Mối họa trong giáo dục
Lượt xem:
Những ngày qua, thông tin từ Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021 khiến dư luận không khỏi “choáng”. Lý do là bởi tên đề tài nghiên cứu của 12 dự án đoạt giải nhất quá phức tạp, như: “Nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ và hoạt hóa eNOS trên tế bào ECV304 từ một số bài làm thuốc thuộc chi Polygonum L. định hướng phòng và điều trị xơ vỡ động mạch”; “Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ”; hay “Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần”…
Sẽ đến lúc người lớn chúng ta phải trả giá khi tự tay vứt bỏ giá trị của việc giáo dục nhân cách, tính trung thực, lòng tự trọng. Ám ảnh và mải đeo đuổi bóng ma thành tích, sẽ có ngày chúng ta phải đối diện với câu hỏi nghiệt ngã, sự đánh đổi ấy liệu có đáng hay không.
Với những nghi ngờ về việc các đề tài nghiên cứu có thực sự của lứa tuổi THPT hay không, sẽ có ý kiến cho rằng: “Học sinh của chúng ta bây giờ rất giỏi, được độc lập phát triển thêm nữa là sự bùng nổ công nghệ, các em hoàn toàn có thể làm được nhiều điều hơn cả mong đợi từ người lớn”.
Nhưng nhìn lại những đề tài đã đạt giải thưởng không chỉ năm nay có thể dễ dàng nhận thấy, đây đều là những vấn đề khó ngay cả với giới chuyên môn. Và dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ về độ chân thực của những công trình được gọi là “nghiên cứu khoa học” của học sinh, nghi ngờ về sự tham gia sâu của người lớn gồm thầy cô, cha mẹ hay chính các chuyên gia.
Đáng buồn là, đây không phải lần đầu tiên dư luận nghi ngờ về tính trung thực của các cuộc thi năng khiếu trong các nhà trường phổ thông. Từ các giải thể thao như cờ vua, bơi lội đến hạng mục “cây bút triển vọng” của một giải thi viết thư quốc tế… đâu đó đều có những câu hỏi đặt ra mà khó có câu trả lời. Đã có nhiều trường hợp phụ huynh kiện giải bơi phong trào của học sinh THCS mập mờ trong thông tin về cuộc thi, thể thức thi đấu cũng như việc trao giải.
Những điều tiếng về sự trung thực cũng như việc nở rộ các cuộc thi ở các địa phương khiến cho Bộ Giáo dục và Đào tạo từng phải bỏ hoàn toàn chế độ cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi vào lớp 10 đối với các thi sinh có các giải Học sinh giỏi, văn nghệ, thể thao, KHKT…kể từ năm 2018.
Còn với Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc gia dành cho học sinh trung học, theo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2020, thí sinh đoạt giải là một trong những đối tượng được xét tuyển thẳng vào đại học.
Giải thưởng các cuộc thi sẽ là sự ghi nhận đáng trân trọng về tài năng và sự nỗ lực của các em nếu nó diễn ra trung thực. Nó sẽ là động lực cho những tài năng thực sự phát triển, sẽ góp phần vào công cuộc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Nhưng giải thưởng sẽ là mối họa nếu thày cô, phụ huynh đồng lõa gian dối để tạo cơ hội ưu tiên xét tuyển cho một số cá nhân học sinh hay tạo nên thành tích ảo cho nhà trường, địa phương nào đó.
Bởi đó không chỉ là cách dễ dàng nhất làm tổn thương, vùi dập những tài năng thực thụ mà còn là bài học trực quan nhất khuyến khích điều dối trá cũng như sự thỏa hiệp với cái xấu trong thế hệ trẻ. Liệu học sinh có thể trở thành người chính trực, tin vào lẽ phải khi mà ngay trong môi trường vốn được coi là mô phạm, trong sáng nhất, các em đã học được sự không trung thực?
Sẽ đến lúc người lớn chúng ta phải trả giá khi tự tay vứt bỏ giá trị của việc giáo dục nhân cách, tính trung thực, lòng tự trọng. Ám ảnh và mải đeo đuổi bóng ma thành tích, sẽ có ngày chúng ta phải đối diện với câu hỏi nghiệt ngã, sự đánh đổi ấy liệu có đáng hay không?
Những giá trị cốt lõi bị đảo lộn thì tất nhiên, xã hội không thể tốt đẹp. Bởi vậy, sự dối trá là mối họa không chỉ với riêng nền giáo dục. Phải coi đó là mối họa cho toàn xã hội./.
Trần Ý Dịu/VOV2