Đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn như thế nào?

Lượt xem:

Đọc bài viết

Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của thầy giáo Phan Văn Tuần – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai. Thầy Phan Văn Tuần đưa ra một số nhận xét, đánh giá cũng như gợi ý của mình về việc đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn trong trường THCS. Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả. Trang TTĐT Phòng GD&ĐT Ngọc Hồi trân trọng gửi tới độc giả.

Sinh hoạt chuyên môn là hoạt động hết sức quan trọng và là việc làm thường xuyên của mỗi nhà trường phổ thông, là một trong những hình thức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, giúp giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy.

Công tác sinh hoạt chuyên môn lâu nay nhiều nhà trường chỉ đạo và thực hiện rất tốt, đem lại hiệu quả đáng trân trọng. Những đơn vị này các tổ trưởng chuyên môn rất tâm huyết, có năng lực chuyên môn vững vàng, biết cách chỉ đạo điều hành hoạt động tổ. Biết vận dụng linh hoạt sáng tạo ý kiến chỉ đạo của cấp trên phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Biết vạch ra  kế hoạch việc gì cần làm, việc gì ưu tiên trước, làm thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Biết trăn trở những việc chưa làm được, hiệu quả còn thấp…

Đợt tập huấn sinh hoạt chuyên môn do Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Nhưng cũng không ít đơn vị, sinh hoạt chuyên môn giao khóan cho tổ trưởng. Ban giám hiệu không trực tiếp tham gia sinh hoạt chuyên môn cùng với tổ mà  ngồi trên chỉ đạo bằng lý thuyết, bằng văn bản, tổ làm được chăng hay chớ. Bên cạnh đó vai trò của tổ chuyên môn chưa được phát huy, hoạt động cầm chừng. Ban giám hiệu chỉ đạo thế nào thì làm thế đấy, làm cho qua loa chiếu lệ; không có sáng tạo, linh hoạt. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn không có kế hoạch cụ thể, không có nội dung trọng tâm. Buổi sinh hoạt chuyên môn chủ yếu triển khai công việc hành chính, tuần nào có dự giờ thì góp ý một vài tiết dạy của giáo viên là xong. Hoặc có đi sâu hơn nữa tháng nào, tuần nào có tổ chức chuyên đề, hội thảo thì cũng tổ chức góp ý qua loa cho xong để lấy thành tích chứ không cần biết đến chất lượng hiệu quả như thế nào.

Bên cạnh đó, hiện nay cũng không ít giáo viên mong sao nhà trường đưa ra càng ít hoạt động càng tốt; chuyên môn đưa ra càng ít nội dung sinh hoạt càng đỡ vất vả. Họ có tư tưởng đến giờ lên lớp dạy hết tiết quy định, soạn bài đầy đủ, khi nào có thao giảng, dự giờ thì chuẩn bị khá kỹ một chút để đừng bị xếp loại yếu hoặc trung bình, thời gian còn lại về chăm sóc gia đình hoặc kiếm thêm thu nhập. Cho nên việc góp ý cho chuyên môn họ cũng không mấy nặn mà.

Để sinh hoạt tổ chuyên môn thực sự có hiệu quả, trước hết Ban giám hiệu nhà trường phải thường xuyên dự sinh hoạt với các tổ chuyên môn nhằm nắm bắt chỉ đạo công việc đã triển khai, đồng thời có định hướng cho từng hoạt động.

Cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn chuyên môn hè do Phòng GDĐT đã tổ chức.

Phải lựa chọn đội ngũ giáo viên làm tổ trưởng, tổ phó thực sự có năng lực để làm việc, vì tổ trưởng, tổ phó là người kế cận, giúp việc cho Ban giám hiệu thực hiện các hoạt động chuyên môn.

Phải xây dựng được nề nếp sinh hoạt chuyên môn để tạo thói quen và nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên. Không để buổi sinh hoạt chuyên môn chỉ nghe triển khai công việc hành chính hoặc góp ý mấy tiết dạy, mà phải làm cho buổi sinh hoạt chuyên môn thực sự đi vào chiều sâu, đúng nghĩa của nó.

Bồi dưỡng học sinh giỏi là trách nhiệm và niềm tự hào của nhà trường

Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong các nhà trường trên địa bàn huyện, trong các đợt tập huấn chuyên đề hè cho cán bộ quản lý, Phòng GDĐT đã chủ động triển khai tập huấn theo phương pháp cùng tham gia.

Với phương pháp này các báo cáo viên không giảng giải lý thuyết, không nặng về trình bày, diễn giải, phân tích, nhất là không truyền đạt theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, mà chủ yếu tập trung nâng cao năng lực cho các học viên về mặt phương pháp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của học viên trong nội dung, cách thức đánh giá và sử dụng kết quả đánh giá.

Với tinh thần “Học thật để làm thật” các học viên dựa trên cơ sở các môn học cấp tiểu học cùng báo cáo viên phân tích các tình huống đánh giá thường xuyên, cũng như đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông.

Để buổi sinh hoạt chuyên môn thực sự đi vào chiều sâu, thì tổ trưởng phải xây dựng kế hoạch cụ thể tuần nào, tháng nào tập trung vào những nội dung gì ( tạm gọi là kế hoạch sinh hoạt chuyên môn). Những nội dung trong kế hoạch phải trọng tâm, phải thiết thực tập trung vào những vấn đề như đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý học sinh… Mà đã được tổ thảo luận, trao đổi thống nhất thực hiện. Muốn tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên môn đem lại hiệu quả cao thì đòi hỏi phải có  sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ trước đó để đỡ mất thời gian trong buổi sinh hoạt. Không những chỉ có người thực hiện chuẩn bị mà tất cả các thành viên trong tổ đều phải  nghiên cứu chuẩn bị.

Để trách buổi sinh hoạt chuyên môn bị kéo dài thời gian, hoặc không thống nhất được mục tiêu đề ra đòi hỏi tổ trưởng (người chủ trì) phải định hướng nội dung trọng tâm cần tập trung thảo luận, trao đổi, góp ý. Không góp ý lan man hoặc lợi dụng sinh hoạt chuyên môn để hạ bệ lẫn nhau. Tạo điều kiện cho tất cả các thành viên trong tổ đều được trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Không nên chỉ có một vài ý kiến tham gia ban đầu rồi sau đó các thành viên còn lại nói “Tôi cũng đồng ý như ý kiến trên”.

Thời lượng cho sinh hoạt chuyên môn tổ là không có nhiều, thường thì vài tiết hoặc vài tiếng đồng hồ cho nên cần hạn chế triển khai công việc hành chính hoặc triển khai nhanh gọn trọng tâm, các nội dung khác đưa lên bảng thông báo. Thời gian còn lại dành cho tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, góp ý…nội dung chuyên môn.

Một điểm cần lưu ý là lâu nay trong sinh hoạt chuyên môn chúng ta thường chỉ nêu ra các biện pháp, giải pháp, cách thức… thực hiện của thầy (người dạy) mà chưa chú ý đến việc hoạt động của trò trong quá trình tiếp thu lĩnh hội  kiến thức. Cho nên khi tổ chức góp ý, đánh giá cũng chỉ tập trung xoay quanh các hoạt động của thầy. Còn trò học ra sao, phản ứng thế nào, lĩnh hội được cái gì…ít được quan tâm. Điều này thường dễ thấy trong góp ý tiết dạy của đồng nghiệp. Cho nên bắt buộc phải đổi mới sinh hoạt chuyên môn, đổi mới  từ tư duy nhận thức cho giáo viên, cách thức tổ chức, nội dung sinh hoạt cho đến cách nhìn nhận đánh giá…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngày 25  tháng 02 năm  2014 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch số: 80/KH- BGD&ĐT Kế hoạch tổ chức thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Hy vọng đẩy mạnh việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn sẽ có tác động tích cực làm chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng dạy học.

Phan Văn Tuần (Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai).