Chọn những người đứng đầu

Lượt xem:

Đọc bài viết

Suốt thập kỷ 80, tôi làm nghiên cứu khoa học tại Ba Lan, nơi có nhà kinh tế học Oskar Lange hàng đầu thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Trước đó, Lange đã chứng minh bằng Lý thuyết Điều khiển học rằng thể chế xã hội chủ nghĩa nhất nguyên ưu việt hơn hẳn thể chế tư bản chủ nghĩa đa nguyên. May thay, tôi đã được mạn đàm với nhóm học trò của ông. Họ cho tôi nhiều tài liệu minh chứng kết luận của ông.

Họ trình bày rất thú vị và giản dị. Hệ thống tư bản chủ nghĩa đa nguyên hoạt động theo nguyên tắc tự điều chỉnh, mà tự điều chỉnh thì luôn phải dựa vào một trạng thái tự cân bằng nhất định; khi xảy ra một bất thường nội tại hoặc một tác động từ bên ngoài thì hệ thống sẽ mất cân bằng, có thể rơi vào khủng hoảng.

Ngược lại, hệ thống xã hội chủ nghĩa nhất nguyên là một hệ thống có điều khiển, do nhà nước điều khiển, khi điều khiển chính xác thì có thể vượt qua mọi biến cố xảy ra.

Tôi hoàn toàn đồng ý và hỏi thêm rằng, sẽ thế nào nếu trong các quyết định của nhà nước, có quyết định đúng và có thể có những quyết định sai do trình độ kém hoặc vụ lợi – vì lợi ích cá nhân, gia đình, bạn bè hay một nhóm nào đấy. Họ giải thích rằng không phải người điều khiển (chính quyền) muốn tự quyết gì cũng được. Gắn với quá trình ra quyết định là cả một hệ thống thông tin thu nhận từ quá trình vận hành, và quyết định đưa ra phải thỏa mãn các điều kiện nhất định. Cách thức vận hành này mang tên là: Thể chế điều khiển hệ thống.

Thời gian không nhiều, tôi hỏi đáp thêm chút ít rồi cũng tới giờ mãn cuộc. Tôi ra về. Bỗng một người trong nhóm chạy theo tôi để nói thêm rằng: “Lúc trước tôi không kịp nói hết với anh. Nhà nước điều khiển là khái niệm chung. Người điều khiển cụ thể là các cán bộ nhà nước chịu trách nhiệm từng khâu công việc. Thành hay bại là ở việc lựa chọn cán bộ đúng hay sai”. Và rằng theo lý thuyết của Lange thì chẳng mấy mà các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sẽ suy sụp vì phương thức lựa chọn những người điều khiển không phù hợp, thể chế điều khiển cũng không phù hợp.

Tôi suy nghĩ nhiều hơn, thấy tư duy sáng rõ: lựa chọn cán bộ là chìa khóa quan trọng nhất. Tôi cảm ơn và chào tạm biệt. Tôi về nước vào tháng cuối cùng của năm 1988. Và một năm sau, tôi nghe tin Đông Âu sụp đổ.

Trước thềm Đại hội Đảng XIII, công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư khóa mới cũng như phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ tới đang được tiến hành. Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã bày tỏ trăn trở về công tác cán bộ. Ông hơn một lần nhấn mạnh tại hội nghị và bài phát biểu rằng trong đội ngũ hiện nay, cán bộ có biểu hiện xấu còn nhiều, “không để lọt vào Trung ương cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất”. Đọc phát biểu đó, tôi nhớ lại nguyên vẹn các kết quả chứng minh bằng khoa học của Oskar Lange rằng chủ nghĩa xã hội thành hay bại là do lựa chọn lãnh đạo. Thực tế đã minh chứng rất rõ luận cứ này tại các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở châu Âu.

Ký ức về lý thuyết của Oskar Lange vẫn cứ đeo đuổi tư duy của tôi khi nhìn vào thực tế về cán bộ và điều hành đang diễn ra từ cấp cơ sở tới trung ương. Vào một cơ quan, nhìn thấy những người anh em, chú cháu, họ mạc, đồng hương, đồng liêu… của người đứng đầu và vợ người đứng đầu thì thấy công tác cán bộ ở đây ra sao.

Vào những lúc mở lòng khi trà dư tửu hậu, ta có thể nghe thấy những chuyện cụ thể về giá để chạy một chức vụ hiện nay, cách đưa tiền và những “tín hiệu” là đủ hay chưa. Nhiều nơi còn đặt ra nhiều nấc thang phụ cho một chức vụ. Bước một là chạy lên được phó phụ trách, bước hai lên quyền trưởng, rồi bước ba mới lên được trưởng. Có nơi còn gọi thầm thủ trưởng là “thợ đóng ghế bậc cao”. Nghe thật đau lòng!

Nhìn vào thực tế Việt Nam, tôi hay quan tâm tới đội ngũ cán bộ ngành Tài nguyên và Môi trường, nơi mà mình đã góp công xây dựng giai đoạn ban đầu theo hướng minh bạch và sạch tham nhũng. Song mọi việc cũng đã khác nhiều. Suốt từ 2014 tới 2017, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái đã xây dựng một biệt phủ rất lớn, không thực hiện đúng quy định về kê khai, minh bạch tài sản và thu nhập cá nhân. Vị này sau đó chỉ bị giáng chức, nộp phạt 500 triệu Đồng và cho tồn tại mọi loại tài sản không thể giải trình được đầy đủ nguồn gốc.

Tôi cũng mới đọc Thông báo số 372/TB-TTBNV của Thanh tra Bộ Nội vụ về kết luận thanh tra việc tuyển dụng, quản lý và bổ nhiệm công chức, viên chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Rồi tôi thấy buồn vì có tới 58 trường hợp thiếu bằng lý luận chính trị, 4 trường hợp thiếu chứng chỉ ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, 36 trường hợp chưa có chứng chỉ bồi dưỡng năng lực lãnh đạo nhưng vẫn được bổ nhiệm. Pháp luật đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn cán bộ, nhưng họ vẫn được bổ nhiệm dù không đạt. Tôi hỏi lại về các trường hợp trên, người ta cho biết, họ vẫn được cho tồn tại, chưa xử lý gì.

Đường lối chung về công tác cán bộ đã có. Để thực hiện, chỉ cần cụ thể hóa thành các tiêu chí định lượng để tạo nên bộ lọc cán bộ. Hiện chúng ta đang nói nhiều về quốc gia số và phát triển sáng tạo, nhưng lại chỉ hay bàn về giải pháp công nghệ. Để có quốc gia số, việc đầu tiên phải làm là chuyển đổi tư duy từ định tính sang định lượng – định lượng là nền tảng của tư duy số. Tiêu chí đánh giá cán bộ cũng phải được định lượng cụ thể.

Công khai tài sản của cán bộ và những người thân kèm theo giải trình nguồn gốc là việc có thể làm trước nhất. Tài sản gồm tiền, vàng, ngoại tệ, nhà, đất, xe cộ đều là những thứ định lượng được. Phần tài sản không giải trình được nguồn gốc chắc chắn là bất hợp pháp và phải xử lý, công khai toàn bộ với dân.

Tiếp theo, với số lượng công việc đã làm, thành công hay thất bại, số lượng không hoàn thành đúng hạn đề ra. Cái gì đếm được là định lượng được, cái gì không đếm được có thể đánh giá thông qua khảo sát ý kiến của một số người liên quan. Hiện nhiều nơi mới chỉ lấy ý kiến của những người trong cơ quan, và đa số “quần chúng” vẫn hùa theo người đứng đầu.

Cuối cùng, Trung ương có thể khảo sát tín nhiệm những vị trí lãnh đạo cần thiết theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, của một số tổ chức xã hội, một số chuyên gia và người dân. Đánh giá cán bộ và chất lượng công việc của cán bộ không thể thiếu những ý kiến khách quan từ dân, ít nhất là những người có thông tin. Trong đó, tuyển lựa, đánh giá cán bộ bằng định lượng vừa là tư duy số, vừa bảo đảm tính khách quan, vừa giúp xây dựng các chỉ số không cách gì “chạy” được.

Đánh giá con người theo định lượng là cách khoa học và hiệu quả nhất để có cán bộ đủ năng lực điều khiển nhà nước tại mọi vị trí. Việt Nam sẽ trở nên thịnh vượng nếu không thất bại trong khâu chọn cán bộ.

Đặng Hùng Võ (Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường).

Nguồn bài viết: VnExpress.