Cuộc gặp gỡ bất ngờ…
Lượt xem:
Với tôi, mỗi lần đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là những kỷ niệm cũ lại tràn về.
Hôm ấy, sau tiết học cuối cùng, tất cả học sinh và giáo viên hối hả ra về. Áp thấp nhiệt đới lại gây ra mưa lớn trên toàn khu vực Miền trung, Tây Nguyên và Nam bộ. Nơi ngã ba biên giới này cũng đón những cơn mưa lớn, dai dẳng suốt từ đêm qua. Khoác áo mưa, chạy vội ra ngoài đường làm dĩa cơm đạm bạc, tôi trở về trường. Bật máy tính lên, bất ngờ đọc bài “Nhà giáo mẫu mực thường cô đơn” của cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) đăng trên Vietnamnet.vn cảm giác rất vui vì bài viết rất hay, nói đúng tâm trạng của những nhà giáo giỏi, mẫu mực.
Xã hội luôn cần nhiều nhà giáo mẫu mực. Kiến thức, nhân cách của nhà giáo luôn là tấm gương phản chiếu giá trị đạo đức của con người và xã hội. Nhà giáo mẫu mực sẽ xây dựng nên thương hiệu cho nhà trường, được phụ huynh và học sinh quý mến. Sự trăn trở của cô Nhiếp rất đáng để mọi người quan tâm: “… vì nỗ lực âm thầm nên nhiều nhà giáo mẫu mực như “tự ẩn mình”, các thầy cô chỉ gắn bó và say sưa với học trò nên ít được cấp trên, xã hội chú ý và ghi nhận” và gọi đó là sự “mẫu mực cô đơn”. Cô Nhiếp cũng đã nêu hiện trạng một bộ phận lớp trẻ hiện nay không chọn nghề giáo vì sự mẫu mực đó. Tuy nhiên, cô cũng khẳng định: “Chính sự đòi hỏi đó, chúng tôi còn tự học cả sự chịu đựng và sự chấp nhận những điều không như ý một cách không căng thẳng từ những áp lực của xã hội đối với ngành giáo dục”. Và cô mong muốn: “Niềm tin của xã hội là động lực để mỗi nhà giáo thêm nguồn sáng tạo, tận tụy với nghề, tận tâm cống hiến và ngày càng mẫu mực hơn” và không phải còn “cô đơn” nữa.
Những nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn như chúng tôi không còn cảm giác “cô đơn” sau khi đọc bài viết của cô. Cảm ơn cô đã trãi lòng hộ chúng tôi. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi luôn luôn coi nghề dạy học là nghề thiêng liêng, cao quý. Nó như cái “nghiệp” mà chúng ta phải phấn đấu. Hoa thơm, quả ngọt sẽ đến với mọi thầy giáo, cô giáo. Những giây phút bất ngờ, xúc động mà học trò đem đến là niềm vui, động lực, mục tiêu cho mọi nhà giáo trong quá trình công tác, bất chấp những khó khăn, những bất công của xã hội.
Thầy hạnh phúc khi những học sinh năm nào trưởng thành cùng thầy chia sẻ những kỷ niệm (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Với tôi, mỗi lần đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là những kỷ niệm cũ lại tràn về. Trong vô số kỷ niệm, thì cuộc gặp gỡ bất ngờ gần đây vẫn còn đọng lại trong tôi xúc động. Hôm đó – tôi còn nhớ rất rõ, chiều ngày 25/10/2013, sau khi khám ở Bệnh viện Trung ương Huế xong, tôi cùng gia đình tổ chức bữa cơm thân mật ở nhà hàng có tên Ngự Ra Câu, bên bờ sông An Cựu thành phố Huế. Trong bữa cơm đó, có vợ, hai con và bạn học của con (học cùng trường Đại học Y Dược Huế). Tôi rất vui vì thấy con khỏe, cố gắng học tốt, hòa nhập được cuộc sống nơi đất khách này. Chúng tôi nói cười vui vẻ. Bàn bên cạnh, có bốn người đang nâng cốc, chúc mừng. Nghe giọng nói, một thanh niên bàn bên cạnh lên tiếng hỏi vợ tôi có phải quê ở Quảng Ngãi không, huyện nào vậy? Lúc này, tôi ngồi quay lưng lại với bàn tiệc của bốn thanh niên kia. Sau khi nói chuyện qua lại với nhau, được biết trong số thanh niên đó có người sống, học tập ở nơi trước đây tôi dạy học (Tôi từng dạy ở trường THCS Trà Bình, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi). Tôi quay người lại, nhìn hình dáng, nghe giọng nói và hỏi: có phải em là Thiên không? Anh thanh niên này bất ngờ hét to: Thầy… thầy Phương! Hai thầy trò ôm nhau, người thanh niên vừa khóc, vừa hỏi thăm. Cả nhà hàng đông người rất bất ngờ với hình ảnh này. Ai nấy đều ngoái nhìn, vỗ tay và vui cười. Tôi thực sự xúc động. Gần 20 năm rồi, hai thầy trò mới gặp lại nhau, cuộc hội ngộ quá bất ngờ, xúc động và ấn tượng. Qua trò chuyện, tôi được biết hiện nay em làm giám đốc một công ti tiếp thị lớn ở khu vực Miền trung. Cuộc sống của em được coi là thành đạt. Những câu chuyện em kể về những kỷ niệm ngày ở mái trường Trà Bình làm tôi như đang sống trong khung cảnh vui tươi ngày ấy. Ngày ấy, trường đóng ở một địa phương miền núi nghèo, khó khăn. Tập thể giáo viên nhà trường đầy nhiệt huyết, học sinh chăm ngoan. Nhiều học sinh lớp tôi chủ nhiệm (trong đó có Thiên) bây giờ đều thành đạt. Nghe Thiên kể tôi được biết, nhiều em làm trong các cơ quan, doanh nghiệp lớn ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh… giữ vai trò và vị trí rất đáng kể trong đơn vị. Các em rất nhớ đến tôi và dành cho tôi nhiều lời hỏi thăm. Chia tay Thiên, trên chuyến xe đò trở về mảnh đất nơi tôi cùng gia đình đang sống và công tác, một cảm giác xúc động trào dâng. Cảm giác đó chỉ có ở những người làm nghề dạy học như chúng tôi.
Hai cuộc gặp, một trên báo mạng, một ngoài đời – một nhà giáo, một học trò đã thắp thêm ngọn lửa nhiệt huyết trong tôi, đồng thời cũng làm tôn lên vẻ đẹp và giá trị của người làm nghề dạy học.
Mời các bạn xem clip “Người thầy” được nhóm SV khoa Kiến trúc, ĐH Văn Lang (TP.HCM) làm bằng kỹ thuật stop motion, là một chuỗi các bức tranh vẽ mộc ghép nối thành hình ảnh động, chạy trên nền nhạc bài hát “Bụi phấn” của nhạc sĩ Vũ Hoàng. Một clip rất xúc động về dâng tặng thầy cô giáo nhân dịp 20/11.
NHP (Trường THCS Bờ Y)