“Khúc vui xin được so dây cùng người”

Lượt xem:

Đọc bài viết

(Bài đăng trên Báo Kon Tum năm 2015, dịp kỷ niệm 250 ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du).

Ngày 05 tháng 12 năm 2015 tại thành phố Hà Tĩnh, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du, Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới (1765-2015). Đây là hoạt động nằm trong chuỗi kỷ niệm ngày sinh của ông diễn ra trong năm 2015 và trải dài từ Bắc đến Nam. Là công dân Việt Nam, chúng ta thật tự hào được có mặt trong dịp kỉ niệm đầy ý nghĩa này, dịp để hậu thế hiểu hơn về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Du đồng thời phát huy những giá trị của Nguyễn Du nói chung, những giá trị của Truyện Kiều nói riêng trong đời sống đương đại.

Nói đến văn chương của Nguyễn Du tất nhiên phải nói đến Truyện Kiều. Bởi đó không chỉ là tác phẩm đỉnh cao của riêng ông mà còn là thành tựu lớn nhất của văn học Việt Nam. Trong bài viết nhỏ này tôi không định đi phân tích, đánh giá về Truyện Kiều bởi việc đó có lẽ quá sức với tôi hoặc cũng không phải là chủ đích của tôi trong bài viết này. Điều tôi định trao đổi là những suy nghĩ của cá nhân về việc phát triển những giá trị của Nguyễn Du nói chung, giá trị của Truyện Kiều nói riêng trong cuộc sống hôm nay.

Có thể khẳng định hai giá trị lớn nhất của Truyện Kiều là giá trị nghệ thuật và giá trị nhân đạo.

Hình ảnh có liên quan

Về giá trị nghệ thuật đó là sự hội tụ, sự kết tinh đặc sắc của nghệ thuật ngôn từ; là việc sử dụng đặc biệt thành công thể thơ lục bát (thể thơ của dân tộc) trong hình thức truyện thơ … Đó không phải gì xa lạ mà là những giá trị dân tộc được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, bậc thầy. Những giá trị ấy không bao giờ cũ. Đến tận hôm nay và mãi mai sau, ngôn ngữ dân tộc và những hình thức nghệ thuật tinh hoa của ông cha vẫn là “công cụ” không thể thay thế để biểu đạt tâm hồn người Việt. Nó đã và sẽ hoà nhập vào thế giới; là Việt Nam, riêng Việt Nam, rõ ràng Việt Nam trong vườn hoa muôn sắc của văn hoá nhân loại. Đó là bản sắc của chúng ta. Thế mà ngày nay nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc đang mất dần, mất mòn, đứng trước nguy cơ “tuyệt chủng”; Nhiều người trẻ quay lưng với các giá trị truyền thống, xem đó là lạc hậu, lỗi thời, họ cho rằng nghệ thuật truyền thống không hay, khó hay, không đủ và không phù hợp để họ biểu đạt bản thân… Nên họ phải đi tìm “cái mới”, “cái khác” dưới danh nghĩa cách tân, hội nhập. Buồn thay, chưa thấy những “cách tân” và “hội nhập” ấy có giá trị gì mà chỉ thấy những lai căng, lố bịch. Việc đó đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực, nhiều phương diện, nhiều loại hình nghệ thuật của đời sống đương đại. Điều đáng nói là không phải những loại hình nghệ thuật truyền thống không hay mà chúng ta chưa đủ tài năng làm đạt đến hay; chưa đủ tâm huyết để phát huy trong cuộc sống và đưa ra thế giới. Thử hỏi cứ học theo thế giới, làm giống thế giới bằng dập khuôn mù quáng thì chúng ta còn gì là mình nữa? Ví như Kon Tum chẳng hạn, nếu không còn nhà rông, không còn cồng chiêng, không còn sông ĐakBla… thì Kon Tum có gì để phân biệt với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, có gì để khách thập phương tìm đến?

Về giá trị nhân đạo của Truyện Kiều, ấy là tiếng kêu “đứt ruột” trước nỗi thống khổ của con người; là lời tố cáo những bất công của xã hội… Đó cũng là một cách đấu tranh cho con người và cho một xã hội tốt đẹp hơn. Vậy chúng ta phải làm gì để những giá trị nhân đạo cao cả ấy được phát huy góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh? Để nhân dân thực sự là quý nhất trong bầu trơi nước Việt. Đặc biệt không còn những nỗi oan khiên đau khổ như những “người tù thế kỷ” Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén… Để thôn cùng xóm vắng không còn tiếng oán hờn. Để trẻ thơ được đến trường, người già được chăm sóc. Để xã hội ngày càng có nhiều Thuý Kiều “hồng nhan” mà không “bạc phận”…

“Khúc vui xin được so dây cùng người” là câu thơ được nhà thơ Tố Hữu viết cách đây 50 năm, trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du. Hôm nay “so dây cùng người” chính là việc đồng hành cùng Nguyễn Du trong gìn giữ, phát huy, phát triển những giá trị văn hoá tinh hoa của dân tộc và đấu tranh cho hạnh phúc của con người bằng nhiều cách.

Việt Thắng (Phòng GDĐT Ngọc Hồi)