Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển trình độ học vấn của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Saloong
Lượt xem:
Giáo dục đào tạo là nền móng, tiền đề cần thiết cho đào tạo nguồn nhân lực và là một nhân tố cơ bản của phát triển nguồn nhân lực.
Trước hết người ta dựa vào trình độ học vấn của lao động (tỷ lệ biết chữ, trình độ giáo dục phổ cập – số năm giáo dục bắt buộc, tỷ lệ đi học của trẻ em trong các nhóm tuổi của mỗi cấp học). Tiếp theo là phải phát triển đào tạo nguồn nhân lực (phát triển kỹ năng). Thực chất đây là những yếu tố quan trọng nhất cấu thành nên vốn con người của địa phương – nguồn vốn quan trọng nhất cho phát triển kinh tế, xã hội.
Xã Saloong là một xã biên giới của huyện Ngọc Hồi, dân số 5060 người với 1685 người trong độ tuổi lao động; toàn xã có 06 thôn làng và 4 đội sản xuất thuộc công ty 732. Địa bàn dân cư gồm 12 dân tộc cùng chung sống (Kinh,Tày, Mường,Thái, Nùng, KDong, Xê Đăng,…). Nằm trong Chương trình 135, 168, 169, 112, 49….của Chính phủ, thu nhập bình quân đầu người thấp (khoảng 7.800 000đ/người/năm). đời sống nhân dân còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, nên công tác giáo dục gặp nhiều khó khăn.
Kinh tế của xã chủ yếu canh tác đất nông nghiệp, có thế mạnh về tiềm năng đất đai, tài nguyên rừng,… có thể đầu tư khai thác và phát triển nhưng thiếu lao động nhất là lao động có trình độ cao. Vì thế, muốn phát triển kinh tế Saloong phải gắn với phát triển nguồn nhân lực và bắt đầu từ nâng cao trình độ học vấn cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây.
Trong 5 năm qua, những chương trình, dự án hỗ trợ cho học sinh dân tộc được nhà trường triển khai thực hiện tốt như; Mở lớp bán trú, hỗ trợ học sinh nghèo,… học bổng của các tổ chức xã hội thường xuyên đều đặn, phân bố cho học sinh đúng diện theo tiêu chí giúp nhiều hộ gia đình có cơ hội cho con em đi học. Song song với các chương trình, hằng năm trường THCS Nguyễn Huệ làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương, đặc biệt với ngành giáo dục, tập trung xây dựng chất lượng đại trà khá vững chắc.
Để có được những thành quả đó những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Sa Loong, đội ngũ nhà giáo của trường THCS Nguyễn Huệ không ngừng nỗ lực để vươn lên khắc phục khó khăn giữ vững chất lượng PCGD THCS, góp phần tạo nên nguồn nhân lực cho xã nhà. Hiện nay toàn xã có 1545 người đang đi học, số người 15-60 tuổi đạt trình độ tiểu học 2487 người, 1810 người đạt trình độ THCS , 271 người đạt trình độ THPT (tính cả số người bỏ học giữa chừng), Sơ cấp: 28, Trung cấp: 32, Cao Đẳng: 24, Đại học: 21 (số liệu điều tra của giáo dục xã Saloong năm 2017). Việc quan tâm phát triển giáo dục góp phần góp phần từng bước nâng cao học vấn và thu nhập cho người dân nơi đây.
Là một giáo viên công tác lâu năm tại địa phương, tôi xin đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao trình độ học vấn cho đồng bào thiểu số của xã Saloong để tạo nguồn nhân lực tại chỗ tại thôn làng có được trình độ tương xứng với mặt bằng phát triển chung của các xã bạn trên huyện Ngọc Hồi.
Về phía chính quyền
Có chính sách dài hạn nâng cao trình độ học vấn cho đồng bào thiểu số một cách có trọng điểm, trước mắt tập trung nguồn lực để thực hiện phổ cập giáo dục THCS.
Tuyên truyền tầm quan trọng của giáo dục và việc nâng cao học vấn là con đường nâng cao đời sống cho người dân và thoát khỏi nghèo đói bền vững nhất để tất cả trẻ em đến độ tuổi đi học đều đến trường.
Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về giáo dục đào tạo.
Hỗ trợ tài chính và kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng vào cùng tham gia để giảm bớt khó khăn cho con em người đồng bào vùng sâu vùng xa được tới trường.
Công tác giáo dục của xã nhà
+ Thứ nhất: Công tác phổ cập giáo dục THCS tiếp tục duy trì và củng cố , nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Mầm non đúng độ tuổi, Tiểu học đúng độ tuổi, chống mù chữ, thành lập các lớp dân tộc bán trú trong trường học đảm bảo các em học sinh xa nhà có điều kiện ở lại học tập tiếp thu kiến thức được đầy đủ .Bên canh đó nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, cung cấp sách giáo khoa, đồ dùng học tập đầy đủ , tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và tăng cường cơ sở vật chất cho trường học.
+ Thứ hai: Tăng cường các nguồn lực cho giáo dục đào tạo thông qua nhiều hình thức khác nhau như xây dựng đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho người dạy, người học. Có chính sách sử dụng và đãi ngộ đúng giá trị nguồn nhân lực được đào các em học sinh cuối cấp.
+ Thứ ba: Cần có nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ, CĐ, ĐH làm việc ngay tại xã nhà.Tổ chức các lớp dạy nghề, hướng nghiệp tư vấn cho mọi đối tượng, đặc biệt là chăm lo cho đội ngũ giáo viên cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần để họ yên tâm công tác.
Người dân
Thay đổi nhận thức tầm quan trọng của giáo dục đào tạo;
Quan tâm tới việc học hành của con em, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em được tới trường.
Tóm lại: Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm hơn 95% dân số của xã Saloong nhưng trình độ học vấn thấp nên thu nhập của họ cũng thấp đã hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội ở đây. Do đó nâng cao trình độ học vấn cho họ không chỉ là khâu mấu chốt trong việc phát triển nguồn nhân lực đồng bào thiểu số mà về lâu dài sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện Ngọc Hồi nói chung và các xã nói riêng. Để nâng cao học vấn phải thực hiện đồng bộ các giải pháp của chính quyền, ngành giáo dục và người dân nhưng điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức về sự cần thiết phải học tập để nâng cao học vấn.
Hữu Bình (GV trường THCS Nguyễn Huệ).