Học sinh lười phát biểu – Nguyên nhân và giải pháp

Lượt xem:

Đọc bài viết

Lười xây dựng phát biểu bài trong lứa tuổi học sinh, đã và đang để lại những hậu quả bất lợi cho cả thầy và trò, cho chất lượng dạy-học, trong đó người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là các em.

Vấn đề học sinh lười phát biểu:

 Đây là vấn đề cần được quan tâm, chia sẻ, cần được đông đảo đồng nghiệp tham khảo góp ý để tìm ra những giải pháp, những hướng đi chung cho các nhà trường; từng bước khắc phục hiện trạng lười, ỷ lại, đợi chờ này của học sinh, đem lại những sắc thái mới, khả thi nhằm tác động tích cực cho hoạt động dạy học, cá nhân tôi xin mạn phép được trao đổi một số quan điểm, nhìn nhận của vấn đề này mong các đồng nghiệp tham khảo đóng góp.

 Nguyên nhân học sinh lười phát biểu:

 Qua các tiết dự giờ, tìm hiểu và tiếp xúc với giáo viên, học sinh một số năm qua tại trường học nơi tôi công tác, hiện tượng học sinh lười phát biểu trong các tiết dạy ngày càng nhiều, đây là một thực trạng đáng buồn, tôi xin nêu ra một số nguyên nhân có thể dẫn tới thực trạng này như sau:

Kết quả hình ảnh cho giò học nhàm chán

Những tiết học buồn tẻ, chán ngắt với điệp khúc: nghe giảng, đọc bài, làm bài tập,… được lặp đi lặp lại hết ngày này sang ngày khác khiến học sinh chẳng con hứng thú gì với việc học. Rõ ràng đối với những lớp học như thế này, học sinh từ trong trường bước ra chỉ biết suy nghĩ theo một cái khuôn đúc sẵn.

1. Có thể do một số câu hỏi nhàm chán; sự nhàm chán này thường rơi vào hai khả năng: hoặc là do câu hỏi quá dễ (học sinh coi thường) hoặc là do câu hỏi quá khó (quá sức với học sinh) nên chưa thu hút được tính tò mò, sáng tạo của học sinh; vì vậy mỗi khi gặp những tình huống như thế thường học sinh mang tâm lí, phản ứng khác nhau. Với câu hỏi dễ quá, thường các em có tâm lí “coi thường” không thèm trả lời, ngược lại câu hỏi quá khó các em sẽ chờ đợi hay ỷ lại cho học sinh khá, giỏi.

2. Hiện nay có rất nhiều các loại sách tham khảo, sách giải bài tập… tràn lan trên thị trường Do yêu cầu của thầy cô về việc chuẩn bị bài, nhưng các em đang trong độ tuổi ham chơi, thời gian đầu tư việc học ở nhà có phần hạn chế, có rất nhiều các em học sinh thường chỉ soạn bài đối phó, chỉ sử dụng sách hướng dẫn, sách giải bài tập ghi chép bài soạn mà không chú ý đến việc ghi nhớ mà chỉ học vẹt, máy móc, không thể khắc sâu kiến thức; cá biệt có những học sinh còn mượn vở soạn của bạn về chép cho nhanh để đối phó với thầy cô bộ môn.

3. Một số thầy cô quá nghiêm khắc, chưa tạo ra được sự hưng phấn cho người học, nhiều thầy cô quá chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức, gây ra sự căng thẳng mệt mỏi cho học sinh trong các tiết học, thế nên không chỉ bản thân người dạy cảm thấy áp lực, ngược lại các em cũng cảm thấy áp lực từ sự “nghiêm khắc” và đây cũng là nguyên nhân khiến trò không hưng phấn với khả năng phát biểu bài.

4. Một số học sinh chưa đủ tự tin về năng lực của bản thân nên ngại phát biểu, một số khác do lười biếng, không chuẩn bị bài trước khi đến lớp; một sốhọc sinh khác lại biết nhưng sợ sai, mà trả lời sai thì ngại mắc cỡ với bạn bè, nhất là bạn khác giới.

5. Do các em chỉ tập trung vào các môn học như Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Ngoại ngữ, sao nhãng các môn các em cho là “môn phụ” như môn Giáo dục công dân, Công nghệ, Mỹ thuật… thường các em coi thường không đầu tư, cá biệt có những học sinh không học bài cũ, thầy cô chấm điểm thấp cũng không hề “quan tâm”, thậm chí cũng không cần phát biểu để “gỡ” điểm kém.

6. Một số giờ dạy, một số thầy cô chưa thu hút được học sinh: Những hạn chế về năng lực, phương pháp, nghệ thuật giảng dạy và cả sự nhiệt tình, “thiếu lửa” ở thầy cô giáo cũng một phần dẫn đến sự lười phát biểu của học sinh.

7. Trong một số trường hợp, chẳng hạn cả lớp đều ít và lười phát biểu có học sinh hay phát biểu nhưng nhiều khi câu trả lời chưa được chính xác bị một số bạn bè chê rằng hay phát biểu lụi mà vẫn còn hay phát biểu vì vậy cũng ngại giơ tay.

8. Do ấn tượng không tốt của một số thầy cô trong quan hệ thầy-trò ảnh hưởng đến sự hợp tác phát biểu: Thực tế, trong hàng triệu thầy cô giáo trực tiếp tham gia giảng dạy không phải thầy cô nào cũng chiếm được cảm tình của các em như nhau, một số thầy cô vì những lý do khác nhau nên ít chiếm được cảm tình của người học và đương nhiên, hậu quả là học sinh ít hợp tác, lười phát biểu, mặt khác việc sắp xếp thời khóa biểu trong một buổi học nên tránh những buổi chỉ có các môn tự nhiên hoặc các môn xã hội, vì như thế sẽ tạo ra sự mệt mỏi nhàm chán căng thẳng cho người học, việc sắp xếp thời khóa biểu nên xen kẽ giữa môn học tự nhiên với môn học xã hội và nên sắp xếp các môn học nhẹ kiến thức hoặc môn học có tính chất giảm căng thẳng như môn Mĩ thuật, Âm nhạc, Giáo dục công dân…. vào các tiết học cuối như tiết 4 hoặc tiết 5, vì như thế sẽ tránh được sự mệt mỏi nhàm chán căng thẳng cho người học.

9. Do học sinh chưa được rèn luyện nhiều về kỷ năng sống, kỷ năng ứng xử, kỷ năng giao tiếp vì như thế học sinh chưa thực sự chủ động cho việc xây dựng phát biểu bài.

10.Một trong những nguyên nhân nữa là từ phía gia đình, do ảnh hưởng của các tác động cuộc sống, một số học sinh bị ảnh hưởng bởi các loại phim ảnh xã hội, mạng internet, trò chơi điện tử, số ít khác do hoàn cảnh gia đình, cuộc sống gia đình các em không hạnh phúc, một số khác ít được cha mẹ quan tâm do phải lo toan cho cuộc sống gia đình, số khác do tác động của tình cảm yêu đương nam nữ nên sao nhãng việc học, và vì vậy tất yếu các em sẽ lười học và hậu quả là lười phát biểu.

Hậu quả của việc lười xây dựng phát biểu bài:

Lười xây dựng phát biểu bài trong lứa tuổi học sinh, đã và đang để lại những hậu quả bất lợi cho cả thầy và trò, cho chất lượng dạy-học, trong đó người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là các em. Nhiều lần thầy cô giáo ra câu hỏi, dù chỉ là những câu hỏi trong sách giáo khoa nhưng hỏi đi hỏi lại 2, 3 lượt nhưng các em vẫn ngồi im thin thít như tượng gỗ, và chính thầy cô là người phải trả lời câu hỏi do mình đặt ra, những tình huống như vậy thường gây tâm lí ức chế cho thầy cô rất nhiều, thậm chí chán nản, không tha thiết với công việc của mình, thế là phải “ngậm hòn bồ làm ngọt”.  Ngay cả trong một số giờ thao giảng hay thi chọn giáo viên giỏi cấp trường, khi các em bất hợp tác các thầy cô dù có chuẩn bị kĩ lưỡng đến mấy, giờ dạy vẫn không được đồng nghiệp đánh giá cao. Hiện trạng này nếu kéo dài ai dám đảm bảo chất lượng dạy học đạt yêu cầu như mong muốn nếu như không muốn nói là sẽ thụt lùi.

Bên cạnh đó, việc lười xây dựng phát biểu bài của các em còn nảy sinh tâm lí thụ động, chờ đợi, ỷ lại nên học sinh khó nắm bắt và làm chủ kiến thức của bài học, lâu ngày sẽ tạo thành thói quen thiếu tự tin, hạn chế tính tư duy sáng tạo của người học, vì vậy trí nhớ giảm sút học lực giảm, không phát huy được ưu điểm cũng như không khắc phục được nhược điểm của mình; đồng thời việc rèn luyện kỹ năng, khả năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử của các em với cộng đồng sẽ gặp nhiều hạn chế. Điều đó sẽ làm cho giáo dục sẽ đào tạo ra một lớp người lạc hậu, kém năng động, kém sáng tạo, không dám khẳng định mình, không dám mạnh dạn đứng lên phê phán , chống lại cái sai, cái ác, bảo vệ cái đúng, cái thiện, thậm chí đồng tình, đồng lõa với các thói hư tật xấu là điều khó tránh khỏi.

Giải pháp khắc phục:

Đây là bài toán không quá khó, nhưng cũng không thật sự dễ dàng nếu muốn giải quyết tận gốc rễ vấn đề này, muốn khắc phục được cần phải nghiêm túc giải quyết từ cả hai phía người học và người dạy. Tôi mạn phép xin được nêu ra một số giải pháp để đồng nghiệp tham khảo:

– Về phía người dạy: việc cần thiết là thầy cô phải tích cực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư cho chất lượng các bài giảng trước khi lên lớp, căn cứ vào từng tiết học, từng bài học cụ thể, giáo viên có thể vận dụng các phương pháp dạy học khác nhau, để thu hút sự tò mò, hiếu kỳ, kích thích sự hứng thú của người học. Hệ thống câu hỏi cũng phải hết sức chú ý không nên dễ quá hoặc khó quá, cũng không nên quá ngắn hoặc quá dài, câu hỏi nên theo hướng gợi mở, gắn liền với đời sống thực tiễn. Mặt khác, trước mỗi giờ dạy, bằng khả năng nghiệp vụ của mình, giáo viên có thể tạo ra một bầu không khí gần gũi, thân thiện, cởi mở cho người học để rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò như kể một câu chuyện vui có tính giáo dục, một tình huống pháp luật, một mẩu chuyện nhỏ về các nhà khoa học trong và ngoài nước, một vài vấn đề về thời sự, chính trị, kinh tế mới mẻ của đất nước liên quan đến môn học nhằm giảm bớt căng thẳng áp lực cho các em, khuyến khích các em chăm học, chăm phát biểu, để “mối thầy cô thực sự là một tấm gương về tự học và sáng tạo”. Đồng thời thầy cô cũng phải có các hình thức khen thưởng , chấm điểm kịp thời đối với những học sinh có câu trả lời hay; đối với những học sinh trả lời chưa tốt, thầy cô cũng phải khéo léo trong việc nhắc nhở, tránh tình trạng làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng, tự ái của học sinh.

– Về phía Nhà trường cũng đồng thời phải mua sắm thêm các thiết bị thí nghiệm thực hành, xây dựng thư viện đọc phục vụ cho nhu cầu học sinh học tập theo kiểu cộng đồng, và coi đây cũng là một tiêu chí thi đua của ngành, tránh tình trạng chỉ học lý thuyết chung chung làm cho việc học không gắn với hành, với khả năng ứng dụng vào đời sống thực tiễn. Tránh hiện tượng nhàm chán trong các em,  nhà trường cũng cần tổ chức các câu lạc bộ, các chuyên đề, các buổi thảo luận, ngoại khóa để tăng cường khả năng tranh luận, khả năng giao tiếp, ứng khẩu của các em.

-. Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng phải dành thời gian quan tâm thăm lớp dự giờ, động viên thầy trò và nhà trường, quan tâm đến diễn biến tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh để từ đó tìm ra các giải pháp động viên kịp thời, tránh tình trạng hiện nay Hội chỉ mới hoạt động một chiều là nhận kế hoạch từ nhà trường, chỉ hoạt động định kỳ một năm hai lần vào dịp đầu năm và cuối mỗi năm học, còn mọi diễn biến khác thì hầu như phó mặc cho nhà trường và giáo viên chủ nhiệm.

– Về phía người học: cũng cần được cung cấp thông tin về vai trò tác dụng to lớn của việc tham gia xây dựng phát biểu bài, cần tự giác thực hiện nghĩa vụ học tập của mình, trước khi muốn thầy cô giảng dạy nhiệt tình, hết mình cho bài giảng; thực tế hiện nay trước yêu cầu của xã hội, của học sinh, của phụ huynh…. đòi hỏi ngày càng lớn từ phía thầy cô và nhà trường; nhưng các em lại coi thường bộ môn, ỉ lại, số ít khác chỉ quan tâm đến quyền mà quên mất nghĩa vụ của mình.

NM (Trường THCS Lê Hồng Phong – Ngọc Hồi).