Nhìn từ “Hội thi tổ – khối trưởng giỏi” của ngành Giáo dục và Đào tạo Ngọc Hồi

Lượt xem:

Đọc bài viết

Cách đây 10 năm, vào năm học 2007 – 2008, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hồi tổ chức hội thi “Hiệu trưởng quản lý giỏi” lần thứ nhất. Khi ý tưởng đưa ra, có không ít băn khoăn được bầy tỏ. Căn cứ vào đâu để tổ chức thi? Thi những nội dung gì và thi như thế nào? Bước qua băn khoăn, bằng quyết tâm và cách làm khoa học, cuộc thi được tiến hành với “thí sinh” là những hiệu trưởng trường Trung học cơ sở. Nội dung thi gồm 03 phần: thi giảng dạy, thi dự giờ đánh giá tiết dạy của giáo viên, thi xử lý văn bản. Từ băn khoăn đến hưởng ứng nhiệt tình, lần đầu tiên trong ngành giáo dục có một hội thi dành cho các hiệu trưởng trường phổ thông thành công tốt đẹp. Hội thi đã có tác dụng rõ ràng. Tác dụng thứ nhất là qua chuẩn bị đã giúp các hiệu trưởng tự học tập, rèn luyện nâng cao hơn về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác của mình; tác dụng thứ hai là giúp lãnh đạo ngành có thêm những đánh giá khách quan, chuẩn xác về đội ngũ hiệu trưởng để có chính sách sử dụng và bồi dưỡng thỏa đáng.

>> Kon Tum: Lần đầu tiên tổ chức “sát hạch” hiệu trưởng

>> Kon Tum: Thi hiệu trưởng giỏi

Từ kết quả tích cực bước đầu, Ngành GD & ĐT Ngọc Hồi đã không ngừng hoàn thiện nội dung, phương pháp tổ chức hội thi “Hiệu trưởng quản lý giỏi” để lần lượt tổ chức thành công các hội thi dành cho hiệu trưởng trường tiểu học (năm học 2008 – 2009) và hiệu trưởng trường mầm non (năm học 2009 – 2010).

Bước vào năm học mới, nhận thấy cần phải tổ chức một hoạt động thiết thực nhằm bồi dưỡng đội ngũ tổ – khối trưởng chuyên môn đồng thời tích cực thực hiện chủ đề năm học “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục”,  Phòng Giáo dục và Đào tạo Ngọc Hồi đã phát động tổ chức “Hội thi Tổ – Khối trưởng giỏi” cấp trường tiến tới thi cấp huyện. Bậc học Tiểu học được lựa chọn đi tiên phong. Theo chúng tôi đó là một quyết định đúng đắn cả về mặt khoa học và thực tiễn. Khoa học ở chỗ: lần đầu tiên nên phải lựa chọn đối tượng là tổ khối trưởng ở bậc Tiểu học, bậc học đặc trưng nhất để có thể rút kinh nghiệm cho các bậc học sau. Còn thực tiễn ở chỗ: Bậc học tiểu học là bậc học nền tảng và mỗi khối trưởng tiểu học được xem như một “hiệu phó chuyên môn nhỏ” nên cần phải được thực hiện trước để tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ – khối trưởng qua đó nâng cao chất lượng dạy và học.

Hưởng ứng hoạt động chuyên môn bổ ích này, tất cả các trường tiểu học trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo Ngọc Hồi đã tích cực tổ chức hội thi cấp trường. Qua theo dõi thấy đó như ngày hội của những “người quản lý thầm lặng” (cách thầy giáo Nguyễn Văn Đại – HT Trường TH Nguyễn Văn Trỗi – Ngọc Hồi gọi các tổ – khối trưởng chuyên môn).

Với ba phần thi chính (có sự kế thừa từ hội thi hiệu trưởng giỏi) là: thi giảng dạy; thi xây dựng kế hoạch; thi dự giờ đánh giá tiết dạy của giáo viên, đã tạo cho đội ngũ tổ – khối trưởng những hoạt động bổ ích, giúp họ “lớn lên” nhiều mặt.

Tôi đã đến hầu hết các trường tiểu học ở huyện Ngọc Hồi vào những ngày diền ra hội thi để nghe cảm nhận và đánh giá của đồng nghiệp về hội thi. Cô giáo Hoàng Thị Hường, khối trưởng Khối 1 Trường tiểu học xã Đắk Nông –  Đơn vị khởi phát phong trào “Tiếng kẻng học tập” và “Góc học tập” của Ngành Giáo dục Ngọc Hồi – phấn khởi nói: Qua hội thi này chúng em được rèn luyện kỹ năng xây dựng  kế hoạch công tác sát với thực tế hơn nên thiết thực hơn. Bộ hồ sơ khối được thiết kế lại phù hợp hơn, hiệu quả sử dụng cao hơn. Còn Thầy giáo trẻ Đinh Xuân Tứ, Khối trưởng Khối 5 Trường tiểu học Kim Đồng xã Đắk Ang – Đơn vị xa xôi cách trở và khó khăn nhất huyện Ngọc Hồi – cũng “tưng bừng” cho biết: Trong trường sư phạm chúng em có được học làm khối trưởng đâu.  Đến khi được bổ nhiệm phải tự mày mò nên gặp không ít khó khăn. Hội thi này đã như một khóa học rất bổ ích dành cho đội ngũ khối trưởng chúng em…

Không chỉ khối trưởng mà những hiệu trưởng trong vai trò người tổ chức hội thi ở cấp trường cũng thu được nhiều bổ ích. Cô giáo Nguyễn Thị Đào, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 thị trấn Plây Kần bộc bạch: “Lâu nay mình cứ nghĩ chỉ cần có năng lực chuyên môn là các khối trưởng sẽ làm tốt công việc của họ. Hóa ra không phải vậy. Họ cần phải được huấn luyện nghiệp vụ bằng những cách phù hợp như hội thi vừa rồi”. Còn tôi – Người viết bài này, hiện đang là Hiệu trưởng Trường tiểu học Đắk Dục – cũng “gặt hái” được nhiều kết quả. Thứ nhất về nhận thức. Thực ra trước đây tôi vẫn luôn đánh giá cao vai trò của khối trưởng ở cả phương diện tổ chức và chuyên môn nhưng  vẫn chưa dành cho họ sự quan tâm tương xứng. Thứ hai là trong quá trình nghiên cứu để tổ chức hội thi ở trường mình tôi đã tự “bồi dưỡng” thêm những kiến thức bổ ích về công tác tổ chức và hoạt động của tổ – khối trưởng giúp cho quá trình chỉ đạo sau này. Thứ ba là kinh nghiệm đánh giá các phần công việc của tổ –  khối trưởng. Và…Chắc còn những bổ ích khác nữa mà tôi chưa kịp tổng kết. Nhưng có thể nói chắc chắn thế này: Qua hội thi khối trưởng, hiệu trưởng cũng “lớn lên”.

Nền Giáo dục của chúng ta nhất định phải vượt qua rất nhiều thách thức để đáp ứng đỏi hỏi ngày càng cao của xã hội. Để thực hiện thành công cuộc “ vượt vũ môn” đầy gian khổ đó một trong những nhiệm vụ quan trọng lúc này là phải tích cực đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục như Bộ GD & ĐT đã đề ra. Vì thế tôi thấy những gì mà “Hội thi Tổ – Khối trưởng chuyên môn giỏi” của Ngành Giáo dục và Đào tạo Ngọc Hồi đạt được vừa qua càng thêm nhiều ý nghĩa tích cực.

Việt Thắng (Phó TP Phòng GDĐT Ngọc Hồi)