Động lực để cô giáo mầm non vững bước với nghề
Lượt xem:
Trong cuộc đời, mỗi một con người đều có một hay nhiều động để thực hiện công việc mà mình đã lựa chọn. Động lực là một khía cạnh quan trọng ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của chính người đó.
Khu vui chơi trải nghiệm của Trường MN Bờ Y. Ảnh minh họa.
Với công việc của một người giáo viên mầm non phải chịu nhiều áp lực thì việc tìm ra cho mình động lực làm việc vô cùng quan trọng và thực sự cần thiết, bởi nó giúp cho họ vượt qua được những khó khăn, không cho phép bản thân được buông xuôi mọi việc mà phải cố gắng nổ lực để gặt hái thành công. Vậy động lực là gì ? Động lực làm việc là sự thúc đẩy con người làm việc hăng say, giúp họ phát huy được sức mạnh, tiềm năng bên trong, do vậy họ có thể vượt qua được những thách thức, khó khăn để hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
Bản thân tôi, khi quyết định trở thành một giáo viên mầm non tôi đã phải vượt qua rào cản của gia đình và bạn bè: Úi giời, chọn làm gì cái nghề suốt ngày nghe trẻ con khóc… Nghề giáo viên đã vất vả, lại còn là giáo viên mầm non. Nhưng tôi đã bỏ ngoài tai tất cả để gạch đi cái tên mà mình đăng kí dự thi ngoài bì hồ sơ Giáo viên tiểu học, để viết vào đó 2 từ “Mầm non”. Kể từ đó cái nghề như cái duyên theo tôi bám trường bám lớp đến nay đã được 21 năm.
Kể về quyết định ngày ấy vì sao tôi lại có động lực để đến với nghề ? Điều đầu tiên, tôi yêu trẻ con, thích nựng chúng, thích ngắm nhìn những đôi mắt trong veo, ngây thơ, hồn nhiên và bình yên đến lạ lùng; điều thứ 2, tôi thích các môn năng khiếu của giáo viên mầm non: Múa hát, đọc thơ, kể chuyện, làm đồ chơi… Tôi nung nấu ước mơ trở thành giáo viên mầm non, dù tôi biết mình chưa đủ xinh đẹp, đáng yêu theo một vài tiêu chuẩn bất thành văn nào đó.
Sau này, khi đã gắn bó với nghề, có những khó khăn mà mình chưa thể lường trước được. Ngày đầu nộp quyết định tại Trường Mầm non Bờ Y (lúc bấy giờ còn học chung 3 cấp với trường Tiểu học và THCS), trên con đường đất ướt sũng vì mưa trơn trượt dẫn vào trường, ngồi sau xe ôm, cái xe lên dốc quay 360 độ đổ ập xuống đường, chăn gối màn mùng, quần áo ướt sũng. Rồi ngày đầu tiên nhận lớp, tôi phải vào nhà dân mượn tạm cái xẻng hót bãi phân bò trong lớp (lớp học tạm được lợp tranh). Những ngày mưa, mái dột, gà leo lên bàn ghế, bò ngủ dưới nền, tường chỉ quây tạm ngang ngực, bên kia là lớp tiểu học 2 độ tuổi, bên này mầm non 3 độ tuổi, những ngày rét gió lùa lạnh thấu xương thịt. Tôi lại vận động PHHS và dân làng giúp đỡ làm lại lớp cho bọn trẻ học. Bàn ghế của lớp là bàn ghế dành cho học sinh tiểu học, vì vậy các cháu mầm non ngồi có lúc ngủ gật lọt xuống gầm bàn. Có cháu cởi trần đến lớp, có cháu bại liệt muốn đến trường cũng không thể đi, lại có trẻ cô đến nhà vận động cháu cào cấu, ném cát vào mặt cô, bôi tay bẩn có mùi phân bò lên người cô, đạp tung cúc áo cô. Phụ huynh thờ ơ bảo “Trẻ nít không cần đi học. Chúng tôi đi làm cả ngày không ai đón con”…
Đồ dùng dạy học của cô là 1 cái bảng đen, mấy viên phấn. Dạy trẻ học chữ cái, cô viết lên bảng chữ in thường, viết thường. Đến giờ học vẽ, cô và trò ra sân nhà dân (lớp sát đường, không có sân) dùng cành cây vẽ lên nền đất. Giờ học đếm, cô trò ra hái lá cây rừng về đếm… Rồi chiều dạy lớp khác dưới sàn nhà Rông không có cả tường quây, chỉ có một cái bảng đen và mấy cái bàn. Lúc đó cảm tưởng bao nhiêu kiến thức kĩ năng mình có được trên lý thuyết vẫn chỉ là lý thuyết, thực tế vượt xa những gì mình mong đợi và tưởng tượng rất nhiều. Thế mà chúng tôi, tất cả những giáo viên của 3 cấp học vẫn luôn nở trên môi nụ cười chưa hề than vãn nửa lời. Vẫn ngày hai buổi đến trường, tối về chong đèn dầu soạn bài, hát ca, thậm chí hè dạy thêm lớp 36 buổi.
Một lần sau cơn mưa, dãy nhà tranh tập thể giáo viên đổ sập, đè cả người đang ngủ trong đó, lại vui vẻ dựng lên. Cứ thế chúng tôi gắn bó với nhau qua bao năm học mà không hề cảm thấy khó khăn hay áp lực. Có lẽ là do động lực “tất cả vì đàn em thân yêu” và những kỷ niệm buồn vui với nghề ân cần níu giữ chúng tôi thật lâu với vùng đất ngã ba biên giới này.
Giờ đây, giáo dục đứng trước xu thế đổi mới và hội nhập nên người giáo viên nhận áp lực từ nhiều phía: từ gia đình, nhà trường, xã hội… vì lẽ đó những người làm giáo viên trực tiếp đứng lớp như tôi lại phải gồng mình lên, có lúc thực sự rất căng thẳng, rất chán nản. Có lúc bản thân tôi cũng đã nghĩ đến việc xin nghỉ hưu trước tuổi. Nhưng rồi bây giờ nghĩ lại thấy hổ thẹn với lương tâm, vì nghề này là mình quyết tâm chọn lấy, hà cớ gì vì mấy khó khăn lại buông xuôi? Đâu phải ai cũng được theo đuổi nghề mà mình thích? Vả lại nếu mình bỏ nghề là tự mình đã phản bội lại chính mình.
Hiện giờ để được gắn bó và cống hiến nhiều hơn, làm những việc khó hơn mà trước không làm được hoặc không có cơ hội để làm, tôi tham gia lớp thăng hạng chức danh chuẩn nghề nghiệp. Trước khi tham gia học lớp thăng hạng, đồng nghiệp hỏi tôi: Đã suy nghĩ kĩ chưa? Có nên học không? Nếu học chị có “về” thì uổng phí, còn thêm điều kiện thăng hạng cũng không dễ dàng gì. Tôi cũng đã băn khoăn nhưng giờ thì đã thực sự thông suốt, một là tôi sẽ tiếp tục bám nghề, hai là cứ cho rằng vì điều kiện nọ kia mình không được thăng hạng cũng không sao vì mình học là để góp nhặt kiến thức cho mình, cũng là vì quyết tâm “Học- học nữa- học mãi” để làm gương cho con cháu sau này. Và quả thực ở lớp học này tôi đã được mở mang thêm rất nhiều kiến thức sát sườn với nghề và bổ ích trong thực tế giảng dạy nói riêng, trong cuộc sống nói chung.
Nguyễn Thị Nhu (GV Trường MN Bờ Y).