Học để làm gì, học gì và học như thế nào?
Lượt xem:
Ông cha ta dạy: Học để làm người. Lời dạy ấy đã bao hàm tất cả ý nghĩa thiết thực của việc học.
Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hợp quốc Unesco đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Đề xướng ấy đã cụ thể hóa mục đích “học để làm người” đồng thời nêu bật tính thời đại của việc học. Đã có nhiều giải thích, bình luận về đề xướng của Unesco ở đây tôi xin mạn phép được trao đổi dưới góc độ bản thân. “Học để biết” về tự nhiên, xã hội, con người. Nhưng không phải là tất cả trong một thời điểm mà được lựa chọn, mở rộng, nâng cao phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. “Học để làm” cho thấy ý nghĩa của việc học. Từ kiến thức, kỹ năng có được cuối cùng là vận dụng để giải quyết những vấn đề, những công việc… trong đời sống hàng ngày. “Học để chung sống” giúp người ta biết sống trong gia đình, trong tổ chức và cộng đồng xã hội. Nó đòi hỏi lòng vị tha và những kỹ năng giao tiếp, ứng xử… để tự thích nghi với mọi môi trường sống, các quan hệ phức tạp của con người trong quá trình sống bởi “con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”…“ Học để tự khẳng định mình” không chỉ là mục tiêu mà còn là một nhu cầu khách quan của con người. Tự khẳng định mình là tạo được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân mình trong cuộc đời. Mỗi người chỉ có thể khẳng định mình khi có hiểu biết, có năng lực hành động, có khả năng chung sống…
Cái tư duy học để làm quan, làm người nhà nước đã lỗi thời. Hãy chuẩn bị cho con em mình sức khỏe, đạo đức, kiến thức, kỹ năng và phát triển năng lực bản thân để sau này làm chủ cuộc đời mình và đóng góp cho xã hội.
Mục đích học là thế nhưng nội dung và phương pháp học lại khác nhau. Về nội dung, ngoài học những cái căn bản, cốt lõi, cái mà ai cũng phải học và học được như nghe, nói, đọc, viết, tính toán… thì mỗi người lại học cái khác, phù hợp với nhu cầu để phát triển phẩm chất, năng lực của bản thân. Bởi mỗi người là một nhân cách không lặp lại cho dù cùng ngày sinh tháng đẻ, cùng giới tính, cùng sống trong một môi trường, cùng thừa hưởng một nền giáo dục… Vấn đề là ở chỗ cha mẹ và nhà trường cần phát hiện đồng thời giúp người học phát hiện, bồi dưỡng, phát triển năng lực, phẩm chất của họ. Mỗi người chỉ thật sự xuất sắc một cái gì thuộc về riêng họ chứ không thể xuất sắc mọi cái. Thế nên đừng đòi hỏi con mình phải xuất sắc tất cả. Đừng so sánh và đòi hỏi con mình phải giỏi giống như con người khác. Cũng đừng vội thất vọng nếu con không giỏi toán, giỏi văn… và hãy vui vẻ chấp nhận đồng thời tạo điều kiện để con phát triển dù là thể thao, nghệ thuật hay lao động nếu con có năng lực đó… Không nên ép học cái không thuộc về năng lực riêng. Làm như thế sẽ thất bại bởi cái gì không thuộc về năng lực thì có chăm chút đến mấy cũng không đạt kết quả mong chờ. Hệ lụy là vừa mất thời gian, công sức, trí tuệ, tiền bạc mà “chữ không hay, cày không biết” trong khi để thui chột, chết yểu cái năng lực thực có bởi không quan tâm phát triển.
Năng lực cũng như một mầm cây, nó cần được bồi dưỡng ngay từ nhỏ và trong giai đoạn “vàng” của chu kỳ sinh trưởng. Sớm quá không tốt, muộn quá không tốt mà bỏ quên lại càng không tốt.
Cũng vì mỗi người là một nhân cách không lặp lại nên giáo dục phải quan tâm và đáp ứng sự phát triển năng lực của mỗi cá nhân theo nhu cầu của họ. Đây là khó khăn của giáo dục nhưng là yêu cầu khách quan không chỉ bởi tính khoa học mà còn bởi tính nhân văn. Nó đòi hỏi đội ngũ giáo viên vừa giỏi chuyên môn vừa tận tâm tận lực với học trò, hiểu từng em về năng lực và quá trình phát triển để tác động sao cho kịp thời và phù hợp.
Vậy học thế nào? Không phải ai cũng có cách học như nhau. Cách học phải phù hợp với năng lực, sở trường của từng người, phù hợp với điều kiện và môi trường học tập của bản thân. Quan trọng nhất là tự học. Tự học là con đường căn bản cho sự hoàn thiện của mỗi người, là phương pháp để học tập suốt đời. Và chỉ có học tập suốt đời mới không lạc hậu, không bị cuộc sống bỏ lại phía sau.
Học thế nào lại còn liên quan đến dạy thế nào. Dạy thế nào để phát huy được tính tích cực chủ động chiếm lĩnh tri thức của người học và xây dựng được ở người học phương pháp tự học. Không phải cứ ứng dụng công nghệ thông tin hay sử dụng phương pháp bàn tay nặn bột mới là tích cực. Cũng chẳng phải mô hình VNEN dẫn đến yếu kém của học sinh như dư luận cồn lên thời gian qua. Tất cả mô hình, công nghệ, phương pháp dạy học chỉ là công cụ trang bị cho người thày để sử dụng sao cho hiệu quả. Nếu người thày không biết sử dụng hoặc áp dụng một cách máy móc, dập khuôn đều thất bại.
Không phải chỉ có học ở trường mà còn học trong cuộc sống, thông qua trải nghiệm bản thân. Học giỏi toán, giỏi công nghệ mà không biết ứng xử, không biết quét nhà cũng là thất bại.
Học, chơi, giải trí hài hòa là khoa học cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Mỗi bậc cha mẹ khi đón con ở cổng trường thay vì hỏi về điểm hãy hỏi hôm nay con học có vui không…
Việt Thắng (Phòng GDĐT Ngọc Hồi).