Nên sáp nhập các trường tiểu học dưới 10 lớp trong cùng một xã
Lượt xem:
Nên thực hiện việc sáp nhập các trường tiểu học cùng địa bàn, mỗi xã phường chỉ nên tồn tại một trường tiểu học chịu sự quản lý, chỉ đạo của một hiệu trưởng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ngành giáo dục hiện nay đang chiếm 52% biên chế sự nghiệp của cả nước (1,2 triệu người trong tổng số 2,3 triệu), chiếm 70% ngân sách cho quỹ lương khối sự nghiệp và đã dùng tới 80% ngân sách nhà nước phân để trả lương.
Nghị quyết số 19 của Hội nghị Ban Chấp Hành Trung ương khóa 12 đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25/10/2017, trong đó nêu rõ phải tinh giản ít nhất 10% biên chế trong sự nghiệp công lập trong đó có ngành giáo dục.
Nói đến việc tinh giản biên chế người ta thường nghĩ ngay đến đội ngũ giáo viên. Thế nhưng ít ai quan tâm đến việc dư thừa đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên văn phòng.
Hiện nay, ngành giáo dục ở khá nhiều địa phương trong cả nước chưa thực hiện được việc tinh giản biên chế vì đội ngũ giáo viên đã đủ hoặc còn thiếu.
Nhưng đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên văn phòng và các chức danh kiêm nhiệm trong nhà trường lại ngày một phình to, do thành lập khá nhiều trường tiểu học chưa đủ cơ cấu lớp theo quy định trong cùng một địa bàn.
Thành lập nhiều trường nhỏ gây lãng phí lớn
Nhiều năm trước đây, mỗi xã phường chỉ có một trường tiểu học. Số lượng học sinh trong một trường thường giao động trên dưới khoảng 1500 học sinh.
Nhiều năm trở lại đây, người ta thực hiện việc chia tách, một xã, phường cũng chỉ khoảng hơn 1 nghìn học sinh (đông nhất chưa tới 1500 em) nhưng lại có tới 3 – 4 trường tiểu học.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Thế nên trường có sĩ số học sinh nhiều khoảng 7 đến 8 trăm em (khoảng hơn 20 lớp). Trường ít chỉ có khoảng hơn 300 em thậm chí có trường chỉ hơn 200 em (khoảng 7, 8 hoặc 10 lớp là cùng). Điều này, tạo ra một sự lãng phí không hề nhỏ cho ngân sách nhà nước.
Thêm một trường học, không chỉ thêm cán bộ quản lý (ít nhất 2 người) còn thêm đội ngũ nhân viên như thư viện thiết bị, kế toán, bảo vệ, phục vụ và hàng loạt các chức danh kiêm nhiệm như Chủ tịch công đoàn, Ban chấp hành công đoàn, các Tổ trưởng công đoàn, Thanh tra nhân dân, Thư kí hội đồng, Tổng phụ trách đội, Văn thể lao động…
Theo Quyết định Số: 2164/GD-ĐT quy định về tiêu chuẩn trường, lớp…quy định quy mô trường: Căn cứ vào số dân cư và triển vọng phát triển giáo dục của địa phương, trường tiểu học có quy mô trung bình là 15 lớp; trường lớn cũng không quá 30 lớp.
Thế nhưng ở ngay vùng đồng bằng, trong một phường (xã) có khá nhiều trường tiểu học có 10 lớp, cũng có trường chỉ có 7 đến 8 lớp.
Điều đáng nói là trường này cách trường kia đôi khi chỉ khoảng vài cây số.
Trường học bị chia nhỏ, cơ cấu tổ chức tăng lên.
Để các trường ổn định hoạt động, người ta thường phân chia địa bàn tuyển sinh. Phân chia trên cơ sở nhường nhịn nhau để trường bạn có đủ số lượng học sinh mở lớp.
Thế nên có trường học sinh chỉ có khoảng 20 em/lớp. Có những gia đình ở gần ngay trường A nhưng phải chạy qua trường B cho con học và ngược lại.
Cũng do mỗi năm số lượng học sinh đến trường một giảm (do sinh đẻ có kế hoạch) nên cấp quản lý phải điều tiết giàn trải giữa các trường học trong cùng địa bàn để có đủ cơ cấu lớp cho có phần hợp lý.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Nặng về báo cáo và quản lý hồ sơ sổ sách
Một trường học chỉ hơn 300 học sinh vẫn có đủ ban bệ như một trường gần 2 nghìn học sinh quả là quá lãng phí. Thế nhưng dù là ban giám hiệu trường lớn hay nhỏ thì vẫn luôn than vắn thở dài bởi quá nhiều việc làm không xuể.
Có ai tò mò, hiệu trưởng nhà trường thường làm những công việc gì mà bù đầu bù óc đến thế?
Có nhiều hiệu trưởng đến trường là ngồi vào bàn vi tính làm miệt mài từ đầu giờ đến hết buổi mới đứng lên, làm hết ngày này qua ngày khác, hàng tháng, hàng năm đều làm như thế nhưng đôi khi báo cáo gửi cấp trên vẫn bị nhắc nhở vì không kịp tiến độ.
Theo bật mí của một hiệu trưởng, hết xây dựng kế hoạch năm, tháng, đến sơ kết, tổng kết, hết báo cáo về cuộc vận động này, đến báo cáo về cuộc vận động kia.
Hết lo minh chứng đến lo hồ sơ kiểm định chất lượng giáo dục. Rồi báo cáo công tác phát triển trường lớp sang năm, lo các báo cáo về các hội thi…
Còn phó hiệu trưởng làm gì? Công việc chính là nay đi thanh tra trường này, mai lại thanh tra trường khác. Hết thanh tra chuyên đề đến thanh tra toàn diện.
Rồi làm giám khảo các cuộc thi, đi học các lớp tập huấn. Nào là học tập nâng cao về quyền trẻ em, giáo dục trẻ hòa nhập, kĩ năng ra đề kiểm tra, rồi trao đổi chia sẻ với các địa phương, học về công nghệ thông tin…
Đến tập huấn mô hình trường học mới, phương pháp dạy học mới, học lồng ghép môi trường, biển đảo, biến đổi khí hậu.
Học về giáo dục kĩ năng sống, các kĩ thuật dạy học tích cực. Sau đó lại đi tham quan một số trường học điển hình, tìm hiểu một số mô hình dạy học hiệu quả…
Thanh tra trường bạn chán chê rồi lại phải về thanh tra trường nhà.
Giáo viên thì cứ “vắt chân lên cổ” chạy mà vẫn không thể xong các hồ sơ sổ sách, nào chuyên đề triển khai chưa xong, chuyên đề khác lại tiếp tục. Nào hết soạn bài kiểu này đến soạn bài kiểu kia mà mỗi năm lại một thay đổi cho mới lạ.
Thời đại công nghệ thông tin, kể cả hồ sơ của ban giám hiệu cũng người này xin người kia về sao chép, chỉnh sửa. Thế nhưng thời gian đổ vào đấy quá nhiều.
Có không ít trường ban giám hiệu rảnh rang họ tự phân cho nhau buổi sáng hiệu trưởng trực (nguyên tuần), buổi chiều đến phó hiệu trưởng trực. Thế là nghiễm nhiên ban giám hiệu chỉ đi làm một buổi.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Cần có biện pháp giải quyết
Nên thực hiện việc sáp nhập các trường tiểu học trong cùng một xã, phường lại với nhau. Mỗi xã phường chỉ nên tồn tại một trường tiểu học như trước đây và chịu sự quản lý, chỉ đạo của một hiệu trưởng.
Những trường tiểu học cũ sẽ trở thành điểm trường lẻ, mỗi điểm trường bố trí một phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn.
Một xã phường có tới 4 trường tiểu học nay chỉ còn một. Sẽ chỉ còn 1 hiệu trưởng và 2-3 phó hiệu trưởng. Số cán bộ quản lý dôi dư sẽ là 4 và kéo theo đó là khá nhiều biên chế và các chức danh kiêm nhiệm khác.
Ví như sẽ giảm được 3 kế toán, 3 văn thư thiết bị, 3 Tổng phụ trách đội và hàng loạt chức danh kiêm nhiệm như 3 Chủ tịch công đoàn, 8 giáo viên kiêm nhiệm trong ban chấp hành công đoàn và hàng chục tổ trưởng tổ công đoàn, 3 Thư kí hội đồng, 3 phổ cập giáo dục…
Chỉ một xã phường thì hàng năm sẽ tiết kiệm được hàng tỉ đồng. Một huyện thị con số gấp lên hàng chục lần và cả nước 63 tỉnh thành như thế sẽ là một con số không hề nhỏ.
Nhà trường không cần quản lý giáo viên theo kiểu “tối ngày đày công”. Nên giao khoán chất lượng cho giáo viên ngay từ đầu năm học.
Muốn làm được điều này, phải tổ chức kì thi sát hạch chất lượng vô cùng nghiêm túc. Giáo viên nhận lớp và chịu trách nhiệm, nhà trường sẽ căn cứ vào các kì thi cuối kì và cuối năm học để đánh giá chất lượng đạt được của giáo viên.
Suy cho cùng thì làm tất cả mọi việc như lên chuyên đề, dự giờ thăm lớp, viết sáng kiến kinh nghiệm hay đổi mới phương pháp dạy học… thì cuối cùng cũng vì chất lượng học tập của học sinh.
Hạn chế việc quản lý, đánh giá giáo viên bằng các loại hồ sơ sổ sách. Một giáo viên làm hồ sơ không đầy đủ nhưng vẫn có thể là một giáo viên dạy rất tốt, luôn tận tình với học sinh.
Ngược lại, một giáo viên có bộ hồ sơ sạch đẹp nhưng dạy trên lớp lơ là thì chẳng nói lên được điều gì. Hạn chế việc hội họp liên miên để thầy cô giành thời gian cho công việc giảng dạy.
Cuối cùng cần tổ chức thi tuyển hiệu trưởng công khai, khách quan. Bởi khi thực hiện việc sáp nhập trường đòi hỏi một hiệu trưởng có tài, năng động, biết sáng tạo, dám làm và dám chịu trách nhiệm chứ tuyệt nhiên không cần một hiệu trưởng viết báo cáo giỏi hoặc thuyết trình hay.
Nguồn: GDVN