Thay vì thu tiền mặt từ phụ huynh, nhà trường tổ chức hội chợ bán đồ đóng góp từ chính các gia đình học sinh hoặc giáo viên, nhân viên của trường. Đồ đóng góp là những thứ đã mua hoặc được tặng nhưng không dùng đến, còn mới, còn giá trị sử dụng. Đó có thể là thực phẩm như hộp bánh, kẹo socola, ngũ cốc ăn sáng, trà, cà phê… hoặc đồ gia dụng như bộ lót cốc, bộ thìa dao dĩa, cốc uống nước… Hóa mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm, xà phòng thơm, nến thơm hay đồ chơi, sách truyện, thú bông… cũng là những mặt hàng xuất hiện nhiều trong hội chợ. Giá bán rất rẻ, chỉ từ năm mươi xu cho đến vài đồng bảng Anh. Các thầy cô chính là những người bán hàng, mỗi người phụ trách một quầy nhỏ.
Hội chợ thường tổ chức trong vòng hai tiếng đồng hồ sau khi tan học một chiều thứ sáu. Phụ huynh có thể đưa anh chị em họ của con mình đến tham gia. Chính vì vậy, sự kiện này không chỉ có hoạt động mua bán, mà còn là nơi vui chơi cho trẻ con. Cô giáo khéo tay có thể phụ trách quầy vẽ hóa trang lên mặt cho trẻ, tiền công cũng chỉ vài đồng. Thầy giáo thì quản lý khu vui chơi có thưởng, ví dụ trò ném bóng bàn lọt miệng lọ thủy tinh hay tung vòng lồng trúng cổ chai. Thầy tự thiết kế trò chơi và chuẩn bị dụng cụ. Có cô giáo mang theo cái xô nhỏ đi khắp hội chợ để mời người tham gia mua “xổ số” trúng thưởng. Phần thưởng là một giỏ đựng quà tặng trích từ đồ đóng góp.
Để chuẩn bị hội chợ, nhà trường thông báo cho phụ huynh và bắt đầu nhận đồ đóng góp từ trước đó khoảng một tháng. Đôi khi, cô và trò có thể cùng nhau làm thủ công, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật để bày bán. Toàn bộ số tiền thu được sẽ sử dụng vào một mục đích cụ thể, như mua đồ chơi ngoài trời cho học sinh.
Các trường ở Việt Nam nếu muốn gây quỹ mua điều hòa, camera giám sát, máy chiếu phục vụ giảng dạy… có thể áp dụng cách này, thay vì gợi ý thu tiền của phụ huynh.
Tôi thấy một số trường mầm non hay tiểu học tư thục ở Việt Nam đã triển khai gây quỹ như vậy. Trường con tôi từng học có hoạt động làm bánh chưng, viết câu đối, vẽ phong bao lì xì, làm các dây trang trí cành đào, cây quất… và tổ chức hội chợ trước Tết Nguyên đán. Tôi và lũ trẻ rất hào hứng khi đến hội chợ và cũng sẵn sàng mua đồ để ủng hộ. Nhưng những sự kiện như vậy chỉ xuất hiện ở một số ít trường năng động hoặc những nơi đề cao hoạt động nghệ thuật và thủ công, chú trọng dạy kỹ năng sống.
Còn phần đông vẫn theo phương thức nhanh gọn, tiện lợi là thu tiền trực tiếp.
Mỗi dịp đầu hay cuối năm học, việc nộp quỹ luôn là câu chuyện nóng hổi, gây tranh cãi. Trao đổi, tranh luận đã nhiều nhưng tôi không thấy có biện pháp tối ưu. Để tạo sự kín kẽ đối phó với các quy định của Bộ Giáo dục, thông báo của trường, hoặc đề xuất của Ban phụ huynh thường lưu ý, việc đóng góp là “không bắt buộc, tùy tâm”, nhưng cũng đi kèm với gợi ý về mức tối thiếu. Phương thức này, năm này sang năm khác, đang tạo ra không chỉ áp lực tài chính mà còn là áp lực tinh thần cho các phụ huynh thu nhập thấp. Tôi biết, nhiều phụ huynh bất đắc dĩ phải chối bỏ quyền “từ chối đóng góp” những khoản “tự nguyện” này. Tâm lý sợ con mình thiệt thòi, tủi thân khiến các cha mẹ phải chấp nhận những khoản phí ngoài khả năng, hoặc đơn giản, họ cho là không thích hợp.
Nhưng nhà trường vẫn phải có kinh phí để tổ chức các hoạt động, mà tôi thấy rất cần thiết cho học sinh, trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế.
Tổ chức các hội chợ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Thứ nhất, tất cả học sinh, phụ huynh lẫn giáo viên đều tham gia vào việc gây quỹ, gánh nặng không dồn vào mỗi phụ huynh. Thứ hai, việc đóng góp bằng hiện vật còn giá trị sử dụng nhưng không có nhu cầu dùng đến sẽ khiến các gia đình thoải mái hơn khi tham gia, đồng thời tránh lãng phí. Đồ dùng này lại đến tay người cần với giá hợp lý, rẻ hơn ngoài thị trường. Cả người đóng góp lẫn người mua đều có lợi. Thứ ba, hoạt động này góp phần giáo dục học sinh biết tiết kiệm, biết chung tay vào việc có ích cho trường và cộng đồng. Thứ tư, gây quỹ qua tổ chức hội chợ sẽ giảm áp lực cả về thời gian lẫn tâm trí, tránh gây khó xử cho ban phụ huynh. Cuối cùng, nhà trường đạt được mục tiêu gây quỹ mà không làm phụ huynh ấm ức, khó chịu. Các gia đình có điều kiện kinh tế tốt, muốn tri ân trường, hoàn toàn có thể mua thật nhiều “xổ số” để tham gia bốc thăm. Như vậy, tiền không phải là giá trị duy nhất nhà trường, học sinh và phụ huynh nhận được từ các hội chợ này.
Gây quỹ là một nghệ thuật. Nếu không thực hiện một cách tinh tế thì ít nhất không thể biến nó thành hoạt động ép buộc, gây cảm giác miễn cưỡng và phiền muộn cho người đóng góp.
Theo Báo điện tử VnExpress.