Mấy vấn đề trao đổi để việc dạy học 2 buổi/ngày, hơn 5 buổi/tuần ở trường tiểu học thực sự có hiệu quả

Lượt xem:

Đọc bài viết

Để quý thầy, cô giáo và bạn đọc có cái nhìn và đánh giá toàn diện, đầy đủ về việc dạy học 2 buổi/ngày, hơn 5 buổi/tuần ở trường tiểu học thực sự có hiệu quả, thầy giáo Phan Đình Phong – Hiệu trưởng Trường TH Bế Văn Đàn (Ngọc Hồi) đã có bài viết trao đổi, đưa ra những giải pháp thực hiện xung quanh vấn đề dạy học 2 buổi/ngày, hơn 5 buổi/tuần ở trường tiểu học trên địa bàn huyện Ngọc Hồi.

BBT Cổng TTĐT Phòng Giáo dục và Đào tạo Ngọc Hồi trân trọng gửi đến quý thầy, cô giáo và bạn đọc !

Việc dạy-học 2 buổi/ngày không phải sau này mới được đề cập. Bởi từ những năm đầu của nền giáo dục cách mạng đã thực hiện (Nhà thơ Giang Nam mở đầu tác phẩm Quê hương: “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường / Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ…” đã nói lên điều đó). Sau này, khi đất nước gặp khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất…, việc dạy học 2 buổi/ngày đã dần tạm nhường cho những nhiệm vụ khác trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Mục đích chính của mô hình mô hình học 2 buổi/ngày là nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, đảm bảo chất lượng của cấp tiểu học – một cấp học nền tảng; đáp ứng nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ em; góp phần giải quyết vấn đề “quá tải” về chương trình – sách giáo khoa và dạy thêm, học thêm trái quy định. Thế nhưng gần đây vì áp lực giảm biên chế lại có một số ý kiến của đại diện một số bộ, ngành muốn cắt giảm tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp khi thay thế Thông tư 35 thành Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT.

Dạy học 2 buổi/ngày góp phần giải quyết vấn đề “quá tải” về chương trình – sách giáo khoa và dạy thêm, học thêm trái quy định.

Trước yêu cầu về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, giáo dục tiểu học không nằm ngoài chủ trương đó. Việc phát triển mô hình dạy học 2 buổi/ngày là bước đi cần thiết của mỗi nhà trường không thể bàn cãi. Khi huy động được các nguồn lực, đủ các điều kiện thì mô hình học 2 buổi/ngày có bán trú tại các trường được mở rộng. Các gia đình có con em học tiểu học lúc này sẽ thấy được hiệu quả mang lại trong việc giáo dục, nuôi dạy, chăm sóc… vô cùng lớn (như một số trường hiện nay đã, đang thực hiện).

Phải nói rằng sau 25 năm thành lập, huyện Ngọc Hồi đã từng bước giải quyết được vấn đề từ không đủ số lượng tối thiểu giáo viên đứng lớp, cho đến việc các trường không còn phải học 3 ca, học trong phòng học tạm, phòng tranh tre, nứa lá như những năm đầu. Mỗi năm học qua đi, với sự cố gắng của toàn ngành và các nhà trường, mô hình này đã phát triển một cách nhanh chóng. Đó cũng là cái đích của tất cả các trường tiểu học để tập trung dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chú trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có các văn bản làm cơ sở; Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã từng bước cụ thể hoá chủ trương bằng việc tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc dạy học 2 buổi/ngày, trên 5 buổi/tuần ở các trường tiểu học cho sát thực tế địa bàn. Kết quả đạt được trong thời gian qua của bậc học là không hề nhỏ nhưng tại các trường cũng vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong việc thực hiện mô hình này. Tôi xin đề cập mấy ý kiến cơ bản và tạm coi như các nhóm giải pháp chính với mỗi nhà trường, góp phần giải quyết, tháo gỡ những khúc mắc phát sinh từ thực tiễn trong quản lý, tổ chức thực hiện.

Dạy học 2 buổi/ngày góp phần củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học tại các nhà trường.

Nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức:

Yêu cầu căn bản nhất của dạy học 2 buổi/ngày là “củng cố, nâng cao chất lượng”. Các văn bản thì khá rõ ràng đầy đủ nhưng về cơ sở nếu chưa phổ biến kỹ, chưa được diễn giải một cách cụ thể, kết quả chưa rõ ràng thì đội ngũ thầy cô giáo và các bậc phụ huynh chưa hiểu rõ được sự cần thiết và những yêu cầu của dạy học 2 buổi/ngày. Vấn đề hiện nay của mỗi nhà trường chính là nội dung chương trình của bậc học đang nặng tải khi học một buổi/ngày; việc học lý thuyết phải có được được thời gian để tăng cường luyện tập thực hành.

– Nhà trường phải đả thông tư tưởng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và mỗi một phụ huynh, tránh được chuyện hiểu nhầm của việc dạy học 2 buổi/ngày là hình thức “dạy thêm có tổ chức”, vì mục tiêu “kinh tế”. Nhất là tâm lý nghi ngờ chất lượng dạy học một buổi với chất lượng dạy học hai buổi; cho con học một buổi còn một buổi để ở nhà giúp gia đình; thói quen ngại thay đổi của một số giáo viên và phụ huynh cũng là một rào cản.

– Bằng nhiều hình thức, nhà trường và mỗi giáo viên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, văn bản của ngành, giải thích rõ cho cán bộ, nhân dân, các bậc phụ huynh hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của mô hình để huy động sự hợp tác của mọi người. Bởi hiện tại, bên cạnh đa số phụ huynh muốn cho con đi học cả ngày vì chất lượng học của con, yên tâm đi làm việc thì vẫn còn không ít phụ huynh có thói quen cho con ở nhà vào buổi thứ hai để giúp việc nhà hoặc vì không có người đưa đón….

Khó khăn lớn nhất của địa bàn Ngọc Hồi là các trường tiểu học có nhiều điểm lẻ sẽ kéo theo khó khăn về bố trí sử dụng đội ngũ.

Nhóm giải pháp về huy động và tăng cường các nguồn lực:

– Về cơ sở vật chất, phòng học – vấn đề tiên quyết.

Khó khăn nhất của địa bàn Ngọc Hồi là các trường tiểu học có nhiều điểm lẻ sẽ kéo theo khó khăn về bố trí sử dụng đội ngũ. Yêu cầu phải giáo dục toàn diện khi có được giáo viên đơn môn, giáo viên dạy năng khiếu thì vấn đề đặt ra là chất lượng không đảm bảo mỗi khi học sinh lớp bên này đang học Toán, Tiếng Việt mà lớp bên cạnh lại học môn Âm nhạc; phần lớn thời gian của năm học là mùa mưa nên không thể dạy thể dục cho học sinh ngoài trời… Do vậy, hiệu trưởng phải xây dựng kế hoạch sát thực tiễn và giải trình và thông tin kịp thời cho cán bộ địa phương, cho ngành giáo dục. Người quản lý nhà trường phải nắm chắc mục đích, nội dung của dạy học 2 buổi/ngày. Khả năng về đội ngũ, phòng ốc; các điều kiện về địa hình, về thói quen, phong tục tập quán… của học sinh để phát triển, duy trì từng lớp học, từng điểm trường. Ưu tiên phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, thu gọn lại các phòng hành chính không cần thiết nếu còn thiếu phòng học. Cần có sự quan tâm từ xã, thôn, Ban đại diện cha mẹ học sinh… để bổ sung, sửa chữa, tận dụng các loại phòng ốc, trang thiết bị; học sinh ở xa trường cần được ở lại buổi trưa tại trường hoặc ở nhờ các gia đình có nhà gần trường sẽ làm cho phụ huynh có con em đi học yên tâm hơn.

– Về đội ngũ giáo viên – vấn đề trọng yếu nhất.

Đội ngũ càng thiếu thì việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày càng khó. Mỗi khi có đủ số lượng đội ngũ thì phải tính đến sự đồng bộ về cơ cấu bộ môn. Bố trí, sử dụng hợp lý, vừa sức cho mỗi cá nhân giáo viên phải được tính toán kỹ từ khâu xây dựng kế hoạch của hiệu trưởng. Mỗi trường cần có đủ giáo viên dạy đủ các môn Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục,… thì mới đáp ứng được nhu cầu phát triển toàn diện, tránh nặng nề, nhàm chán cho học sinh. Khó khăn nhất vẫn là làm sao giải quyết được hiện tượng môn thừa, môn thiếu tiết tiêu chuẩn, phải phân công dạy chéo môn. Các trường ở vùng khó khăn, nhiều điểm trường xa nhau phải tính đến cả việc phân công dạy vượt quá số giờ tiêu chuẩn; việc di chuyển của giáo viên từ điểm trường này đến điểm trường khác trong một buổi để dạy theo tiết.

Nếu muốn việc học 2 buổi/ngày, trên 5 buổi/tuần thực sự có hiệu quả thì phải thể hiện rõ vai trò, hiệu quả công tác quản lý.

 – Về tài chính, chế độ đãi ngộ – yếu tố động lực.

Khi biên chế của nhà trường còn thiếu theo định mức Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo “hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cớ sở giáo dục phổ thông công lập” cần đề xuất cấp trên đảm bảo kinh phí hằng năm để chi trả chế độ. Ngọc Hồi là huyện đã từng có nhiều trường đi đầu trong việc huy động nguồn lực để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, việc tổ chức bán trú dân nuôi ở cả tiểu học và mầm non. Đối với vùng thuận lợi, có thể huy động đóng góp từ phía phụ huynh để chi trả chế độ cho giáo viên dạy vượt tiết. Nhà trường phải lập dự trù, tính toán rõ ràng về định mức, tỉ lệ thu được, tỉ lệ giáo viên/lớp và đề xuất mức thu vừa sức dân, tổ chức họp bàn kỹ lưỡng; công khai việc so sánh mức tiền công chi trả cho giáo viên để phụ huynh thấy được phần trách nhiệm của thầy cô là chính, nguồn đóng góp từ phụ huynh hiện giờ chỉ là hỗ trợ; mức thu càng thấp thì phải ưu tiên phần trăm càng cao cho giáo viên giảng dạy. Tỉ lệ, mức chi số còn lại cũng phải được lập kế hoạch rõ ràng, sòng phẳng, công khai minh bạch và quản lý đúng quy định. Việc trích lại phần trăm để bổ sung cơ sở vật chất dùng chỉ ưu tiên làm việc gì cần kíp nhất.

 – Tận dụng các chính sách: Các trường có số đông học sinh dân tộc thiểu số, hộ nghèo đang thụ hưởng chế độ nhằm cải thiện việc thiếu đói cho khá nhiều học sinh để các em đi học đều, không vắng học như: tổ chức cho học sinh ăn trưa và ở lại học buổi thứ hai.

Cần có đủ giáo viên dạy đủ các môn Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục,…  mới đáp ứng được nhu cầu phát triển toàn diện, tránh nặng nề, nhàm chán cho học sinh.

Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện – vấn đề trọng tâm, xuyên suốt.

Phải khẳng định rằng, nếu giáo viên không tập trung dạy tốt ở các giờ chính khóa thì sau này phải kèm cặp, dạy học sinh bị mất gốc, không theo kịp chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học sẽ càng nan giải hơn bội phần. Mỗi nhà trường phải động viên khơi dậy được tinh thần tự giác, tự nguyện của mỗi thầy cô giáo vì học sinh.

 – Giáo viên phải xây dựng kế hoạch sát đối tượng học sinh của lớp mình, nội dung kiến thức của từng môn, phân môn, hoạt động rèn luyện, vui chơi phải đảm bảo vừa sức và phù hợp. Đặc điểm của học sinh mỗi lớp thường đa dạng về thành phần, hoàn cảnh, năng lực nên việc đảm bảo về chất lượng đại trà của học sinh cần có được công sức, tâm huyết của mỗi thầy cô giáo.

– Giáo viên phải tôn trong nội dung dạy học, xây dựng như thế nào để dạy có chất lượng. Rất nhiều điều phải tránh khi dạy buổi thứ hai: lập kế hoạch một đằng nhưng khi dạy một nẻo; việc cho học sinh một vài bài tập ngẫu nhiên hoặc làm lặp lại bài trong sách giáo khoa mà các em đã làm trước đó; trong buổi thứ hai giáo viên làm việc khác như dự giờ, họp chuyên môn, soạn giáo án… sẽ làm cho những buổi học thứ hai không có ý nghĩa đối với học sinh. Việc thực hiện tinh thần dạy học tăng cường, giãn tiết ở buổi học thứ hai cần phải thể hiện rõ sự phân hóa về đối tượng và cách dạy học. Chỉ có giáo viên mới biết rõ nhất về học sinh lớp mình dạy. Cho nên, trước khi dạy học trên lớp, giáo viên phải suy nghĩ, dự kiến được các hoạt động dạy học theo kiểu kế thừa “lớp ghép”; cần chuẩn bị về hình thức, nội dung dạy cho từng nhóm trình độ, từng học sinh cụ thể. Với nhóm học sinh có tố chất thông minh, đã chủ động tự học, đã hiểu được kiến thức và đạt kỹ năng thực hành trong các tiết học trước đó chỉ cần gợi ý nhắc lại và cho các em làm các bài tập tổng hợp hơn, có độ khó cao hơn. Việc còn lại là tập trung cho những học sinh chưa nắm chắc kiến thức, lúng túng về thao tác thực hành, kể cả những học sinh quên kiến thức lớp dưới… giáo viên lại phải quay ngược về để hướng dẫn cụ thể từng nội dung và cho luyện tập nhiều lần các yêu cầu tương tự.

– Hàng tuần, không để học sinh nghỉ ở nhà với thời gian bất chợt: Đây là việc làm tuy khó nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý phụ huynh, tạo nên thói quen học sinh đi học không đều. Phụ huynh đã cho học sinh học 2 buổi/ngày nhưng lại có một vài buổi trong tuần phải ở nhà trông con, nhất là đối với các lớp nhỏ sẽ tạo nên phản ứng không tốt.

– Nhà trường có phương án để từng bước quản lý học sinh nhà xa tại trường được ở lại vào buổi trưa. Nếu chưa thể tổ chức được bán trú có thể cho các em mang theo cơm trưa để giảm bớt công sức phải đưa đón con trong ngày của phụ huynh hoặc các em phải đi về nhiều lần.

– Tổ chức các hoạt động chuyên môn phải nhanh gọn, vào thời điểm phù hợp, không để giáo viên mải đi họp, đi dự giờ mà thả lớp học hàng giờ không có ai quản lý.

Nhóm giải pháp về kiểm tra đánh giá, công khai chất lượng:

Nếu muốn việc học 2 buổi/ngày, trên 5 buổi/tuần thực sự có hiệu quả thì phải thể hiện rõ vai trò, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo cụ thể trong việc soạn- dạy; việc kiểm tra, tư vấn, giúp đỡ thường xuyên của ban giám hiệu nhà trường đối với giáo viên; việc đổi mới hình thức sinh hoạt của tổ khối chuyên môn; việc đánh giá chất lượng dạy học…

Phải đánh giá được hiệu quả sau từng thời điểm nhất định và phân tích, công bố rõ cho phụ huynh thấy rõ sự tiến bộ của học sinh sau từng thời điểm.

Phan Đình Phòng (HT Trường TH Bế Văn Đàn – Ngọc Hồi).