Vui liên hoan ngày Nhà giáo, mong đồng nghiệp giữ mình
Lượt xem:
Vui chơi trong ngày kỉ niệm chẳng ai cấm. Thế nhưng đừng nên lấy lý do “cả năm mới có một lần” để xảy ra nhiều chuyện buồn làm xấu đi hình ảnh của các thầy cô.
Những áp lực của nghề, những bộn bề lo toan của cuộc sống luôn đè nặng trên vai mỗi thầy cô giáo. Thế nên ngày 20/11 được xem như một làn gió mát tiếp thêm động lực và tình yêu nghề cho những người làm thầy.
Có lẽ do mải vui nên vào ngày này đã có không ít chuyện buồn, chuyện làm phiền lòng bao người, từ đó để lại nét chấm buồn trong ngày lễ kỉ niệm trọng đại ấy.
Những âm thanh tra tấn màng nhĩ
Ngày 20/11 năm ngoái, đang lướt trên Facebook (mạng xã hội) tôi bỗng bắt gặp dòng chia sẻ với tâm trạng bất bình của một nhà báo cũng khá tên tuổi về việc giáo viên của một trường tiểu học ở Hà Nội hát karaoke bằng âm thanh chát chúa kéo dài đến khá khuya.
Sau dòng trạng thái ấy thì hàng trăm bình luận của độc giả chẳng lấy gì làm tế nhị cứ tới tấp tuôn trào. Nhiều người còn sử dụng cả những ngôn từ “chợ búa” mà bất cứ ai đọc vào cũng thấy nóng mặt.
Hình ảnh minh họa, nguồn: India Today.
Hình ảnh những thầy cô giáo vốn thanh lịch, cao quý bỗng chốc trở thành xấu xa, mất lịch sự dưới bàn phím của những “anh hùng” trên mạng.
Chuyện giáo viên vui vẻ và say xưa ca hát làm ảnh hưởng đến không ít hộ dân sống quanh trường chẳng xảy ra ở riêng Hà Nội.
Với suy nghĩ cả năm mới có một ngày nên không ít thầy cô đã cho mình quyền vui chơi thoải mái. Hình thức được nhiều người chọn nhất là hát karaoke tại trường.
Trường học thường được xây dựng ở các khu dân cư, cộng với việc giáo viên thường sử dụng dàn âm thanh công suất lớn dành phát cho hàng nghìn học sinh trong các buổi ngoại khóa, chào cờ.
Thế nên trong ngày vui này, một số “giọng ca bất đắc dĩ” được dịp tra tấn màng nhĩ không ít người.
Cuộc vui thường được kéo dài từ chiều đến khuya. Người ta cứ lấy lý do cả năm mới có một ngày để hát hò thả ga.
Và điều này đã gây sự khó chịu cho không biết bao người dân quanh vùng.
Có người dễ dãi thì tặc lưỡi “đâu phải ngày nào cũng thế nên mình chịu khó tí cho qua”.
Nhưng cũng có người gọi điện tới trường đề nghị giảm âm thanh đến mức có thế.
Rồi có một số người dân phản ứng bằng chỉ trích trên các phương tiện truyền thông như một nhà báo ở Hà Nội đã làm.
Rước họa vào thân
Cùng với việc hát hò thì bao giờ cũng là tiệc ăn mừng. “Một năm có mới lần” nên đồ ăn thức uống cũng tràn trề.
Một số giáo viên nam được dịp ngồi lại với nhau, tiếng chúc tụng, tiếng cụng ly cứ vang lên không ngớt.
Không ít thầy cứ trăm phần trăm hết ly này đến ly khác. Uống, nói cười và uống liên tục không ngớt. Có người say mèm nhưng vẫn luôn miệng: “Mấy khi!”
Thế rồi, khi tan tiệc, chân nọ đá chân kia, liêu xiêu không vững. Đã có không ít vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trên đường giáo viên về nhà.
Không chỉ thiệt thân hoặc hao tốn tiền bạc mà tiếng xấu “thầy giáo uống rượu bia say xỉn gây tai nạn” cứ bám riết mãi khôn nguôi.
Vui chơi trong ngày kỉ niệm chẳng ai cấm. Thế nhưng cũng đừng nên lấy lý do “cả năm mới có một lần” để xảy ra nhiều chuyện buồn làm hình ảnh về thầy cô xấu dần trong mắt mọi người như thế.
Cũng là người đứng trên bục giảng và từng chứng kiến những hình ảnh không mấy đẹp đẽ của một số ít đồng nghiệp trong ngày cả xã hội tôn vinh thầy cô, chúng tôi mạo muội có mấy lời chia sẻ, để ngày Hiến chương Nhà giáo năm nay và năm sau không còn những chuyện buồn.
Kính chúc quý thầy cô trên cả nước sức khỏe dồi dào, luôn tìm thấy niềm vui và động lực trong công việc, để giữ trọn vẹn hình ảnh người thầy trong mắt, trong tim các thế hệ học trò.
Nguồn: Giáo dục Việt Nam