Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số
Lượt xem:
Huyện Ngọc Hồi nằm ở phía bắc tỉnh Kon Tum, phía Bắc giáp với huyện Đắk Glei và huyện Tu Mơ Rông, phía Đông giáp với huyện Đắk Tô, phía Đông Nam giáp với huyện Sa Thầy. Có đường biên giới với 2 nước Lào và Cam Phu Chia. Diện tích 824 km². Có 7 xã và 1 thị trấn. Dân số 56.284 người với 17 dân tộc trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 55,66% .
Trình độ dân trí một số vùng khó khăn còn thấp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào việc phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp còn nhiều hạn chế.
Năm học 2017-2018, toàn huyện có 14 trường tiểu học với 218 lớp, 6256 học sinh. Học sinh dân tộc thiểu số ( DTTS) là 3806 em, tỉ lệ 61%. 100 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày. Trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 đạt tỷ lệ 100%.
Huyện duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ trong đó có 6/8 xã, thị trấn đạt mức độ 3.
Một lớp học theo Mô hình trường học mới VNEN.
Là một huyện biên giới, tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 61%, nhiều năm qua, thực hiện chỉ đạo chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ngành GD và Đào tạo Ngọc Hồi đã áp dụng nhiều giải pháp giúp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt cho học sinh DTTS trên địa bàn.
1. Những thuận lợi, khó khăn chính khi triển khai thực hiện nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
a. Những thuận lợi chính
Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Sở Giáo dục và Đào tạo, của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ các tổ chức đóng chân trên địa bàn.
100% học sinh được học 2 buổi/ ngày.
Cha mẹ học sinh ngày càng nâng cao nhận thức và quan tâm hơn đến việc học tập của con em mình.
100% CB, GV có trình độ đào tạo chuẩn trở lên trong đó 92% trên chuẩn. Đại bộ phận CBQL, GV tâm huyết, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm.
Trường lớp, cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ, khang trang và đạt chuẩn (đảm bảo 01 phòng học/lớp; 100% phòng học đạt cấp 4A và kiên cố; đã có 10/14 trường TH đạt chuẩn quốc gia, đạt 71.4%).
Một tiết học tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Đắk Dục – Ngọc Hồi).
b. Những khó khăn chính
Đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sự quan tâm của cha mẹ học sinh (CMHS) đến việc học của các em còn nhiều hạn chế. Không ít CMHS trông chờ, ỉ lại vào chính sách của nhà nước và khoán trắng cho nhà trường.
Trang thiết bị, đồ dùng dạy và học thiếu đồng bộ, thiếu chuẩn.
Lối sống khép kín trong gia đình và buôn làng khiến môi trường tiếng Việt của học sinh DTTS nhiều hạn chế, tạo ra không ít rào cản trong việc học tiếng Việt của các em.
Đặc điểm ngôn ngữ của tiếng Việt và tiếng các DTTS ở Tây Nguyên có nhiều khác biệt, nhất là yếu tố dấu thanh trong tiếng Việt tạo ra không ít khó khăn cho các em.
Một bộ phận giáo viên còn hạn chế trong phương pháp dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS.
2. Các giải pháp đã triển khai nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số.
a. Công tác chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh DTTS
Việc dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS đã được Phòng GD&ĐT chỉ đạo nhiều năm qua với việc quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và Sở GD và Đào tạo như Quyết định số 1008/QĐ-TTg, ngày 02 tháng 06 năm 2016 của Thủ tướng chính phủ, về tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; Kế hoạch số 215/KH-UBND ngày 23/01/20017 về triển khai Đề án tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Kế hoạch số 19/KH-PGDĐT về việc thực hiện Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS” giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện của UBND huyện Ngọc Hồi.
Một tiết học tại Trường Tiểu học Đắk Dục (xã Đắk Dục – Ngọc Hồi).
Hàng năm cử cán bộ, giáo viên tham dự các lớp tập huấn, các buổi hội thảo chuyên môn về tăng cường Tiếng Việt cho học sinh DTTS do Sở tổ chức đồng thời mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, các chuyên đề hội thảo chuyên môn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên sát với tình hình và yêu cầu của địa phương.
b. Chủ động, linh hoạt thực hiện hiệu quả chương trình kế hoạch dạy học, xây dựng kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng HS
Xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, trong đó xác định nội dung, chương trình dạy cho buổi thứ hai: giãn tiết, tổ chức phụ đạo kiến thức cho học sinh còn hạn chế, bồi dưỡng kiến thức nâng cao cho học sinh năng khiếu hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa, hoạt động giáo dục trải nghiệm khác…
Các trường giao quyền chủ động cho giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học: Điều chỉnh, tích hợp hoặc tăng thời lượng; phân luồng đối tượng học sinh, tổ chức dạy học theo hướng cá thể hóa, chấp nhận sự khác biệt trong lớp học với phương châm “đi chậm mà chắc”, “học đến đâu chắc đến đó”.
Chỉ đạo giáo viên rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa (SGK), tài liệu học tập đề xuất với tổ chuyên môn chủ động, linh hoạt điều chỉnh, tinh giảm, lược bớt những nội dung trùng lặp, thay đổi ngữ liệu cho phù hợp với vùng miền và học sinh DTTS…trên nguyên tắc đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh.
Một tiết học tại Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (trường có 100% học sinh DTTS).
Thực hiện tốt việc đánh giá học sinh theo TT22/2016 (chú trọng đánh giá thường xuyên bằng nhận xét qua đó giúp học sinh thấy điểm mạnh để phát huy, thấy lỗi, cách sửa và được sửa lỗi kịp thời).
c. Dạy học môn tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục (CGD)
Qua 07 năm thực hiện (từ năm học 2011 – 2012), môn Tiếng Việt CGD đã cho kết quả rất tốt. Sau 02 năm thí điểm ở Trường TH Đắk Dục, TH Kim Đồng, TH Đắk Ang (những trường có tỉ lệ học sinh DTTS từ 80 đến trên 90%), từ năm học 2013 – 2014 đến nay, 100% lớp một trên địa bàn Ngọc Hồi được học Tiếng Việt CGD.
Để triển khai hiệu quả, 100% CBQL, giáo viên dạy Tiếng Việt CGD được tập huấn; lớp học được biên chế không quá 35 em/ lớp, được tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Hàng năm, Phòng GD và các trường tổ chức các hội thảo chuyên đề nâng cao chất chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 CGD;
Đến nay việc dạy Tiếng Việt CGD ở huyện Ngọc Hồi đã vững vàng, tin cậy.
Việc dạy đại trà Tiếng Việt CGD lớp 1 đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt trên địa bàn huyện, trong đó có học sinh DTTS.
d. Xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, trang trí khuôn viên lớp học
Môi trường ngôn ngữ có vai trò đặc biệt quan trọng. Các trường đã thực hiện việc xây dựng môi trường ngôn ngữ tiếng Việt cho học sinh DTTS học tiếng Việt với nhiều hình thức như:
Trang trí lớp học với các câu, chữ, danh ngôn tiếng Việt phù hợp với học sinh từng khối lớp; Xây dựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp với những bano, khẩu hiệu có hình dáng, màu sắc bắt mắt ở những vị trí dễ “đập vào mắt” học trò. Tất cả được khai thác triệt để trong các giờ ra chơi, buổi chào cờ, sinh thoạt ngoại khóa…
Tăng cường sử dụng tiếng Việt trong thời gian ở trường, ở tất cả các hoạt động học tập và vui chơi.
Dạy tiếng Việt trong tất cả các môn học: nghe, nói, đọc viết… đều được giáo viên uốn nắn, chỉnh sửa cho các em như trong môn Tiếng Việt.
Thực hiện dạy tiếng Việt, rèn các kỹ năng nghe, nói, đọc viết trong tất cả các môn học.
Tổ chức các hoạt động đội, giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”, văn hóa văn nghệ, TDTT, trò chơi dân gian…qua đó giúp các em nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt.
Tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho CMHS và cộng đồng tăng thời thường sử dụng tiếng Việt trong gia đình và cộng đồng.
e. Xây dựng thư viện thân thiện, thư viện xanh, thư viện lớp học tạo phong trào đọc sách
100% trường tiểu học xây dựng thư viện và khai thác, sử dụng tốt thư viện với các hình thức: thư viện trường, thư viện lớp học, thư viện xanh. Các thư viện được trang bị nhiều sách, truyện, tranh phù hớp với lứa tuổi học trò để các em đọc; Xây dựng “văn hóa đọc” trong học đường…
Nhờ đó, trình độ, kỹ năng tiếng Việt của học sinh DTTS được nâng cao.
3. Kết quả thực hiện
Chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh đã có chuyển biến tích cực về nhận thức, quan tâm cụ thể, thiết thực hơn đến việc học tập của học sinh DTTS.
Hoạt động dạy học Tiếng Việt cho học sinh DTTS ở các trường TH trên địa bàn huyện được quan tâm đúng mức, được tổ chức thực hiện nghiêm túc, linh hoạt và mang lại hiệu quả rõ rệt.
CBQL trong huyện có sự thống nhất cao về quan điểm chỉ đạo; Đội ngũ giáo viên nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng Tiếng Việt cho học sinh DTTS.
Chất lượng học sinh được nâng cao và có tính bền vững. Tỉ lệ học sinh DTTS Hoàn thành và Hoàn thành tốt môn Tiếng Việt đạt trên 97% với biểu hiện cụ thể là học sinh DTTS mạnh dạn, tự tin trong học tập và giao tiếp tiếng Việt. Năng lực tiếng Việt tốt đã giúp các em học tốt các môn học khác và các mặt giáo dục.
4. Kinh nghiệm
Về biên chế học sinh/ lớp: Vì học sinh DTTS gặp nhiều khó khăn nên đề nghị cần có quy định biên chế lớp riêng cho những trường có tỉ lệ học sinh DTTS trên 50% tối đa 30 học sinh/ lớp.
Cần có chương trình dạy tiếng Việt linh hoạt hơn, phù hợp cho đối tượng học sinh DTTS theo hướng tăng về thời lượng, tăng về thực hành.
Tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị đồ dùng dạy học và các chính sách tài chính cho học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh DTTS nhằm tạo điều kiện học tập tốt hơn cho các em.
Nguyễn Minh Tuấn (Phòng GDĐT Ngọc Hồi).