Phòng GDĐT yêu cầu các trường tiểu học không thêm hồ sơ ngoài quy định; thi giáo viên dạy giỏi các cấp trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trong thời gian qua, công tác quản lý nói chung, quản lý chuyên môn nói riêng đã có nhiều đổi mới theo tinh thần cải cách hành chính nên đã cắt giảm được nhiều loại hồ sơ và những quy định phiền hà, nặng nề không cần thiết cho các nhà trường, tổ chuyên môn, đặc biệt là giáo viên để tập chung vào công tác nghiên cứu chuyên môn, giảng dạy và giáo dục học sinh. Tuy nhiên vẫn còn trường, cán bộ quản lý chưa thực sự hiểu và làm tốt công tác này dẫn đến thực hiện công việc một cách máy móc, thiếu linh hoạt, thậm chí vẫn cố “thiết lập”  thêm một số quy định và hồ sơ không cần thiết, ngoài quy định chung.

Ảnh minh họa.

Để tiếp tục chỉ đạo công tác này, vừa qua Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Văn bản yêu cầu Hiệu trưởng các trường tiểu học trực thuộc thực hiện một số nội dung sau:

Đối với hồ sơ giáo viên, tổ chuyên môn: Không thêm hồ sơ ngoài quy định ( Ví dụ, như không yêu cầu giáo viên có tệp lưu công văn. Lưu thế nào và ở đâu là quyền của giáo viên. Việc của họ là phải nắm bắt các văn bản và thực hiện đúng, đầy đủ).

Công tác kiểm tra hồ sơ giáo viên của nhà trường: Kiểm tra là để xem xét việc chấp hành quy chế chuyên môn và tư vấn nên chỉ nhận xét, không xếp loại (vì không có quy chế xếp loại).

Nhà trường không cần thiết phải duyệt giáo án của giáo viên trừ giáo án chuyên đề hoặc giáo án phục vụ các hoạt động chuyên môn theo quy định.

(Không có văn bản nào quy định việc nhà trường phải duyệt giáo án của giáo viên. Giáo viên là người tự quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung, phương pháp dạy học theo tinh thần giao quyền tự chủ cho giáo viên. Giáo án không phải là một văn bản hành chính để phải duyệt theo các quy định của các loại văn bản hành chính. Không duyệt giáo án nhưng phải kiểm tra giáo án. Việc kiểm tra giáo án được thực hiện theo 02 chế độ: định kỳ và đột xuất. Kiểm tra giáo án nhằm mục đích kiểm tra xem giáo viên có chấp hành quy chế chuyên môn không; nếu vi phạm về nội dung dạy học như sai kiến thức, sai nội dung, phân phối chương trình, lịch báo giảng, coppy, … thì có biện pháp chỉ đạo phù hợp;  tư vấn cho giáo viên về phương pháp dạy học.)

Hồ sơ Bồi dưỡng thường xuyên (BDTX): Khi kiểm tra sổ (vở) ghi chép nội dung BDTX của giáo viên, việc đầu tiên là đếm bài xem có đủ số bài theo kế hoạch không? Có thể tư vấn về nội dung nhưng trên tinh thần tôn trọng cách ghi chép của giáo viên. Chất lượng bồi dưỡng thường xuyên thể hiện trong công tác và thông qua bài kiểm tra về BDTX hoặc bài kiểm tra phục vụ đánh giá chuẩn nghề nghiệp, bài kiểm tra kiến thức giáo viên giỏi (có thể tích hợp các bài kiểm tra làm một).

Đối với Sổ ghi chép tổng hợp của giáo viên: Dùng để ghi nội dung các cuộc họp, sinh hoạt chuyên môn. Nhà trường kiểm tra (nếu có) là để tư vấn trên tinh thần tôn trọng cách ghi chép của giáo viên vì mỗi người có quyền ghi theo cách của mình miễn là họ hiểu, làm tốt công việc theo yêu cầu là được.

Việc thi giáo viên dạy giỏi các cấp phải thực hiện nghiêm túc theo Điều lệ và trên tinh thần tự nguyện của giáo viên, không ép buộc, không nặng nề về thành tích.

Công tác nghiên cứu khoa học: Trách nhiệm của nhà trường là phải thành lập Hội đồng khoa học để tư vấn và giúp cho hiệu trưởng triển khai các nhiệm vụ như xây dựng kế hoạch chung, tư vấn, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, thẩm định các sản phẩm khoa học (nếu có). Tuyệt đối không ép buộc giáo viên phải có công trình – sản phẩm khoa học.

Trong các hoạt động giáo dục nhà trường cần phân biệt rõ hoạt động giáo dục chủ đạo và hoạt động động giáo dục bổ trợ để “đầu tư” tương thích, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thích hợp. Nếu không xác định rõ hoặc nhầm lẫn, thiên lệch sẽ dẫn tới hoạt động giáo dục lệch lạc, phiến diện, thậm chí mất căn bản.

Tập trung hướng dẫn, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; việc kiểm tra, thẩm định nội dung dạy học đối với các môn học – hoạt động giáo dục tự chọn và các nội dung dạy học thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo Quyết định 16/2006/QĐ – BGDĐT mà giáo viên, tổ chuyên môn đề xuất sau khi đã rà soát, điều chỉnh.

Các quy định và chỉ đạo về công tác quản lý chuyên môn đã rất đầy đủ và bám sát thực tiễn. Các nhà trường phải hiểu đầy đủ, hiểu đúng và biết vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp trong công tác nhằm phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực, đúng tinh thần chỉ đạo chung.

Phòng GDĐT đề nghị Hiệu trưởng các trường nghiên cứu thực hiện các nội dung trên một cách nghiêm túc và triển khai công khai văn bản này đến toàn thể giáo viên. Với tinh thần cầu thị, Phòng GDĐT sẽ tiếp thu ý kiến từ các nhà trường để tiếp tục có những điều chỉnh trong chỉ đạo sao cho kịp thời và phù hợp hơn.

Phòng GDĐT Ngọc Hồi.