Giờ dạy đáng nhớ

Lượt xem:

Đọc bài viết

Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô giáo Võ Thị Thúy Vân (Trường tiểu học Số 1) tâm tư về một tiết dạy lắng đọng, đong đầy cảm xúc mà mình đã thực hiện, cảm xúc thể hiện có lẽ không chỉ với một tiết dạy mà cả một đời dạy học, một “cái nghiệp” mà cô giáo đã chọn. Phải yêu nghề giáo, luôn trăn trở với nghề dạy học, hiểu được học trò mình, cô giáo mới giúp các em có được niềm say mê, hứng thú trong học tập như thế.

Đã thành thông lệ, gần đến kì thi là tôi thường tranh thủ thời gian ôn tập cho học sinh để mong rằng các em có kết quả học tập tốt. Thế nhưng hôm nay tôi quyết định phá lệ, dành thời gian để thực hiện một tiết học đặc biệt. Tối hôm qua tôi vừa xem xong chương trình “Quà tặng cuộc sống”, xem xong, tôi rất tâm đắc. Tôi đã thao thức mong chờ cho thời gian trôi thật nhanh để mau đến sáng tôi sẽ thực hiện điều tâm đắc ấy đối với học sinh lớp tôi.

Một ngày mới bắt đầu, tôi đến trường thật sớm với bao niềm phấn khích. Chưa hôm nào như hôm nay tôi lại mong tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp đến thế. Giờ học bắt đầu, tôi đứng trên bục giảng nhìn các em học sinh – những gương mặt học trò dấu yêu. Tôi bắt đầu tiết học.

Đầu tiên, tôi phát cho mỗi em một trái tim bằng giấy mà tôi đã loay hoay chuẩn bị kĩ càng từ đêm qua. Tôi hỏi:

– Khi bị ai đó nói 1 lời xúc phạm hoặc quát mắng các em cảm thấy thế nào? Nhiều cánh tay giơ lên:

– Thưa cô, em cảm thấy buồn.

– Thưa cô, em cảm thấy tức…..

– Cô hiểu (tôi dịu dàng nói)! Cô sẽ kể cho các em nghe câu chuyện, các em hãy thử đặt mình vào nhân vật trong truyện. Nếu mỗi lần cảm thấy bị tổn thương trước cách cư xử của mọi người, em hãy xé 1 mẩu giấy từ trái tim mình có trong tay nhé! Nhớ giữ lại những mẩu giấy ấy để gọn vào một chỗ trên mặt bàn.

Cô giáo Võ Thị Thúy Vân đang phát tài liệu tại một buổi tập huấn chuyên môn do Phòng GDĐT huyện tổ chức.

Tôi bắt đầu kể: Có một cô bé vừa béo, vừa lùn, vừa xấu xí lại rất vụng về nên ở đâu cũng bị mọi người chê cười. Một lần làm vỡ bát, cô bị mắng:

“Ăn cho lắm vào nên không được tích sự gì cả”; có lần làm rơi cặp của bạn cô bị bạn mắng: “mắt mù à?”; lần khác, do vụng về, cô lại bị mắng: “Mày là đồ vô tích sự”.

Các em ngồi nghe tôi kể một cách chăm chú. Khi ngừng lời, tôi nhận thấy trên gương mặt của các em có nhiều nét biểu cảm khác thường. Những trái tim nguyên vẹn tôi đã phát cho các em giờ không còn lành lặn nữa. Ngừng một lúc, tôi hỏi:

– Các em cảm thấy bị tổn thương khi nào? – Tôi nghe giọng mình nghèn nghẹn.

Các em đua nhau trả lời:

– Khi bị mắng ạ !

– Khi bị chê bai ạ !

Các em thay nhau nói. Hình như đây là cơ hội để các em bày tỏ những gì bấy lâu nay các em dồn nén.

– Trong cuộc sống hàng ngày, em đã bị tổn thương chưa? Đó là khi nào? – Tôi tiếp tục gợi ý.

– Khi em bị điểm kém, em rất buồn. Về nhà lại bị bố mẹ mắng, em càng buồn hơn. Một em học sinh trả lời.

– Em hay bị ba mẹ mắng khi chơi với em của em. Nó cứ nghịch đồ chơi của em, em không cho, nó khóc thế là ba mẹ lại mắng em.

– Một học sinh khác lại tiếp: ” Em thấy tức nhất là bị ba mẹ mắng oan. Em chắng làm gì em của em mà nó khóc thế là mẹ mắng em là vô tích sự, có mỗi việc trông em mà không xong. “Vài học sinh đồng tình: “Đúng đấy, tớ cũng thường bị vậy”.

Tôi nói: “Nếu thấy bị tổn thương nhiều thì các em xé mẩu giấy to còn tổn thương ít thì xé mẩu giấy nhỏ”. Tôi vừa dứt lời thì 1 học sinh nói thật to: “Thế thì tớ phải xé rất nhiều mẩu giấy to, tờ toàn bị em tớ bắt nạt thôi”.

Bỗng một học sinh nam mắt đỏ hoe sau đó em lại bật khóc to, tôi chưa kịp hiểu gì thì em đứng phắt dậy, em nức nở nói:

– Tớ muốn nói với các bạn một điều. Trước đây tớ cũng có một người em trai, tớ cũng như các bạn, bực tức và giận hờn khi nghĩ bố mẹ bênh em và không thương mình. Nhưng giờ đây em trai tớ đã không còn nữa tớ thấy rất ân hận và thương nó vô cùng (em trai của học sinh ấy bị đống gạch xây nhà sập xuống đè chết vào năm trước).

Lớp học bỗng lặng im, có vài tiếng khóc thút thít… Rất bất ngờ nhưng tôi đã kịp phản ứng: “Cô cám ơn em vì em đã gửi đến cho tất cả các bạn lớp ta một thông điệp”.

Thảo luận với đồng nghiệp tại một buổi tập huấn chuyên môn do Phòng GDĐT huyện tổ chức.

Bình tĩnh lại, tôi nhanh chóng bước lên bục giảng để tiếp tục tiết học và hỏi tiếp: “vậy khi hai anh em đánh nhau, tranh giành đồ chơi để bố mẹ mắng thì sẽ có những ai buồn?”.

– Bố, mẹ, em và cả em của em nữa ạ. Một học sinh trả lời.

Tôi cho học sinh nêu tiếp một vài tình huống nữa. Cả lớp tiếp tục xé các mẩu giấy đã có hoàn cảnh tương tự và cảm thấy bị tổn thương. Trái tim của tất cả học sinh đều bị gậm nhấm, nham nhở không còn nguyên vẹn nữa. Tôi cầm trái tim của 4 học sinh rồi gắn lên bảng cho các em nhận xét: Trái tim đã bị tổn thương, bị xé nát không còn nguyên vẹn nữa, chúng thật xấu xí và không ra hình thù gì nữa, các học sinh lần lượt nêu nhận xét của mình.

Tôi tiếp tục:

Cô sẽ phát cho các em băng keo  và kéo. Các em hãy gắn những mẩu xé vào vị trí cũ. Ai đã gắn xong thì đính nó lên bảng.

Học sinh hì hục làm, có vài học sinh không gắn lại được như ban đầu do sơ ý làm mất. Lần lượt 1, 2, 3, 4… 10 trái tim vừa gắn xong được đính lên bảng.

Các em hãy quan sát những trái tim mà bạn mình vừa hàn gắn và có nhận xét gì?

– Thưa cô nếu trái  tim mình đã tổn thương thì có gắn lại vẫn không được lành lặn vì có nhiều vết nứt!

– Cám ơn em – Tôi khẽ nói.

– Thưa cô nếu mình làm tổn thương đến ai thì trái tim người đó cũng không  được lành lặn, họ bị tổn thương ạ.

– Tất cả học sinh đều đồng tình với ý kiến như vậy.

– Vậy các em rút ra được điều gì qua tiết học này? Rất nhiều học sinh muốn nói.

– Các em hãy viết điều muốn nói vào trái tim mà mình gắn được rồi nộp lại cho cô.

Các em say sưa viết, rồi lần lượt các em mang những trái tim đặt lên bàn tôi. Tôi cẩn thận gói tất cả những trái tim mỏng manh chắp vá lại mang về nhà.

Tối, dưới ánh đèn trong căn phòng nhỏ của mình, tôi đọc những điều mà các em đã viết với bao nỗi xúc động.

– Hãy yêu thương những người bên cạnh mình (Minh Khuê);

– Đừng bao giờ làm người khác tổn thương, dù chỉ là một câu nói xúc phạm (Đức Anh);

– Em sẽ không bao giờ làm bố mẹ buồn nữa ( Anh Thư);

……….

Ngồi đọc những câu nói của các em tôi nhận thấy đây không chỉ là bài học cho các em mà chính tôi cũng đã học được nhiều điều từ các em.

Trong buổi họp phụ huynh cuối kì I, một phụ huynh đã đứng lên phát biểu: Con trai tôi đã kể cho tôi nghe toàn bộ tiết học mà cô đã dạy. Tôi muốn nói lời cảm ơn cô giáo vì cô đã đem đến cho con chúng tôi một giờ học thật ý nghĩa. Cháu nói : “Mẹ ơi lớp con có bạn xé hơn 10 mẩu giấy mẹ à, còn con chỉ xé có 4 mẩu giấy thôi. “Khi nghe con nói vậy tôi chợt thấy lòng mình se lại và nhận thấy đây cũng là bài học cho chính mình: “Không nên làm người khác tổn thương, vì nếu đã tổn thương thì nỗi đau đó sẽ để lại vết thương trong lòng”.

Là một giáo viên yêu nghề, yêu trò, tôi rất tâm đắc với tiết dạy này. Tiết học đã để lại cho tôi rất nhiều điều bổ ích. Tôi cũng rút thêm được những bài học ý nghĩa cho chính bản thân mình.

Võ Thị Thuý Vân (GV trường Tiểu học số 1 Thị trấn).

* Cô giáo Võ Thị Thúy Vân công tác tại Trường Tiểu học số 1 Thị trấn Plei Kần, cô hiện là giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia duy nhất của cấp học Tiểu học huyện Ngọc Hồi tính tới thời điểm hiện tại./.