Giáo viên vào mùa tìm kiếm sáng kiến kinh nghiệm

Lượt xem:

Đọc bài viết

(GDVN) – Việc bồi dưỡng học sinh giỏi dù có áp lực, khó khăn hơn việc viết sáng kiến nhưng cơ hội giành thắng lợi lại khá cao.

Không phải vật vã lên mạng tìm kiếm đề tài, sao chép nội dung làm “bảo bối” cho việc viết sáng kiến cuối năm học để đăng kí thi đua như một số đồng nghiệp khác, một số giáo viên dạy các môn chủ đạo như Toán, Lý, Anh văn, Hóa, Văn đã có một cách làm khác.

Cách này dù có áp lực, khó khăn hơn việc viết sáng kiến nhưng cơ hội giành thắng lợi lại khá cao.

Đó là bồi dưỡng học sinh giỏi.

Từ khi có Thông tư Số: 35/2015/TT-BGDĐ Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục thì phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi càng phát triển rầm rộ.

Thông tư 35 quy định rằng cá nhân đạt một trong các thành tích quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư này hoặc đạt một trong các thành tích sau được tính là sáng kiến áp dụng xét, công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”:

Giáo viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 01 học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi cấp tỉnh.

Riêng giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp huyện trở lên”.

Thầy cô chỉ vì thành tích sẽ khiến trẻ bị tổn thương tinh thần rất lớn. (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh).

Ráo riết chọn “hạt giống”

Bắt đầu từ bây giờ, giáo viên ở nhiều trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đang ráo riết chọn học sinh để thành lập đội tuyển ôn luyện.

Nếu giáo viên các bộ môn Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh có nhiều thuận lợi vì nguồn học sinh dồi dào tha hồ tổ chức thi xét tuyển thì giáo viên các bộ môn khác như Văn, Sử, Địa, Sinh, Giáo dục công dân lại vô cùng khó khăn và vất vã. Bởi, học sinh không muốn đi thi những môn học này.

Trước là vì phong trào của trường, sau vì thành tích của giáo viên nên không ít thầy cô đã tìm mọi cách để vận động, thuyết phục học sinh tham gia vào đội tuyển.

Nếu ở một số môn thế mạnh, thầy cô có quyền tổ chức thi vòng loại để chọn ra những hạt giống tốt nhất thì với những môn học này các em đồng ý học đã là tốt rồi.

Luyện “gà chọi”

Ngoài những buổi học chính khóa trên lớp, nhà trường lên lịch để giáo viên tổ chức ôn tập.

Thầy giáo trung học “phát khóc” vì trò thi học sinh giỏi

Những bài tập luyện thi phần lớn được sưu tầm trên trang Violympic. Vừa luyện vào giấy, vừa làm trên mạng.Ngoài những buổi học chính khóa trên lớp, nhà trường lên lịch để giáo viên tổ chức ôn tập.

Ôn tại trường chưa đủ, học sinh được ba mẹ gửi đến lò luyện của một số giáo viên giỏi trong vùng.

Gần đến thời gian thi, lịch ôn luyện càng tăng tốc.

Những học sinh trong đội tuyển “một cổ hai tròng” vì vừa lo thành tích cho bản thân để đạt giải được cộng điểm khi thi vào lớp 10 hoặc thi tốt nghiệp 12, vừa gánh trên vai trách nhiệm mang “danh dự” về cho thầy cô và thương hiệu cho nhà trường nên áp lực càng thêm đè nặng trên đôi vai bé nhỏ.

Trò cố gắng một, thầy cô còn nỗ lực gấp nhiều lần. Đâu chỉ vì có học sinh giỏi đạt giải là xem như có một sáng kiến kinh nghiệm.

Càng nhiều học sinh đậu giải, tiếng tăm giáo viên càng nổi như cồn.

Không chỉ giúp giáo viên khẳng định tên tuổi, chỗ đứng trong lòng mọi người, nó còn là “thỏi nam châm” để hút học sinh tới lớp học thêm ngày một nhiều. Quả là lợi thế đôi đường.

Bên cạnh những giáo viên nỗ lực giảng dạy bằng năng lực thì một số giáo viên khác lại nôn nóng sợ trò không đạt giải nên đã dùng “thủ thuật” để đạt được điều đó.

Một số “thủ thuật” kiếm giải

Thôi thì có đủ cách như tìm thông tin hoặc mối quan hệ với người ra đề. Xin hoặc sao chép những bài ôn tập của chính giáo viên ấy cho học trò trường họ.

Đừng buộc các thầy cô làm điều gian dối

Điển hình như vụ gian lận thi học sinh giỏi ở Bình Thuận mà Báo Thanh Niên đã đưa tin trước đây:Liên kết với các giám thị xem thi để dễ dãi trong phòng thi hoặc mớm bài cho học sinh, đôi khi còn trực tiếp đưa bài giải vào…

Sáng 17/5, sau khi hoàn tất khâu chấm thi giải học sinh giỏi 19/4 cuộc thi truyền thống của tỉnh Bình Thuận tổ chức cho học sinh bậc tiểu học, ông Trần Ngọc Trang – Trưởng phòng Tiểu học của Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Bình Thuận cho biết đã phát hiện rất nhiều bài thi giống nhau.

Thậm chí như ở Hội đồng coi thi Trường tiểu học Chợ Lầu 2 (huyện Bắc Bình) có đến 4 phòng thi có kết quả làm bài giống nhau.

Trong đó có hai phòng thi (phòng 1 và phòng 3) bài thi của cả 20 em trong phòng thi giống hệt nhau.

Ở Hội đồng thi Tân Xuân 1 (huyện Hàm Tân) hội đồng chấm phát hiện có 4 em (lớp 4) ở Trường tiểu học Tân Minh có kết quả làm bài “giống nhau như đúc”.

Trong số này có 2 em có giải thưởng là giải 2 nhưng đã bị hủy bỏ kết quả, nên không được công nhận giải thưởng”.

Chúng ta cứ hô hào, cứ kêu gọi hãy trả lại tuổi thơ cho học sinh nhưng việc ngành giáo dục hoán đổi việc viết sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên bằng giải học sinh giỏi và cho ra lò quá nhiều các kì thi học sinh giỏi như hiện nay thì học sinh cứ phải “học ngày cày đêm” là điều không thể tránh khỏi.

Theo GDVN.