Chào tháng mười một

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trên facebook những ngày đầu Tháng Mười Một này tràn ngập những câu chào như thế. Chào Tháng Mười Một! Tháng Mười Một yêu thương! Tháng Mười Một tự hào!… Đó không chỉ là lời chào của những người làm nghề giáo – nghề dạy học – nghề trồng người cao cả mà còn của rất nhiều người khác, họ thuộc những lĩnh vực, ngành nghề khác và đủ giai tầng, lứa tuổi.

Thế mới biết nghề giáo thời nào cũng được xã hội coi trọng và tôn vinh; Và mới thấy những lo lắng về vị trí của người thầy, truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc trong thời buổi kinh tế thị trường này đã có phần thái quá! Đừng vội lấy một vài hiện tượng ở đâu đó có sự suy thoái đạo đức làm thầy của một số người, đạo đức làm trò của một vài cá thể mà quy kết, đánh đồng. Không! Vẫn vẹn nguyên lòng yêu nghề, yêu người ở đại bộ phận nhà giáo chúng ta – những người đã và đang vượt lên mọi hoàn cảnh, mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trồng người cao cả; Vẫn vẹn nguyên lòng yêu kính thầy cô của hầu hết các em học sinh trên mọi miền đất nước; Vẫn vẹn nguyên sự coi trọng và tôn vinh người thầy và nghề dạy học trong mọi giai tầng xã hội.

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Bởi vì đại bộ phận thầy cô giáo chúng ta là những người mẫu mực về tri thức và đạo đức; Đại bộ phận thầy cô giáo chúng ta là những người mô phạm trên cả bục giảng và giữa đời thường. Ở trường họ là người thầy, người trở đò, người dẫn đạo cho học trò. Ở nhà và trong đời sống họ là người con hiếu thảo, người vợ, người chồng thủy chung, người cha, người mẹ hết lòng yêu thương con cái, người hàng xóm hiền lành, tốt bụng và đầy trách nhiệm…

Dù nghèo khó, mà đại bộ phận thầy cô giáo chúng ta còn nghèo khó, nhưng họ luôn biết giữ đạo làm thầy. Không vì nghèo khó mà đánh mất mình, thiếu trách nhiệm trong công việc và với học trò. Họ vẫn giữ cốt cách thanh cao. Vẫn hàng ngày làm việc chăm chỉ, hết mình, say mê và đầy sáng tạo. Bởi vì cao hơn cả họ có lòng tự trọng và tự hào nghề nghiệp!

Thế nên mới có những tập thể giáo viên như tập thể 44 thầy giáo ở Trường tiểu học Tri Lễ 4 tỉnh Nghệ An, một trường nằm giữa bản làng người Mông, cách trung tâm thị trấn huyện 30 km đường đèo dốc hiểm trở, lầy lội về mùa mưa, mịt mù bụi đất về mùa khô, vẫn bền bỉ bám trường, bám lớp. Ở đó họ đâu chỉ dạy học, họ còn nuôi dưỡng, chăm sóc học trò như những người cha, người mẹ thực thụ của các em. Họ cắt tóc, may vá quần áo, tắm gội cho các em; tranh thủ ngoài giờ và ngày nghỉ ra suối bắt cua, bắt tép về cải thiện bữa ăn cho các em. Ở một nơi mà tưởng chỉ có bóng tối của sự lạc hậu, họ đã là thứ ánh sáng soi đường, là người đưa dẫn những học sinh nghèo khổ vượt qua cổng làng vươn tới ngày mai tươi sáng. Cho nên, thật dễ hiểu vì sao họ đã vượt qua những “ứng viên nặng ký” để được VTV trao giải thưởng “ Ấn tượng VTV năm 2017” ở hạng mục “Nhân vật của năm”.

Thế nên mới có tập thể cô giáo một trường mầm non ở huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum đón trẻ, chăm sóc trẻ từ 12 giờ đêm hôm trước đến 18, 19 giờ tối hôm sau. Bởi vì, như Cô giáo Hà Thị Hường – cô giáo của ngôi trường mầm non ấy – chia sẻ: “Tôi cũng là một người mẹ, cũng đã có 2 cháu rồi nhưng tôi thấy thương các bậc phụ huynh. Nửa đêm nào cũng phải đi cạo mủ cao su rồi phải gửi con đến trường, mình thấy thương và muốn chia sẻ với phụ huynh.” Cảm động biết bao! Tự hào về đồng nghiệp và nghề nghiệp biết bao! Cho nên, qua những cô giáo mầm non ấy mà các phóng viên, biên tập viên chương trình Chuyển động 24 giờ của VTV đã chọn nghề dạy học là NGHỀ – CỐNG – HIẾN!

Thế nên mới có cô giáo Trần Thị Thúy, giáo viên trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) đã đưa lớp học trường làng xuyên lục địa đến với khắp nơi trên thế giới chỉ bằng chiếc máy tính và mạng Internet. Nhờ đó các em học sinh giữa một vùng quê lúa của cô vừa trưởng thành về ngoại ngữ, vừa toàn diện về kiến thức. Quan trọng hơn, cô đã mở ra cho các em cả một thế giới mênh mông, hiện hữu và vô cùng sinh động bên ngoài bốn bức tường lớp học; Ươm mầm trong các em những ước mơ và khát vọng… Đó là gì nếu chẳng phải là  yêu nghề, yêu người, say mê và sáng tạo?…

Cô giáo Tràng An nơi ngã ba biên giới

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cố đô Hoa Lư với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Tam Cốc – Bích Động […]

Và còn nhiều tập thể, nhiều cá nhân nhà giáo như thế trên đất nước này mà chúng ta chưa kịp điểm danh!

Không ở đâu xa, ngay chính trên quê hương Ngọc Hồi của chúng ta đây cũng có rất nhiều nhà giáo vô cùng đáng kính bởi sự tận tụy với nghề. Đó là những cô giáo mầm non một mình từ sáng đến chiều phải chăm sóc ba bốn chục trẻ/ lớp với đủ độ tuổi mà đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số chưa biết nói tiếng Việt. Chỉ cần suy từ việc chăm sóc một đứa trẻ là con, cháu mình ở nhà thôi đủ thấy các cô vất vả chừng nào!

Đó là những thầy giáo cô giáo mà sau những giờ miệt mài trên lớp lại đến từng ngôi nhà nghèo khó của các em học sinh dân tộc trong các bản làng xa xôi vận động các em ra lớp, tuyên truyền công tác giáo dục cho nhân dân đến tối “nhọ mặt người” mới về.

Trong những thầy cô giáo ấy, có rất nhiều tấm gương yêu nghề và sáng tạo trở thành những giáo viên giỏi các cấp, đạt những giải thưởng khoa học các cấp và có nhiều học trò giỏi các cấp. Đó chẳng phải là vinh quang mà nhiều khi vật chất đến đâu cũng chẳng sánh bằng sao?

Tháng Mười Một đã lại về. Trong cái tiết trời se lạnh gõ cửa mùa đông mới, trên các cung đường ở vùng đất ba biên này mỗi sớm mai, hình ảnh những tốp học sinh khăn áo đến trường cùng các thầy giáo, cô giáo có lẽ vẫn là hình ảnh thân thương nhất!

Chào Tháng Mười Một yêu thương! Chào Tháng Mười Một tự hào!

Việt Thắng (Phòng GDĐT Ngọc Hồi)