung và bác Hai còn có niềm hy vọng là cột mốc “hết thời gian tình nguyện”. Còn hàng nghìn các thầy cô đang công tác ở mọi vùng miền đất nước thì sao? Hôm qua, ở trường tôi, cô giáo Mai khẽ thở dài khi nhìn lịch. “Năm nay Tết sớm. Nghỉ Tết xong đi làm lại mới đầu tháng hai, còn hơn một tháng nữa mới được lãnh lương tháng ba”, cô bảo. Chúng tôi cũng như cô, hơn một tháng chờ đợi lương quả không hề ngắn. Bởi trường phát lương tháng hai cùng lúc với lương tháng một để thầy cô có tiền ăn Tết.
Điều này lâu nay như thông lệ trong ngành giáo dục. Giáo viên nhận lương tháng một và hai trước Tết để “có cái mà chi tiêu”. Bởi theo quy định, trường học không phải doanh nghiệp, không có nguồn thu thì lấy đâu ra thưởng Tết, ban giám hiệu chỉ có thể linh động cho nhân viên lĩnh trước một tháng lương để có cái xoay sở. Vấn đề là tổng thu nhập mỗi tháng của số đông giáo viên chúng tôi chỉ trong khoảng 3 đến hơn 9 triệu đồng tùy thâm niên công tác, vốn chỉ vừa đủ sống tằn tiện, nay lại lo cho cái Tết, nên sau tuần đầu năm luôn là chuỗi ngày thắt lưng buộc bụng.
Ngành giáo dục không có tháng lương thứ 13 như các ngành nghề khác tuy một số nơi vẫn cố gắng hỗ trợ thầy cô một khoản. Song, vì phụ thuộc vào kinh phí của địa phương nên các khoản này cũng chênh lệch lớn. Tôi hỏi đồng nghiệp ở TP HCM và một số tỉnh thành “giàu” như Đồng Nai, Bình Dương, các giáo viên được nhận khoảng hai triệu đồng là tiền tỉnh hoặc thành phố hỗ trợ cho tất cả cán bộ công nhân viên chức chứ không riêng giáo viên. Những nơi nghèo hơn, chỉ có khoảng vài trăm nghìn đồng hoặc không có.
Ngoài ra, ngân sách nhà nước cấp cho các trường tính trên đầu học sinh chứ không tính theo hệ số lương của giáo viên. Các trường sẽ dùng 80% kinh phí từ nguồn ngân sách và nguồn học phí để chi trả lương cho nhân viên, 20% còn lại chi cho những hoạt động khác. Tùy theo hoàn cảnh của từng trường, đến cuối năm nếu các trường không dùng hết 80% trên thì được lấy 75% của số dư chia cho giáo viên gọi là khoản thu nhập tăng thêm cuối năm chứ không phải thưởng Tết. Nhưng khoản tăng thu nhập này năm có năm không, trường có trường không, tùy thuộc tình hình chi trả lương và các hoạt động khác của trường trong năm đó.
Trừ các trường lớn, ở các tỉnh thành phát triển thì còn có hy vọng, những trường nhỏ, ít học sinh kể như không có khoản tăng thu nhập này. Và với những thầy cô miệt mài cắm bản, mang con chữ đến các vùng sâu vùng xa, thưởng Tết vẫn luôn là cụm từ không liên quan đến mình.
Tôi cũng có bạn bè, người quen, có người nhận thưởng Tết vài chục triệu, có người đến trăm triệu. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên 7% năm nay, có những doanh nghiệp chi thưởng Tết hàng tỷ đồng chẳng phải chuyện gì mới. Trong câu chuyện tất niên, tân niên, vẫn có người hỏi “thưởng Tết bao nhiêu”, tôi thường chọn cách im lặng và lắng nghe người khác nói.
Tôi biết công việc nào cũng có sự vất vả riêng, nghề giáo không phải là nghề vất vả nhất, cũng không phải là nghề thiệt thòi nhất. Song xã hội vẫn phàn nàn rằng đầu vào của sinh viên sư phạm không cao, chất lượng giáo viên là điều đáng lo ngại mà quên rằng với đãi ngộ như thế, thật sự khó để thu hút học sinh giỏi thi vào sư phạm. Một trong những yếu tố thu hút đầu vào chính là cải thiện đời sống giáo viên, và tôi quan niệm thưởng Tết là một phần của đời sống ấy.
Tôi cũng biết thưởng Tết thực ra cũng là một phần thu nhập chính đáng của người lao động được “cắt ra”, gọi tên là thưởng Tết để khuyến khích tinh thần làm việc, tạo thương hiệu cho công ty hay cải thiện cách quản lý. Song, với giáo viên, nó không những không mang tính động viên mà ngược lại, có thể làm nhụt chí những người dạy học.
Người đứng bục giảng chúng tôi vẫn hỏi tại sao mình lại không có được lương tháng 13 hay một khoản tiền thưởng ổn định đủ để chi tiêu dịp Tết, để mua cho con tấm áo mới mà không phải bớt đi ít thịt, tự hào mừng tuổi cha mẹ, mà cứ phải thắc thỏm trông chờ vào khoản “kết dư” của trường theo kiểu hên xui may rủi.
Phạm Minh Phương Hằng (Giáo viên).
Theo: VnExpress.