Cô giáo Tràng An nơi ngã ba biên giới

Lượt xem:

Đọc bài viết

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cố đô Hoa Lư với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Tam Cốc – Bích Động, khu du lịch Tràng An – Bái Đính, rừng nguyên sinh Cúc Phương…Cô giáo Đinh Thị Lan, Hiệu trưởng Trường mầm non Đắk Xú (Ngọc Hồi – Kon Tum) được nuôi dưỡng và thừa hưởng những giá trị tốt đẹp của quê hương văn hiến.

Là một người yêu trẻ, năm 1986 cô trở thành cô giáo mầm non trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, công tác tại trường mầm non của Nông trường 732 thuộc Binh đoàn 15 (nay là công ty TNHH một thành viên 732 đóng chân trên huyện Ngọc Hồi – Kon Tum). Giáo dục mầm non lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, môi trường giáo dục.. trong khi mức lương của giáo viên mầm non quá thấp. Cùng với đồng nghiệp, chị đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn từ cuộc sống bản thân đến điều kiện công tác để làm tốt công tác chăm sóc trẻ. Để có lớp học cho trẻ, chị cùng đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vào rừng chặt lồ ô về làm lớp học, bàn ghế. Đó là một công việc cực kỳ vất vả và nguy hiểm. Nó vất vả bởi phải trèo đèo lội suối chặt và vận chuyển tre, nứa, lồ ô từ rừng sâu về; nó nguy hiểm bởi Phulro rình rập (ngày đó lực lượng phản động phulro còn hoạt động ở khu vực rừng sâu của Tây Nguyên), nguy hiểm bởi bom đạn của thời chiến để lại còn nhiều chưa kịp tháo gỡ, nguy hiểm bởi có thể gặp thú rừng bất cứ lúc nào, nguy hiểm bởi sốt rét rừng… Bên cạnh đó chị tận dụng những nguyên vật liệu có sẵn, rẻ tiền say mê sáng tạo ra nhiều đồ dùng dạy học và đồ chơi cho trẻ. Những đồ dùng, đồ chơi ấy vừa giúp chị mang lại hiệu quả trong dạy học, giáo dục trẻ, vừa là những công trình khoa học sáng tạo để những đồng nghiệp nhân bản phục vụ hoạt động chung…

Công việc vất vả, cuộc sông khó khăn nhưng không ngăn được tinh thần phấn đấu, ham học hỏi ở chị. Từ một giáo viên mầm non trình độ đào tạo sơ cấp, chị đã phấn đấu học hết cao đẳng sư phạm (Bây giờ nói đến trình độ cao đẳng sự phạm có thể là “bình thường” nhưng những năm tháng ấy là cả một sự phấn đấu vượt bậc, rất đáng trân trọng). Trong công tác chị không ngừng phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quân khu nhiểu năm liền…

Với những đóng góp không mệt mỏi cho công tác giáo dục mầm non cùng năng lực thể hiện trong công tác, năm 1999 chị được bổ nhiệm giữ chức Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học – Trung học cơ sở 732 phụ trách chuyên môn mầm non. Năm 2005 chị được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca, xã Đắk Kan – Ngọc Hồi và từ năm 2014 đến nay chị là Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đắk Xú.

Cô giáo Đinh Thị Lan (người đứng thứ 2 từ trái qua) vui mừng tổ chức Lễ ra trường cho các cháu học sinh lớp mẫu giáo 5 tuổi trường MN Đắk Xú, năm học 2015-2016.

Từ một giáo viên chuyển sang làm công tác quản lý thời gian đầu chị gặp không ít khó khăn bởi kinh nghiệm chưa có lại chưa được đào tạo nghiệp vụ quản lý. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao và lòng ham học hỏi chị đã học từ công việc, từ đồng nghiệp, từ người đi trước nên từng bước làm tốt nhiệm vụ của mình. Rồi chị theo học và hoàn thành chương trình bồi dưỡng quản lý giáo dục tại Trường CĐSP Kon Tum. Khoá học giúp trang bị cho chị những kiến thức, những kỹ năng bổ ích kết hợp với thực tiễn công tác phong phú để sau đó chị thực sự trở thành một cán bộ quản lý giỏi của Ngành giáo dục Ngọc Hồi. Dưới sự lãnh đạo của chị, tập thể giáo viên các nhà trường nơi chị làm quản lý luôn đoàn kết, lao động sáng tạo, hoàn tành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được các cấp ghi nhận, khen thưởng bằng nhiều hình thức. Đến nay các trường chị từng lãnh đạo và đang lãnh đạo đã đạt chuẩn quốc gia, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn huyện và hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Nói đến chị, đội ngũ giáo viên của những trường chị công tác đều ghi nhận chị là người hiệu trưởng chẳng những tâm huyết, giỏi nghề, năng động sáng tạo mà còn sống giản dị, gần gũi với cấp dưới và cha mẹ học sinh. Nhờ sự gần gũi, chan hoà ấy mà chị hiểu được hoàn cảnh gia đình, tâm tư tình cảm của chị em giáo viên từ đó đưa ra những quyết định quản lý hợp lý hợp tình, vừa tạo điều kiện công tác cho chị em, vừa đảm bảo các nguyên tắc quản lý, thúc đẩy mỗi người và toàn đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ghi nhận và biểu dương những thành tích công tác của chị, nhiều năm liền chị được các cấp, các ngành tuyên dương khen thưởng các danh hiệu “ Đảm việc nước – giỏi việc nhà”; giáo viên giỏi các cấp; lao động tiên tiến; chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay (20/11/1982 – 20/11/2017), những đồng nghiệp nơi mảnh đất Ngã ba biên giới còn nhiều gian khó này xin phép được viết đôi dòng tâm bút như một niềm tri ân với chị, người đã dìu dắt bao thế hệ học trò nghèo khó nên người và dẫn dắt chúng tôi – những người em, người đồng nghiệp – trưởng thành trong công tác. Chúc chị nhiều sức khoẻ để dẻo dai đi tiếp trên những bản làng cao nguyên nâng bước bao thế hệ học trò…

Thu Huyền (Phòng GD Ngọc Hồi).