Quý vị, xin bình tâm mà nghĩ về cách sống của người Việt hiện đại
Lượt xem:
“Thái quá bất cập”, cái gì quá cũng đều không tốt, yêu quá không tốt, cuồng nhiệt quá không tốt mà ghét quá cũng không tốt.
Câu chuyện đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam giành ngôi á quân châu Á sẽ còn được nói nhiều trên mặt báo không chỉ vì đây là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam có được kết quả cao trên đấu trường châu lục mà còn bởi những góc khuất không biết có nên gọi là đáng xấu hổ ăn theo sự kiện này.
Khi cảm xúc hồ hởi chào đón đội tuyển U23 trở về qua đi, khi những niềm vui đến mức cuồng nhiệt, những lời xưng tụng “không còn gì để nói” lắng dịu thì cũng là lúc cần bình tâm nhìn lại.
Nếu bóng đá cho thấy tình cảm, niềm tin của người Việt vào thế hệ trẻ thì cũng từ bóng đá chúng ta có thể liên tưởng đến nhiều điều, đặc biệt là việc giáo dục đào tạo thế hệ trẻ.
Việt Nam có hai tổ chức liên quan đến bóng đá là VFF (Vietnam Football Federation – Liên đoàn bóng đá Việt Nam) và VPF (The Viet Nam Professional Football Jointstock Company), VPF là được xem doanh nghiệp chuyên tổ chức, quản lý và điều hành các giải thi đấu bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Vậy thành công của lứa cầu thủ trẻ Việt Nam hiện tại có phải là công lao của cả VFF lẫn VPF hay có gì đó uẩn khúc khiến cư dân mạng không ngớt bình phẩm?
Để có được lứa cầu thủ tuổi 20-23 như hiện nay, phải nhìn lại chặng đường mười năm trước, khi các cháu mới 10-12 tuổi, đó là lúc những doanh nhân mà truyền thông gọi là “ông bầu” như bầu Đức, bầu Hiển thành lập các “lò” đào tạo cầu thủ trẻ.
Cảnh hàng dài người hâm mộ với cờ tổ quốc, băng rôn, kèn,… ra đón đoàn xe của U23 Việt Nam trong ngày về nước. Ảnh: Internet.
Mời chuyên gia ngoại, xây dựng cơ sở vật chất, tuyển chọn lứa thiếu niên tài năng trên khắp mọi miền đất nước về đào tạo tập trung với số tiền bỏ ra lên đến cả nghìn tỷ đồng – như số liệu trong một bài viết trên Vietnamnet.vn, không phải ai cũng làm được nếu không có tình yêu bóng đá, tầm nhìn chiến lược và hy vọng lợi nhuận mang lại từ môn thể thao vua này.
Không phải ngẫu nhiên U23 Việt Nam được trao giải thưởng Fair Play, điều đó gắn với quá trình đào tạo văn hóa, đạo đức tại các trung tâm, học viện, gắn với đạo đức thể thao mà ông thày người Hàn Park Hang Seo đề ra cho các cầu thủ.
Khi các doanh nhân đầu tư vào các cơ sở đào tạo bóng đá trẻ, thật khó để khẳng định họ gạt sang một bên câu nói “Thương trường là chiến trường”, song cũng không thể nói người ta làm bóng đá chỉ vì “mối hời” kinh tế hay quảng bá thương hiệu.
Tuy nhiên cũng có doanh nhân, doanh nghiệp cuống quýt ăn theo bóng đá theo kiểu “hớt váng” song tạm chưa bàn ở đây.
Câu chuyện “ăn theo” không chỉ diễn ra với doanh nghiệp mà còn cả với người nổi tiếng.
Người xưa có câu: “Tứ thập nhi bất hoặc” nghĩa là vào tuổi 40 người ta đã có thể hiểu thấu mọi điều, phân biệt được việc phải hay trái, việc nên làm hay không nên làm, đánh giá được người tốt hay xấu,…
Muốn đạt tới mức “nhi bất hoặc” con người phải được giáo dục từ khi còn nhỏ, và đương nhiên bản thân mỗi người cũng cần tự tu dưỡng, không để bị cám dỗ, sa ngã vào vòng danh lợi.
Đến tuổi ngoài 60, gần 70 mà sức khỏe vẫn cường tráng, vẫn xăng xái vung tay múa chân chỗ đông người thì quả thật cũng thuộc vào hàng “xưa nay hiếm”.
Cư dân mạng vừa tung trận “mưa đá” cho một giáo viên tiếng Anh người nước ngoài vì xúc phạm đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trên chiếc xe hai tầng chở đội tuyển U23 từ sân bay Nội Bài về Hà Nội, ông Park Hang Seo – huấn luyện viên người Hàn Quốc – đã xua tay từ chối cầm lá cờ Hàn mà một người hâm mộ cố rướn người trao cho ông bởi ông hiểu đây là xe chở đội tuyển bóng đá Việt Nam chứ không phải Hàn Quốc.
Ảnh minh họa.
Thế mà có người nói thế này: “Tôi theo đón đoàn từ 9h sáng, ở cùng đoàn để hỗ trợ truyền thông, giương ảnh Bác Hồ, ảnh huấn luyện viên Park Hang Seo, hô nhịp để cầu thủ trên xe và người hâm mộ cùng hô theo”.
Người Việt lớn tuổi, chắc chắn nhiều người biết việc giương ảnh thần tượng (của cá nhân ai đó) ở chốn đông người không phải là điều bị cấm, song không được phép làm ảnh hưởng đến tình cảm của người khác.
Giương ảnh ai đó cùng với ảnh Bác Hồ không thể là việc làm tùy tiện như lời biện hộ của người nói ra câu đó.
Nếu một đứa trẻ nói câu trên thì có thể xoa đầu dạy bảo lần sau không được thế, còn với một người vốn khá nổi tiếng thì có nên thông cảm, có nên bỏ qua để cho “ngày vui trọn vẹn”?
Tạo được cái danh kẻ sĩ mất cả đời người, đánh mất nó chỉ cần giây phút.
Thế mới biết làm “kẻ sĩ” thật là khó, bởi kẻ sĩ tất phải là người có “sĩ diện”, khi mà “sĩ” không chuẩn thì “diện” liệu có còn?
Suốt buổi truyền hình trực tiếp từ sân bay về trung tâm thành phố và tại sân Mỹ Đình, ống kính phóng viên đã thu được hình ảnh hàng vạn người cầm cờ đỏ sao vàng hồ hởi chờ đón đội bóng đá U23, hàng trăm khuôn mặt đã được quay cận cảnh, không hiểu vì sao không thấy xuất hiện bất kỳ “ông bầu” nào đã góp công, góp của đào tạo nên thế hệ cầu thủ hiện tại.
Họ không được mời, không có thời gian hay không muốn xuất hiện?
Nếu không có công sức, tiền bạc họ bỏ ra xây dựng các cơ sở đào tạo từ 10 năm trước, liệu bóng đá Việt Nam có được thành tích như hôm nay?
Không có họ, liệu VFF có phải “vất vả” chuẩn bị cho 6 đội tuyển thi đấu quốc tế trong năm 2018 như ý kiến một vị lãnh đạo tại đây?
Thời gian chơi bóng của cầu thủ chuyên nghiệp chỉ kéo dài khoảng 10-15 năm, bước vào tuổi 35 hầu hết phải giải nghệ, vận động viên các lĩnh vực khác cũng không hơn gì.
Không thiếu hình ảnh vận động viên/cầu thủ đội tuyển quốc gia trở về đời thường vất vả mưu sinh.
Đọc đoạn văn sau trên báo Laodong.vn hẳn chúng ta chẳng thể cười:
“Tuyển thủ Judo Như Ý – chồng mất, phải nuôi hai con nhỏ – vẫn phải vào thảm đấu với hai bầu ngực căng sữa. Đơn giản là nếu không thi đấu, cô sẽ chẳng có gì để nuôi con…”
Những người tự nhận mình hô hào đến khản cổ khi đón đội tuyển U23 liệu có động lòng khi nhìn bức ảnh nữ cầu thủ đội tuyển quốc gia ngồi bán rau bên đường ở quê?
Nguyễn Thị Liễu (bên trái), thành viên đội tuyển nữ Việt Nam ngồi bán rau (ảnh chưa rõ tác giả).
Cô gái ấy vẫn cười trước ống kính nhưng chẳng lẽ chúng ta – những người nhìn – lại không thấy chạnh lòng?
Tung hô rồi lãng quên liệu có phải là cách hành xử “đúng quy trình” của những người có trách nhiệm với bóng đá, với thể thao nước nhà?
Lời nhắn của cầu thủ Phạm Xuân Mạnh với người thân: “Dì ơi, nhắn với mẹ là tết này con có tiền trả nợ cho nhà mình rồi” cho thấy những đồng tiền nhà nước, doanh nghiệp tặng cho đội tuyển thực sự là niềm an ủi, thực sự quý giá với những người trong hoàn cảnh nghèo biết vươn lên bằng sự nỗ lực của chính mình.
Và còn điều này, nói ra có thể khiến nhiều người không đồng ý, cổ nhân dạy: “Thái quá bất cập”, cái gì quá cũng đều không tốt, yêu quá không tốt, cuồng nhiệt quá không tốt mà ghét quá cũng không tốt.
Giả sử trong tương lai, nếu đội tuyển quốc gia vô địch châu lục hoặc vô địch thế giới thì chúng ta sẽ đón đội tuyển trở về thế nào, liệu có tắc đường trong cả nước chứ không chỉ riêng thủ đô?
Liệu lúc đó lên sân bay đón có cần phải là lãnh đạo cấp cao hơn nữa?
Nước Việt muốn phát triển phải dựa vào sức mạnh tổng hợp của giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, văn hóa thể thao,…
Thật đáng tiếc khi không thấy sự cuồng nhiệt dành cho các đoàn thi Olympic quốc tế dù các cháu mang về hàng chục huy chương vàng thế giới chứ không phải châu lục?
Có lẽ trên thế giới chưa có nước nào tổ chức chào mừng huy chương bạc giải U23 châu lục như Việt Nam, rừng cờ đỏ sao vàng trên suốt chặng đường 30 cây số, sân vận động quốc gia chật cứng người với cờ hoa cho thấy hình như lâu lắm rồi người Việt mới lại hồ hởi như vậy.
Điều đó tốt vì nó khơi dậy tinh thần dân tộc, tình yêu tổ quốc mãnh liệt của người Việt, song nếu cứ như thế thì liệu chúng ta có còn đủ cảm hứng cho những thành công lớn hơn trong tương lai?
Vẫn biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng song có điều gì đó dường như hơi “ăn xổi” trong tính cách của một bộ phận không nhỏ người Việt hiện đại.
Sự tung hô thần tượng một cách quá đáng luôn là con dao hai lưỡi, luôn có nguy cơ làm thui chột tài năng bởi dễ tạo nên sự ngộ nhận.
Điều đáng ghi nhận là từ thành tích của đội tuyển U23, chúng ta thấy được tính tập thể, trách nhiệm của mỗi cá nhân, nhiệt huyết vì màu cờ sắc áo quốc gia của các cầu thủ, và vai trò rất quan trọng của người đứng đầu – huấn luyện viên trưởng.
Các phẩm chất đó cần được lan tỏa sang các lĩnh vực khác mà trước hết là giáo dục và đào tạo, nơi vốn bị xem là “vùng trũng” trong bức tranh toàn cảnh hiện tại.
Thế nên dẫu có vui đến mấy, có tự hào đến mấy cũng xin đừng quên lời dạy của tiền nhân “Đường dài mới biết ngựa hay; Ở lâu mới biết người ngay, kẻ tà”.
Theo: GDVN.