Cô giáo của tôi
Lượt xem:
Mời các bạn đọc bài viết mộc mạc, tình cảm và đong đầy ký ức của cô giáo Y Oanh – GV trường TH Đắk Ang, để cùng cô giáo rưng rưng một chút hoài niệm về thời học sinh trong sáng, vô tư để cùng nhau hồi tưởng và tri ân thầy cô giáo – những người cha, người mẹ thứ hai của mình…
“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền…”, tôi rất thích câu này trong bài hát. Trước đây khi còn là học sinh tiểu học, tôi chỉ thuộc và hát vậy thôi chứ chưa hiểu sâu về ý nghĩa của bài hát nhưng bây giờ tôi mới hiểu và thấy tâm đắc câu hát này nhất. Bởi từ khi sinh ra, tôi chỉ biết có bố mẹ tôi là người dạy bảo và nuôi nấng tôi, đến khi bước chân ra khỏi tình yêu thương của bố mẹ đi vào xã hội và khi chập chững bước vào môi trường học tập, tôi mới biết trong cuộc đời này, những người đồng hành cùng tôi trong suốt một quãng đường đời không chỉ có bố mẹ, mà còn có những người thầy người cô. Thầy cô đã chắp cánh ước mơ, hoài bão tươi đẹp về tương lai, đã cho tôi những giấc mơ về sự thành đạt, về công danh, sự nghiệp và cả niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Vâng, họ đã dành một phần cuộc đời mình để trau chuốt, dẫn dắt người học sinh từng bước đi trên con đường còn bao chông gai phía trước.
Bước vào hai năm cuối cấp hai, tôi đặt chân vào cổng trường Bổ Túc Công Nông tỉnh Kon Tum tại Kon Đào, huyện Đăk Tô theo ý muốn của mẹ tôi. Bởi mẹ tôi cho rằng tôi phải đi học xa mới biết tự lập và nên người. Tôi thì cảm thấy sợ, vì đây là một mái trường vừa học vừa làm. Tôi lúc ấy mới bước vào tuổi 14, so với những người đến trường học thì tôi là học sinh nhí. Nhưng tôi vẫn có đủ tự tin để học tập và lao động tại môi trường này.
Bánh xe thời gian cứ quay lặng lẽ, mặc dù tôi có muốn quay lại và xin thời gian dừng lại. Ấy thế mà vẫn cứ trôi mãi, trôi mãi gần 12 năm trời. Nhưng cho dù năm tháng trôi đi những kỉ niệm về 12 năm về trước cũng không phai nhòa, vẫn mãi theo tôi đến bây giờ và có lẽ là cả cuộc đời tôi. Ngày đầu tiên đến lớp, tôi đã thấy hứng thú khi thấy cô giáo chủ nhiệm mình là một cô giáo trẻ đẹp với hình dáng thon thả, mái tóc đen mượt, dài chấm ngang lưng. Cô cất giọng lên giới thiệu cô tên Chương, giọng nói Nghệ An của cô đi sâu vào lòng tôi. Tôi nhớ mãi giọng nói, nụ cười tươi và đôi mắt dễ thương ngày đó của cô. Cô vừa chủ nhiệm vừa dạy môn Toán. Trong các năm học từ lớp 1 đến lớp 7, tôi chỉ là học sinh trung bình, nhưng hai năm cuối cấp II tôi có rất nhiều tiến bộ trong học tập. Chính cô đã giúp tôi có nguồn hứng thú mạnh mẽ để nỗ lực phấn đấu. Ngoài công việc học tập, tôi và cả những người học trường còn phải đi làm rất nhiều việc như: làm cỏ cà phê, chặt củi, tuần nào lớp trực thì nấu cơm cho cả trường, đặc biệt thứ bảy và chủ nhật tôi hay đi làm thêm kiếm tiền để cho bố mẹ đỡ vất vả (năm 1999 tiền công chỉ là 15 nghìn/ngày). Từ đó, tôi thấy mình dần dần biết thương yêu và biết chia sẻ nỗi vất vả của bố mẹ, quý trọng thầy cô. Tôi xem cô như là người mẹ của mình và nhiều lúc thầm gọi cô là “mẹ”.
Tôi nhớ mãi ngày ông ngoại tôi rời xa cả gia đình tôi, tôi khóc nức nở khi nghe tin buồn đó. Lúc ấy, tôi thấy rõ nét mặt buồn rầu với lời an ủi không nhiều của cô: ” Đừng khóc nhiều kẻo rớt xe” và tiễn tôi ra cổng trường. Mấy tháng trôi qua, cô đưa ra một quyết định làm tôi rất bất ngờ, cô nói về nhà tôi. Lúc đó tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì cô đến thăm gia đình, lo vì không biết có gì để nấu cho cô ăn ngoài cơm không. Đúng thật! không có món gì đặc biệt ngoài trứng với cá khô. Tuy vậy, cô rất vui vẻ và thân thiện với mọi người. Và tôi thấy cô là một người giáo viên đầu tiên biết quan tâm và chia sẻ với hoàn cảnh gia đình học sinh.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ Với tôi, mỗi lần đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là những kỷ niệm cũ lại tràn về. Hôm ấy, sau tiết học cuối cùng, tất cả học sinh và giáo viên hối hả ra về. Áp thấp […] |
Trong môi trường giáo dục, cô là một người giáo viên làm tôi ấn tượng và ngưỡng mộ nhất. Trong 2 năm học, cô không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh, không chỉ dừng ở ngưỡng cửa giáo dục mà cô còn làm trách nhiệm như một người mẹ. Cô luôn quan tâm đến học sinh trong mọi lĩnh vực. Có lần, tôi bị ốm, cô đi kiểm tra con số học buổi tối trên lớp thấy vắng tôi vắng mặt, cô vội vàng về kí túc xá thăm hỏi tôi. Tôi thấy lòng mình rất ấm áp và vững bước trên con đường học tập cũng như cuộc sống.
Khi tôi bước vào tuổi 15, đây là cái tuổi mà tôi cho là đẹp nhất. Ở tuổi này bắt đầu có những anh chàng ngập ngừng ngỏ ý, nhưng không, tôi rất mạnh mẽ rất vững vàng vì đằng sau tôi đã có người mà tôi thầm gọi là “mẹ” vẫn ngày ngày dõi bước theo tôi. Cô rất sợ tôi lấm chân vào con đường tình cảm sớm vì thế cô thường động viên tôi phấn đấu học tập, tôi học phần Đại số tương đối tốt nhưng cô không khen ngợi tôi trước lớp mà cô đã khen tôi qua tiết dạy ở lớp học khác. Cô còn chắp cánh ước mơ cho tôi, luôn hướng tôi vào con đường thành công. Cô an ủi, động viên tôi học tập thật tốt để sau này không còn về bán mặt cho đất bán lưng cho trời như ngày ngày bố mẹ tôi vẫn thường làm. Tôi giàu nghị lực, hăng say học tập, tôi luôn phấn đấu và có một ước mơ nhỏ nhoi rằng tôi sau này sẽ trở thành một cô giáo điềm đạm, hiền lành như cô.
Ngày tháng trôi, ngày kết thúc năm học cuối cấp đã đến gần, cô tôi chưa dừng lại ở lời an ủi, động viên mà cô còn làm tròn trách nhiệm của người lái đò sang sông, cô đưa tôi đến bến bờ ước mơ, giúp tôi thực hiện ước mơ mà tôi nghĩ là nhỏ nhoi, cô hỏi tôi có theo nghề lái đò đưa khách qua sông hay còn gọi là nghề trồng người và tôi đã đồng ý đăng kí dự thi vào trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum, tôi may mắn được thi đỗ. Gia đình tôi mừng lắm, sau ngày tôi nhận được giấy báo đi học, bố mẹ tôi đã “giết bò” ăn mừng cho tôi, vì từ đây là tôi đã bắt đầu bước vào sự nghiệp trồng người. Công lao to lớn của cô tôi không bao giờ quên, tôi không biết phải tìm cô ở đâu nữa, vì ngày tôi tốt nghiệp xong trường tôi học hình như cũng đã giải thể.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, bây giờ tôi cũng trở thành một người đồng nghiệp với cô và tuy không còn chung bước bên cô như hai năm học của 12 năm về trước nhưng cô trò chúng tôi đã đi chung trên con đường sự nghiệp trồng người. Và tôi biết rằng, mình không làm tốt như cô nhưng tôi vẫn bước theo tấm gương sáng của cô và mong muốn cống hiến hết mình để giúp học sinh của em có kĩ năng cơ bản về nghe – nói – đọc – viết và tính toán. Trong dạy học, tôi cảm thấy mình gặp nhiều khó khăn, muộn phiền về học trò và cũng có khi tôi thấy mình chưa kiên trì tìm hiểu thấu đáo để giải quyết tốt mọi tình huống gặp phải. Tuy nhiên, để giải quyết tình huống tôi thấy mỗi thầy cô cần có tấm lòng yêu thương, cảm thông và chia sẻ khó khăn của các em.
Ngày 20 – 11 sắp đến gần , một ngày trọng đại của những người làm nhà giáo, một nghề mà bác Phạm Văn Đồng đã nói ” Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Vâng thật đúng như vậy, ngày 20 – 11 là ngày tôn vinh nhà giáo, để học sinh được bày tỏ tình cảm chân thành của mình đến những thầy cô đã ngày đêm miệt mài bên trang giáo án, ngày lại ngày dìu dắt, truyền đạt kiến thức giúp cho tất cả học sinh có được bên mình một hành trang để vào đời. Tôi rất mong muốn được gặp cô giáo của tôi và tặng cô một bó hoa tươi thắm nhất./.
Y Oanh (Trường TH Đắk Ang).