Đồng lòng vượt khó vươn lên từ một ngôi trường

Lượt xem:

Đọc bài viết

Một năm nữa lại đến, như vậy là đã gần 10 năm tôi được sống trong những ngày tháng của dịp lễ 20/11- là dịp mà mỗi người làm nghề sư phạm, mỗi nhà giáo đứng trên bục giảng lại được cả xã hội nhắc tới tôn vinh với tấm lòng tri ân thành kính, thiêng liêng biết nhường nào.

 Giờ hồi tưởng lại những năm qua thật khó mà tin nổi những thay đổi đã đến với mảnh đất Sa Loong, đến với ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải Quang Trung – Trường Tiểu học Nguyễn Huệ.

 Thấm thoát thời gian trôi qua thật nhanh chóng, hơn 10 năm tôi công tác tại ngôi trường này, nơi mà trước đây chỉ là ngôi trường đơn sơ với đường đi bám đầy bụi đỏ, vậy mà giờ đây thay vào đó là những dãy phòng học khang trang, sáng sủa, với những khẩu hiệu đầy thân thiện giữa thầy và trò, với một biển trường gắn liền với chuẩn mực của ngành giáo dục – Trường đạt chuẩn quốc gia. Có lẽ đạt được những kết quả to lớn ấy là nhờ bao công sức của thế hệ thầy cô giáo đã và đang công tác tại đây, với lòng nhiệt tình, tận tâm yêu nghề bám trụ để đưa cái chữ, truyền thụ kiến thức đến các thế hệ học sinh học tại trường một cách có hiệu quả. Làm được điều đó không phải là dễ mà cả sự đồng tâm đồng sức, đồng lòng phải cố làm sao để rèn luyện cho các em học sinh ở đây có tính tự học, chủ động trong học tập một cách tự giác nhất, có như vậy mới mong dạy học có chất lượng và hiệu quả.

Một giờ học của các em học sinh trường tiểu học Nguyễn Huệ.

Bởi vì, ở đây đã có một thời hầu hết các em đã quen với nếp sống tự do, thích thì học, không thích thì thôi; thích thì viết bài không lại ngồi im; thích thì trả lời, không thích thì im lặng, chính vì lẽ đó, để có được một tiết học có kết quả tốt, các em nắm được kiến thức và vận dụng  làm được bài tập đó không phải là dễ dàng gì? Và đó luôn là câu hỏi lớn đối với mỗi giáo viên chúng tôi. Tuy nhiên, không vì khó mà tập thể giáo viên chúng tôi buông xuôi mà tất cả đều phấn đấu với suy nghĩ: “Vì học sinh thân yêu”; “Vì chất lượng giáo dục trong nhà trường”. Chính vì thể trong những  năm gần đây cùng với sự nỗ lực hết mình, bằng kinh nghiệm và lòng yêu nghề, với sự chỉ đạo sát sao và sâu sắc của Ban giám hiệu nhà trường, thầy cô nơi đây cũng đã sử dụng nhiều biện pháp để tập luyện và rèn cho học sinh tính tự học, chủ động trong học tập, cụ thể như sau: Vào các giờ sinh hoạt 15 phút đầu buổi học, mỗi giáo viên lại tập cho các em lên điều khiển lớp học, kiểm tra việc học bảng cửu chương, việc học bài và làm bài ở nhà của các bạn bằng những câu hỏi mà giáo viên gợi ý; và lần lượt các nhóm học sinh thay phiên nhau lên thực hiện, dần dần các em quên đi tính rụt rè, nhút nhát của bản thân mà thay vào đó là sự tự tin trước tập thể. Khi các em đã có được sự mạnh dạn, trong các tiết học giáo viên lại tiếp tục tăng cường tổ chức nhiều hoạt động nhóm, mỗi lần hoạt động các em lại được tham gia chia sẻ những suy nghĩ với bạn, và lại được nói trước tập thể ý kiến của mình, một lần nữa tính tự tin của các em lại được rèn dũa trong học tập, sau mỗi lần các em trình bày ý kiến dù đúng hay sai đều được các bạn và cô giáo tôn trọng, lắng nghe, tuyên dương, động viên, khích lệ làm cho các em không còn để ý đến tính mặc cảm, tự ti của mình nữa.

Và cứ thế chúng tôi sử dụng biện pháp “mưa dầm thấm lâu” ngày qua ngày các em bắt đầu quên đi những cái khó trong bài học mà bắt đầu tự giác tiếp cận kiến thức một cách chủ động hơn, tự nhiên và thích thú hơn. Do đó lượng kiến thức được giáo viên truyền thụ đến học sinh trong mỗi bài học cũng đạt hiệu quả nhất định. Cùng với cách làm đó, vào các tiết sinh hoạt lớp cuối tuần, mỗi giáo viên lại không quên khen ngợi các em có sự cố gắng trong học tập, ân cần nhắc nhở những em có kết quả học tập chưa cao cần nỗ lực hơn nữa. Ngoài ra chúng tôi luôn làm tốt công việc đó là tổ chức các buổi sinh nhật nho nhỏ vào cuối tháng với những món quà nhỏ đầy ý nghĩa mà cả lớp dành tặng cho những học sinh có ngày sinh trong tháng.

Mỗi việc làm đó đã thu hút các em đến trường học đầy đủ hơn, các lớp học đã không có học sinh vắng học dài ngày hay nghỉ học giữa chừng như trước đây nữa. Trong trường cũng đã xuất hiện nhiều lớp học tiêu biểu có tính tự quản, nề nếp học tập tốt như: lớp 1B của cô giáo Bùi Thị Luân; Lớp 2A do cô giáo Quách Thi Chuyên chủ nhiệm; Lớp 3B do Thầy Đinh Văn Đông phụ trách; Tập thể lớp 4B cùng với cô giáo Nguyễn Nhật Tường Vi*…. và nhiều tập thể lớp khác trong nhà trường cũng đạt được kết quả đáng khen ngợi nữa.

Có lẽ chừng đó cũng chưa nói hết được những công lao mà tập thể sư phạm nhà trường đã dày công vun đắp cho mái  trường Tiểu học Nguyễn Huệ để đạt được kết quả như hôm nay. Mười năm chưa dài, nhưng những công lao của đồng nghiệp là đáng trân trọng, Phía trước là chặng đường còn dài để chúng tôi nổ lực xây dựng nhà trường tiến tới đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và xây dựng nhà trường có chất lượng tạo niềm tin cho phụ huynh gửi con vào trường học tập. Thay cho lời kết với sự mong muốn và cầu chúc cho đồng nghiệp luôn mạnh khỏe, luôn có nhiều tâm huyết và sáng tạo, đoàn kết  để cùng nhau xây dựng mái trường thân yêu ngày một đi lên./.

 * Cô giáo Nguyễn Nhật Tường Vi được tặng giấy khen và phần thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong cuộc thi quốc gia “Dư địa chí Việt Nam”.

ĐTD (GV trường TH Nguyễn Huệ).