Hướng dẫn kiểm tra học kì I cấp THCS năm học 2018-2019
Lượt xem:
Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành Văn bản hướng dẫn việc tổ chức kiểm tra học kì I năm học 2018-2019 đối với cấp THCS, cụ thể như sau:
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet.
Đối với công tác ra đề kiểm tra: Phòng GDĐT ra đề kiểm tra chung các môn: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh (chương trình hệ 7 năm) các lớp 6, 7, 8, 9. Các trường tự ra đề kiểm tra các môn học còn lại.
Hình thức kiểm tra: Các môn học: Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngữ Văn, Lịch sử và Địa lí ra đề theo hình thức tự luận. Các môn học còn lại Phòng giao cho các trường căn cứ vào đặc thù bộ môn để lựa chọn hình thức ra đề kiểm tra cho phù hợp.
Đề kiểm tra cần đảm bảo các yêu cầu sau: Đề kiểm tra phải ra theo định hướng phát triển năng lực học sinh; Nội dung kiểm tra phải theo Chuẩn kiến thức, kỹ năng trong phạm vi chương trình môn học từ tuần 1 đến tuần 18 của học kì I, lưu ý thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GDĐT (không ra đề thuộc phần giảm tải); Đề phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, chặt chẽ, diễn đạt rõ ràng, tường minh; Đề phải phân loại được trình độ học sinh, phù hợp với thời lượng quy định đối với từng môn học.
Cấu trúc đề kiểm tra: Đề kiểm tra chỉ có phần chung dành cho tất cả các học sinh, thuộc phạm vi chương trình giáo dục phổ thông ở cấp THCS không có phần riêng; Đề gồm nhiều câu theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao – riêng phần đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan làm thành 04 phiên bản; Đối với các môn Phòng giao cho các trường ra đề, yêu cầu đề phải bám sát Ma trận đề do Sở đưa ra.
Đề kiểm tra cần xây dựng theo các mức độ sau: Nhận biết chiếm 35% (tương ứng 3,5 điểm); Thông hiểu chiếm 30% (tương ứng 3,0 điểm); Vận dụng chiếm 20% (tương ứng 2,0 điểm); Vận dụng cao chiếm 15% (tương ứng 1,5 điểm).
Thời lượng làm bài: Ngữ Văn, Toán: 90 phút/môn; Các môn còn lại: 45 phút/môn.
Phòng GDĐT cũng lưu ý một số nội dung sau: Đối với các môn học kiểm tra theo hình thức kết hợp giữa 50% trắc nghiệm khách quan và 50% tự luận thì đề ra phải đảm bảo một phần hai thời gian làm bài cho phần trắc nghiệm và một phần hai thời gian còn lại dành cho phần làm bài tự luận. Đối với các môn học do nhà trường ra đề, Ban Giám hiệu phải tổ chức công tác ra đề kiểm tra nghiêm túc: Đề phải có ma trận, đề và hướng dẫn chấm phải được Ban chuyên môn nhà trường phê duyệt, đảm bảo tính bảo mật.
Đối với công tác tổ chức coi kiểm tra Phòng GDĐT có một số yêu cầu như sau:
Các trường chỉ đạo, tổ chức cho cán bộ, giáo viên coi kiểm tra chặt chẽ, nghiêm túc.
Đối với những đơn vị có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên: lập danh sách học sinh dự kiểm tra trong từng khối lớp của trường theo thứ tự A, B, C và bố trí học sinh theo từng phòng (tối đa 24 học sinh/phòng); bố trí 01 học sinh/bàn; 02 giáo viên coi kiểm tra/phòng.
Đối với các đơn vị khác, tùy theo điều kiện cụ thể của đơn vị mình, bố trí số lượng học sinh/phòng, số lượng giáo viên coi kiểm tra/phòng sao cho hợp lý, đảm bảo thời gian tổ chức kiểm tra đúng theo lịch quy định của Phòng.
Đối với các môn kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan, việc giao đề cho học sinh phải đảm bảo 02 học sinh ngồi cạnh nhau (theo hàng ngang, hàng dọc) không trùng mã đề; có biện pháp ngăn chặn việc học sinh chuyển các đáp án cho nhau và làm bài không đúng với mã đề được phát. Không cho học sinh ra ngoài trong thời gian làm bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan, trừ các trường hợp đặc biệt.
Đối với các môn kiểm tra có kết hợp 2 hình thức (50% tự luận và 50% trắc nghiệm khách quan), học sinh làm bài trên 02 tờ giấy riêng biệt (01 tờ bài làm phần trắc nghiệm khách quan, 01 tờ bài làm phần tự luận), sau khi hết thời gian làm bài phần trắc nghiệm khách quan (một phần hai thời gian làm bài kiểm tra của môn đó), học sinh phải nộp bài làm phần trắc nghiệm khách quan và tiếp tục làm phần bài tự luận trong thời gian còn lại.
Đối với công tác tổ chức chấm bài kiểm tra Phòng Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường tự tổ chức việc chấm bài kiểm tra học kỳ của đơn vị mình. Tuy nhiên, trong quá trình chấm bài các đơn vị cần phải đảm bảo những yêu cầu sau: Bám sát đáp án, biểu điểm, tránh trường hợp tự ý điều chỉnh đáp án, biểu điểm; Tổ chức chấm chéo, hạn chế tối đa việc giáo viên chấm bài của học sinh mình dạy; Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, chỉ ra những ưu, khuyết điểm của học sinh; Điểm kiểm tra phải phản ánh đúng thực tế bài làm của học sinh. Phòng GDĐT sẽ tổ chức chấm thẩm định một số bài ở các đơn vị sau khi có kết quả kiểm tra học kì I.
Lịch kiểm tra:
* Lớp 6, 9:
Ngày | Buổi | Môn kiểm tra | Thời gian làm bài | Giờ phát đề kiểm tra | Giờ bắt đầu làm bài |
27/12/2018 | Sáng | Ngữ Văn | 90 phút | 7 giờ 30 | 7 giờ 35 |
Vật lí | 45 phút | 9 giờ 35 | 9 giờ 40 | ||
28/12/2018 | Sáng | Toán | 90 phút | 7 giờ 30 | 7 giờ 35 |
Địa lí | 45 phút | 9 giờ 35 | 9 giờ 40 | ||
29/12/2018 | Sáng | Sinh học | 45 phút | 7 giờ 30 | 7 giờ 35 |
Tiếng Anh | 45 phút | 8 giờ 50 | 8 giờ 55 | ||
31/12/2018 | Sáng | Lịch sử | 45 phút | 7 giờ 30 | 7 giờ 35 |
Hóa học | 45 phút | 8 giờ 50 | 8 giờ 55 |
* Lớp 7, 8:
Ngày | Buổi | Môn kiểm tra | Thời gian làm bài | Giờ phát đề kiểm tra | Giờ bắt đầu làm bài |
27/12/2018 | Chiều | Ngữ Văn | 90 phút | 13 giờ 30 | 13 giờ 35 |
Vật lí | 45 phút | 15 giờ 35 | 15 giờ 40 | ||
28/12/2018 | Chiều | Toán | 90 phút | 13 giờ 30 | 13 giờ 35 |
Địa lí | 45 phút | 15 giờ 35 | 15 giờ 40 | ||
29/12/2018 | Chiều | Sinh học | 45 phút | 13 giờ 30 | 13 giờ 35 |
Tiếng Anh | 45 phút | 14 giờ 50 | 14 giờ 55 | ||
31/12/2018 | Chiều | Lịch sử | 45 phút | 13 giờ 30 | 13 giờ 35 |
Hóa học | 45 phút | 14 giờ 50 | 14 giờ 55 |
* Đối với các môn do trường tự ra đề kiểm tra: Phòng giao cho các trường tự bố trí thời gian kiểm tra khi đã hoàn thành chương trình và trong khoảng thời gian từ 17/12/2018 đến 22/12/2018.
Phòng GDĐT Ngọc Hồi.