Cần làm tốt việc giảng dạy, giáo dục âm nhạc trong nhà trường
Lượt xem:
Tuổi thơ của tôi đến trường với bao gian khó của thời bấy giờ. Nhưng dù đói cơm, thiếu áo, thiếu sách, thiếu vở… chúng tôi không bao giờ thiếu tiếng cười. Thuở ấy, với chúng tôi, mỗi ngày đến trường quả đúng là một ngày vui. Vì sao vậy?
Vì được thầy cô yêu thương hết lòng ư? Đúng. Nhưng còn vì những lẽ khác nữa trong đó có một lý do tưởng đơn giản mà không phải khi nào các nhà trường cũng làm được. Đó là những giờ học hát, những bài hát thiếu nhi dễ thương đã mê hoặc chúng tôi, dẫn dắt đôi chân của chúng tôi háo hức đến trường.
Bây giờ bài hát thiếu nhi nhiều gấp bội ngày trước (dù chưa chắc đã hay hơn), chương trình Hát nhạc trong trường Tiểu học cũng được xây dựng bài bản hơn, đầy đủ hơn, với những tập bài hát in ấn đẹp hơn (ngày xưa nhiều người trong chúng tôi làm gì có tập bài hát mà học) và đã có không ít trường học được trang bị tốt về nhạc cụ, âm thanh, được bố trí giáo viên âm nhạc,…Nhưng không phải trường nào cũng làm được tốt nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục âm nhạc cho học sinh.
Việc không tuân thủ đầy đủ nội dung chương trình Hát nhạc hoặc dạy học không đến nơi đến chốn đã gây thiệt thòi cho các em. Thử nghĩ mà xem, với trẻ con có niềm vui nào lớn hơn là được vui chơi ca hát? Nhất là việc vui chơi ca hát có mục đích, được tổ chức bằng phương pháp nhà trường càng lợi ích biết bao!
Tôi cứ ao ước tất cả học sinh của chúng ta, những em bé “hồn nhiên như cỏ” ngày nào cũng được vui chơi ca hát bằng những bài hát hay, những bài hát đẹp. Tiếng hát giục giã các em đến trường và theo chân các em trên những con đường về nhà. Hẳn khi đó các em sẽ bớt đi rất nhiều những lời nói tục, những khuôn miệng nhỏ xinh sẽ không còn phát ra những câu hát không hay hàng ngày từ nhiều nguồn xấu đang tiêm nhiễm các em.
Âm nhạc là loại hình nghệ thuật kết hợp âm thanh theo một quy luật riêng tạo thành những hệ thống có tính logic diễn ra trong khoảng thời gian nhất định để thể hiện tư tưởng, tình cảm của con người. Nội dung của âm nhạc chân chính thường phản ánh những tình cảm tốt đẹp, vươn tới lý tưởng và đạo đức của thời đại, của dân tộc…
Tiến sĩ Gi. Sunde (Đức) khẳng định: “Âm nhạc có khả năng xây dựng ý chí, tính tình và nhân cách của con người. Đứng về mặt giáo dục, âm nhạc có khả năng thoả mãn những nhu cầu tinh thần của con người về các mặt: trí tuệ, óc tưởng tượng, tình cảm, trực cảm, tính tích cực, tính tập thể và sự hào hứng”.
Âm nhạc với vẻ đẹp của nó sẽ giúp ta vươn tới những giá trị cao đẹp của cuộc sống. Đặc biệt với học sinh tiểu học, âm nhạc càng có vai trò to lớn trong việc giáo dục tư tưởng tình cảm, góp phần hình thành và phát triển nhân cách các em. Đó là điều không cần phải bàn cãi. Không phải đến bây giờ chúng ta mới nhận thức và vận dụng trong giáo dục mà từ ngàn xưa, trong đời sống thường nhật ông cha ta cũng đã ứng dụng hữu hiệu âm nhạc trong việc xây dựng thế giới tâm hồn cho trẻ em. Từ những lời ru mượt mà của bà, của mẹ đến những câu hát đồng dao dễ nghe, dễ thuộc, giàu hình ảnh…Thế giới tinh thần đẹp đẽ đã đi vào tiềm thức và trở thành lối sống tốt đẹp, nhân bản của con người.
Xác định được vai trò to lớn của âm nhạc đối với sự hình thành và phát triển nhân cách nên trong chương trình giáo dục nói chung, bậc học Tiểu học nói riêng, âm nhạc được đưa vào nhà trường với tư cách là một môn học bắt buộc. Và dù đã qua nhiều lần cải cách thì cái cốt tử của nó vẫn là những bài hát hay, giàu tính giáo dục, dễ hát, dễ thuộc, rất được học sinh tiểu học yêu thích.
Bằng con đường riêng của mình, tư tưởng, tình cảm, những thông điệp tốt đẹp sẽ trên đôi của cánh giai điệu và ca từ đi vào tâm hồn trẻ một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nên rất hiệu quả, khác xa với những tiết học, môn học nặng về giáo huấn, nhồi nhét.
Chỉ cần rung lên… Và hãy rung lên…Âm nhạc là như vậy…Và vì thế nó luôn là món quà tuyệt vời của trẻ – những học sinh yêu quý của chúng ta!
Dưới đây là Video Clip ghi lại một hoạt động trong giờ dạy Âm nhạc và một số hình ảnh cùng trong tiết học đó của trường TH Đắk Dục. Mời các bạn thưởng thức – cùng thư giãn và đồng điệu với tâm hồn trẻ thơ:
VT (Phòng GDĐT Ngọc Hồi).