Giáo dục vùng cao đâu chỉ vì… biên chế !

Lượt xem:

Đọc bài viết

Tôi nghĩ nhiều người hiểu được chủ trương về bỏ biên chế trong giáo dục, câu chuyện đang được quan tâm những ngày qua. Rằng đó sẽ là một thay đổi rất căn bản trong ngành giáo dục nhằm đạt được những mục tiêu về tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, trả lương đúng qua đó nâng cao đời sống giáo viên và cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện một sớm một chiều.

Đối với giáo dục miền núi, nhất là ở cấp mầm non, tiểu học lại càng “còn lâu” mới đến “tháng mười”. Nghĩa là còn lâu câu chuyện bỏ biên chế, tự chủ về nhân sự mới có thể được bàn tới chứ chưa nói thực hiện ở giáo dục miền núi, vì rất nhiều lý do. Tuy nhiên, ở một ý nghĩa tích cực khác, câu chuyện này đã và đang thúc đẩy tất cả chúng ta, những người làm nghề dạy học ở bất cứ đâu về việc tự đổi mới mình, nâng cao mình trong nghề nghiệp. Với các cấp quản lý giáo dục cũng cần có những đổi mới mạnh mẽ về cơ chế quản lý để không phải đợi đến khi thực hiện bỏ biên chế trong ngành giáo dục (mà chưa biết có thực hiện được không hay chỉ dừng lại ở khâu thí điểm và …thí điểm…) mới đạt được những mục tiêu như nói ở trên.

Lớp học vùng cao - Ảnh trong bài của tác giả.Lớp học vùng cao

Tôi đã nghe thấy những băn khoăn, lo lắng của những đồng nghiệp của mình về việc bỏ biên chế trong giáo dục. Đó là những băn khoăn rất chính đáng và rất đáng được cảm thông. Đó là chia sẻ của những thầy giáo cô giáo đã và đang gắn bó với giáo dục miền núi đầy gian nan, vất vả. Họ đã đến đây, đã hy sinh cả tuổi trẻ, thậm chí cả hạnh phúc riêng tư của mình cho lớp lớp học trò cũng chịu bao thiệt thòi như họ về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Xin đừng nghĩ đơn thuần rằng họ chỉ đến đây vì biên chế!

Vì thế, đối với giáo dục vùng cao, xin ngành giáo dục và các cơ quan chức năng đừng lãng phí thời gian bàn về việc “bỏ biên chế” mà hãy quan tâm, tìm giải pháp về chế độ chính sách, để làm sao nâng cao đời sống cho những thầy cô giáo ở đây. Họ đã chịu thiếu thốn, thiệt thòi trong đời sống và công tác từ quá lâu rồi!

Thiệt thòi nhiều lắm! Có trên 90% đồng nghiệp của tôi ở đây, từ lãnh đạo ngành đến đội ngũ giáo viên, nhân viên là con nợ của ngân hàng để có thể có mảnh đất “cắm nhà”, có chỗ “chui ra chui vào” và có cái xe gắn máy đến lớp trong điều kiện đi lại xa xôi cách trở. Thế cũng là may, bởi nếu không nhờ ngân hàng chắc họ còn khó khăn gấp bội. Dù hàng tháng, họ phải trích một khoản không nhỏ từ quỹ lương của mình để trả ngân hàng. Đáng lo nhất, cũng là đáng sợ nhất đối với họ là khi ốm, lúc đau hay việc “cha già, mẹ héo” ở quê bởi khi đó họ sẽ phải chạy vạy vay mượn mọi nơi, mọi chỗ, thậm chí bằng mọi cách để có một món tiền đủ trang trải cho những việc đó. Và than ôi, tháng đó, năm đó kế hoạch trả ngân hàng theo khế ước sẽ bị phá sản. Họ lại phải tìm mọi cách để giãn nợ, khoanh nợ, đảo nợ, nhiều khi phải hạ mình xuống để được người ta giúp giải quyết cho xong!

Thầy cùng trò vẫn bày cỗ đón Trung thu - Ảnh của tác giả.Thầy cùng trò vẫn bày cỗ đón Trung thu

Khó khăn nhiều lắm! Khi mà đời sống vật chất đắp đổi qua ngày bằng đồng lương bèo bọt thì cuộc sống tinh thần cũng chả có gì ngoài cái ti vi mà nhiều nơi thậm chí còn không coi được vì không có sóng. Hè đến rồi, đây là thời gian nghỉ ngơi và cũng là cái “đặc ân” chỉ có những người làm nghề dạy học được hưởng. Dịp này các thầy cô giáo vùng cao thường lựa chọn gì? Một số về quê thăm cha mẹ vì lâu rồi không có điều kiện về (chủ yếu là điều kiện kinh tế). Một số ở lại làm thêm cái nương, cái rẫy, nuôi con gà, con heo để cải thiện đời sống. Họ có đi du lịch, nghỉ mát ở đâu đó không? Có, nhưng ít lắm vì cũng lại cái lý do tài chính mà thôi. Họ đi một phần bởi phải thực hiện “Nghị quyết” của công đoàn về nội dung tham quan, du lịch chứ cũng chẳng phải hăng hái gì. Để thực hiện nghị quyết ấy, tổ chức công đoàn của một số trường “sáng kiến” lập ra “quỹ tham quan, du lịch” mà nguồn tài chính là đóng góp của đoàn viên bằng cách trích góp mỗi tháng từ lương vài chục đến trăm nghìn. Phải ba, bốn năm mới đủ tiền cho một đợt du lịch tập thể. Nhưng sự thật, nhiều người không có tâm trạng đi vì đời sống khó khăn nên đi đấy mà chẳng có chí thú gì, cứ như bị bắt buộc đi xem bóng đá thời Nguyễn Công Hoan vậy!

Cô và trò đi lại vất vả mới đến được trường.
Cô và trò đi lại vất vả mới đến được trường.

Người viết bài này cũng là một giáo viên vùng cao nên tất cả những gì viết ra là tiếng nói của người trong cuộc, tuyệt đối không thêm không bớt! Vừa là để giải tỏa nỗi lòng, sẻ chia với đồng nghiệp, vừa mong các cấp thêm một lần nhìn nhận để lựa chọn vấn đề quan tâm cho giáo dục nói chung, giáo dục miền núi nói riêng một cách thiết thực hơn.

Viết ra đây, cũng tuyệt đối không phải để kêu ca, kêu khổ. Mà thêm một lần khẳng định chúng tôi đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình bằng tình yêu nghề, yêu người thực sự chứ không phải chỉ vì “biên chế”. Hãy đến với giáo dục vùng cao, trẻ em vùng cao một lần thôi sẽ hiểu!

Vũ Việt Thắng (Phó trưởng Phòng GDĐT Ngọc Hồi).

Nguồn: FB  Thắng Vũ Việt

Viết ngày 5/6/2017.