Có phải giáo viên mầm non chỉ biết hát – múa?

Lượt xem:

Đọc bài viết

Bạn vô tình, hay bạn yêu quý trẻ? Bạn không có việc làm hay “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, Vì sao bạn chọn ngành mầm non? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi được nghe nhiều từ khi còn ngồi trên ghế trường sư phạm. Lý do gì đi chăng nữa, trước hết để trở thành một giáo viên mầm non, thì bạn phải có lòng yêu trẻ, vì đặc thù của nghề giáo viên mầm non đòi hỏi ở các giáo viên tình yêu của người mẹ đối với trẻ

Ảnh minh hoạ.

Những ngày đầu đến trường mầm non, trẻ khóc lóc, đòi bố mẹ, đòi quà bánh, trốn bỏ về, đó là những khó khăn ban đầu, một lớp mấy chục trẻ, mỗi trẻ một tính cách, một hoàn cảnh sống, lứa tuổi non nớt đang chập chững khám phá thế giới xung quanh, để dung hòa được những điều trên cô giáo mầm non như có phép lạ đưa các cháu vào nề nếp mà ít có nghành nghề nào làm được, thậm chí ngay cả con bạn ở nhà. Đổi lại ở bên trẻ chúng tôi được đón nhận những điều kỳ diệu, trong sáng nhất của trẻ, những ánh mắt ngây thơ, những câu nói hồn nhiên của trẻ sẽ làm chúng tôi thấy mình như trẻ lại, từ đó mà phấn đấu ngày càng làm tốt hơn công việc của mình .

Khi nhắc đến cô giáo Mầm Non mọi người thường hay hay hình dung ra những hình ảnh như cô giáo chỉ có hát múa. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Đó chỉ là những giây phút hiếm hoi, chúng tôi phải tổ chức đầy đủ các hoạt động trong ngày của trẻ, giúp trẻ phát triển theo các  lĩnh vực, những công việc không thể không làm như và làm công tác chăm sóc trẻ, hồ sơ sổ sách, giáo án, việc kiểm tra dự giờ, đến áp lực từ phía phụ huynh. Trong những  hoàn cảnh ấy giáo viên mầm non  không đơn thuần cần cái tâm yêu nghề mà cũng phải có một nghị lực lắm mới có thể vượt qua. Vì vậy mà chúng tôi được ví như những người diễn viên đa kỹ năng: Khi thì vào vai vừa là mẹ, vừa là cô, là ca sĩ, bác sĩ, họa sĩ, là chuyên gia tâm lý, là người nghiên cứu hành vi hàng ngày của trẻ… mà vai nào cũng đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối. Hay hóm hỉnh hơn giáo viên mầm non là tổng hợp tất cả những cái “sĩ”.

Tối thiểu nhất, giáo viên mầm non là một bác sĩ, bởi vì để trở thành giáo viên mầm non, các bạn cũng phải hiểu một cách cơ bản nhất về các bệnh thường gặp của trẻ, cách phòng ngừa và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ.

Giáo viên mầm non là một họa sĩ. Những ai nhìn thấy cô giáo mầm non chuẩn bị đồ dùng học tập, đồ chơi cho bé mới biết được sự vất vả và khéo léo của các cô biết chừng nào. Những bức tranh vẽ, xé dán, những câu chuyện tự vẽ, trang trí lớp sinh động thì đúng thật nói các cô là họa sĩ quả không sai.
Giáo viên mầm non còn là nghệ sĩ múa, ca sĩ… không chỉ hát hay, múa dẻo mà các cô còn là những nhà biên đạo múa tài ba khi tổ chức các lễ hội cho bé.

Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh đó, các cô giáo mầm non còn là những chuyên gia tâm lý của trẻ. Không nắm bắt được đặc điểm tâm lý của từng trẻ thì không thể đưa ra phương pháp giáo dục trẻ đúng đắn được. Ngoài ra, để trở thành giáo viên mầm non thực thụ, người giáo viên ngoài việc rèn luyện kỹ năng, nâng cao chuyên môn, tu dưỡng đạo đức còn phải có tinh thần trách nhiệm cao. Mọi hoạt động trong một ngày ở trường, đòi hỏi người giáo viên phải tư duy và sử dụng chất xám, sự linh động và vốn kiến thức phong phú về mọi mặt, phải nắm bắt được đặc điểm tâm lý, sinh lý và tư duy của trẻ, đây là một điều không phải bất cứ ai cũng làm được.

Công việc của giáo viên mầm non không chỉ dạy, mà còn phải dỗ trẻ, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc trẻ bằng tình yêu của người mẹ dành cho những đứa con của mình.

Ai cũng bảo lấy được giáo viên mầm non sẽ sung sướng. Vì chúng tôi là những người đảm đang, biết chăm sóc con cái một cách khoa học, biết vun vén hạnh phúc gia đình. Thật ra, không như mọi người nghĩ, chúng tôi có rất ít những buổi tối lãng mạn cùng gia đình, vì còn còn phải giáo án, làm đồ dùng, đồ chơi cho mỗi buổi lên lớp. Chúng tôi cũng không chăm sóc con mình chu đáo hơn mọi người mà thay vào đó là chăm sóc con người khác với sự tận tâm vô điều kiện

Mỗi khi chúng tôi, những người GVMN mỗi khi ngồi nói chuyện với nhau: “Nay cuối tuần phụ huynh tới đón trẻ nói cứ  tới ngày nghỉ là lo không có ai chông cháu, nó mà ở nhà thì cả nhà mệt lắm” cô hỏi lý do liền nhận được câu trả lời “Không biết đến trường nó sao chứ về nhà quậy lắm, không chịu ăn uống gì”. Thậm trí còn đề nghị cô dạy luôn cả hè.

Khi nền giáo dục nước ta đang ngày một phát triển và đi lên. Ngành mầm non đã ngày càng được xã hội quan tâm và chú trọng phát triển cả về số lượng giáo viên và chất lượng đào tạo. Thế nhưng bên cạnh đó vẫn còn đau đó có quan niệm cho rằng: Giáo viên mầm non chỉ biết: hát – múa.

Trên đây là những tâm sự rất thật, mong mọi người hãy cùng chia sẻ khó khăn với chúng tôi, tôi rất mong tìm được nhiều sự sẻ chia để giúp cho giáo viên mầm non giữ được niềm tin yêu để tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn, nhận được sự tin tưởng của phụ huynh, có được thời gian chăm sóc trẻ như những đứa con của mình bởi chúng tôi tình nguyện gắn bó cuộc đời mình với hình ảnh người lái đò cặm cụi bên sông.

Phạm Thị Nhung (GV Trường MN Họa Mi – Ngọc Hồi)