Bồi dưỡng học sinh giỏi là trách nhiệm và niềm tự hào của nhà trường

Lượt xem:

Đọc bài viết

(Bài viết của thầy giáo Nguyễn Viết Khoa – Phó HT trường THCS Bờ Y).

Ông cha ta đã đúc kết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) là bước đi đầu tiên để đào tạo nhân tài cho đất nước, là nhiệm vụ quan trọng của mỗi nhà trường.

Trong những năm qua, trường THCS Bờ Y luôn chú trọng đến công tác phát hiện và bồi dưỡng HSG và đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Năm học 2010 – 2011 (chỉ tính riêng lớp 9) có: 05 giải cấp huyện, 01 giải cấp tỉnh; năm học 2011-2012 có: 06 giải cấp huyện, 01 giải cấp tỉnh; năm học 2012-2013 có: 07 giải cấp huyện, 04 giải cấp tỉnh; năm học 2016-2017 có: 22 giải cấp huyện và 08 giải cấp tỉnh. So với các trường THCS trên địa bàn huyện, tỷ lệ HS giỏi của trường luôn nằm trong “tốp 3” toàn huyện. Kết quả trên thể hiện sự nỗ lực phấn đấu của thầy và trò trường THCS Bờ Y, góp phần không nhỏ vào thành tích chung của giáo dục huyện nhà. Để duy trì và nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi những năm tiếp theo, chúng tôi mạnh dạn chia sẻ một vài kinh nghiệm đơn vị chúng tôi đã và đang thực hiện.

Một là, xây dựng đội ngũ giáo viên có đủ tâm và đủ tầm:

– Muốn có trò giỏi thì trước hết phải có thầy giỏi. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác. Tuy vậy, vai trò của người thầy trong công tác phát hiện và bồi dưỡng HSG là hết sức quan trọng. Người giáo viên trước hết phải có ý thức tích cực, tự giác trau dồi, tích lũy chuyên môn, đọc nhiều, hiểu sâu vấn đề mà mình dạy; thường xuyên tham khảo và học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp; chủ động tìm tòi tư liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên mạng internet. Lựa chọn trang website nào hữu ích, các đề thi hay, chuyên đề hấp dẫn… để sưu tầm tài liệu và hướng dẫn HS tìm tài liệu học tập.

Giao lưu phương pháp học tập các môn Toán, Lý, Hóa ở Trường THCS Bờ Y. Ảnh: Viết Khoa

– Người giáo viên phải biết “truyền lửa” cho học sinh, tạo cho các em niềm say mê và hứng thú môn học, tinh thần ham học hỏi tìm tòi. Trong quá trình giảng dạy, khuyến khích các em có những lời giải độc đáo, mang tính mới lạ, sáng tạo. Với một sáng kiến của các em, có thể là rất nhỏ, nhưng ta khéo léo khuyến khích coi nó là một công trình khoa học nhỏ. Từ đó, nhen nhóm nó thành ngọn lửa say mê nghiên cứu để dần có được công trình khoa học lớn hơn.

– Trong quá trình bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi, người bồi dưỡng cần phải lập một kế hoạch giảng dạy thật cụ thể, chi tiết, chia ra nhiều giai đoạn (mỗi giai đoạn phải cụ thể đến từng tuần). Trong từng giai đoạn gắn liền với nội dung thực hiện, đảm bảo tính hệ thống, đầy đủ, chặt chẽ và chuyên sâu theo các chuyên đề; tránh tình trạng thích đâu dạy đó. Sau mỗi giai đoạn cần rút kinh nghiệm nghiêm túc, đề ra phương hướng thực hiện và điều chỉnh cho các giai đoạn tiếp sau đó.

– Giáo viên cần quan tâm cả điều kiện hoàn cảnh gia đình, cách học, quá trình tự học của HS, coi việc tự học của HS là quyết định sự thành công trong cong tác bồi dưỡng học sinh giỏi; tư vấn cho HS cách sử dụng quỹ thời gian một cách hợp lý và hiệu quả, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, giải trí; chú ý kết hợp các biện pháp về tâm lý. Sau mỗi kỳ thi, sẽ có những em thành công và có những em thất bại, GV nên yêu cầu các em viết ra suy nghĩ của mình về nguyên nhân thành công (thất bại) của bản thân, đề ra phương hướng, kế hoạch và mục tiêu cho những lần thi sau tạo động lực phấn đấu.

Học sinh lười phát biểu – nguyên nhân và giải pháp

Lười xây dựng phát biểu bài trong lứa tuổi học sinh, đã và đang để lại những hậu quả bất lợi cho cả thầy và trò, cho chất lượng dạy-học, trong đó người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là các em […]

Hai là, lựa chọn học sinh giỏi tham gia đội tuyển: GV đứng lớp phải là người đầu tiên phát hiện, bồi dưỡng, chọn đội tuyển học sinh giỏi. Việc phát hiện và xây dựng nguồn HSG theo môn học phải bắt đầu từ lớp 6, mỗi em nên tham gia học bồi dưỡng từ 1-2 môn, tránh “ôm đồm nhồi nhét” không hiệu quả. Ngoài việc lựa chọn đội tuyển HSG qua điểm số, cần chú ý đến các lời giải độc đáo, lạ, mang tính sáng tạo là hết sức quan trọng. Khuyến khích các em cần chủ động tìm đọc thêm sách tham khảo và tài liệu khác dưới sự tư vấn của GV. Đồng thời, nếu có điều kiện tham gia các diễn đàn trao đổi về kiến thức trên Internet để bổ sung và mở rộng sự hiểu biết của bản thân mình.

Ba là, đối với phụ huynh học sinh (PHHS): Quan tâm tạo điều kiện, động viên con em tích cực học tập rèn luyện, khẳng định năng lực. Trang bị đầy đủ dụng cụ học tập, tài liệu tham khảo, hướng dẫn con em mình sử dụng hợp lý và hiệu quả quỹ thời gian ở nhà. Thường xuyên liên lạc với GVCN, với giáo viên dạy đội tuyển, với nhà trường, với bạn học của con em mình để nắm bắt kịp thời tình hình học tập của con mình ở trường.

Bốn là, đối với BGH nhà trường: Xây dựng kế hoạch khả thi về công tác bồi dưỡng HSG ở mỗi khối, bộ môn; phân công chuyên môn một cách hợp lý, lựa chọn giáo viên có đủ phẩm chất, năng lực, tinh thần trách nhiệm để bồi dưỡng HSG. Thường xuyên kiểm tra, giám sát bằng việc dự giờ, đánh giá, tư vấn trong suốt quá trình dạy và học bồi dưỡng, tránh “khoán trắng” cho GV. Tổ chức kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi liên tục và kế thừa (từ lớp 6), tránh tình trạng “mỳ ăn liền” chỉ bồi dưỡng 1-2 tháng trước kỳ thi, thi xong là thôi. Tiến hành thường xuyên việc khảo sát, phân tích, sàng lọc, tuyển chọn HS vào – ra đội tuyển. Bên cạnh đó, nhà trường cần tạo mọi điều kiện cho GV tham gia các lớp học tập nâng cao trình độ; cải thiện hiệu quả hoạt động thư viện, thiết bị thí nghiệm, thực hành; có chế độ động viên, khuyến khích khen thưởng kịp thời đối với giáo viên và học sinh có thành tích cao…

Bồi dưỡng học sinh giỏi là công việc khó khăn, vất vả, nhưng cũng đầy vinh quang, trách nhiệm và niềm tự hào, đòi hỏi giáo viên thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, phương pháp mới phù hợp với xu thế thời đại; đồng thời cần được các cấp quản lý ngành giáo dục và cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, đầu tư, đáp ứng nhu cầu đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp Hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã đề ra.

NVK (Trường THCS Bờ Y).