Nâng cao nghiệp vụ, tay nghề của giáo viên gắn với nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng
Lượt xem:
Chất lượng đội ngũ là nền tảng, là thước đo chất lượng giáo dục của nhà trường. Do đó, việc xác định nâng cao nghiệp vụ, tay nghề của giáo viên là mục tiêu hàng đầu của chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhà trường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là: Làm thế nào và bằng cách nào để nghiệp vụ, tay nghề giáo viên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chiến lược phát triển của nhà trường? Tăng cường NCKHSPƯD có nâng cao nghiệp vụ, tay nghề của giáo viên không? NCKHSPƯD giúp giáo viên nâng cao kỹ năng sư phạm, phát triển nghiệp vụ chuyên môn như thế nào? Với những băn khoăn trên, qua thời gian công tác tại đơn vị và với kinh nghiệm đã thực hiện một số NCKHSPƯD trong công tác giảng dạy, tôi xin trao đổi một số vấn đề để nâng cao nghiệp vụ, tay nghề của giáo viên thông qua việc tăng cường NCKHSPƯD như sau:
Thứ nhất: Cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn mục đích, ý nghĩa của việc NCKHSPƯD cho đội ngũ giáo viên.
Vì nếu không hiểu rõ bản chất của NCKHSPƯD phục vụ như thế nào cho chất lượng giáo dục, thì giáo viên không có động lực để nghiên cứu; họ cho rằng nghiên cứu cũng chẳng để làm gì? Nếu đạt thì gửi đi thi các cấp, xong rồi lại xếp vào tủ? Nghiên cứu đạt hay không đạt cũng không ảnh hưởng gì đến xếp loại thi đua hay lương của họ. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc thờ ơ trong NCKHSPƯD bây giờ cũng như viết SKKN trước đây. Do vậy, muốn đẩy mạnh công tác NCKHSPƯD thì phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý thức trách nhiệm với công việc, tạo động lực để tăng sự ham thích nghiên cứu của giáo viên.
Thứ hai: Phải phân ra thành nhiều mảng đề tài để khuyến khích giáo viên tham gia.
Đây chính là yếu tố trọng tâm của NCKHSPƯD hay phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ. Chúng ta đều biết rằng tất cả mọi người đều không hoàn hảo. Cho nên, khi phân thành các mảng đề tài để khuyến khích giáo viên tìm tòi nghiên cứu theo sở trường của mình như: Phân theo môn học; phân theo mảng đề tài (giáo dục kỹ năng sống, kỷ luật tích cực, các kỹ thuật dạy học tích cực, phương pháp dạy học phù hợp với HS DTTS, nghiên cứu bài học trong SGK để dạy cho HS DTTS…). Ngoài ra, cần hỗ trợ về tài chính, thời gian và khen thưởng kịp thời để động viên khích lệ và công nhận sự nổ lực phấn đấu của giáo viên.
Thứ ba: Phải coi việc NCKHSPƯD là việc thường xuyên đối với nhà trường, tổ chuyên môn và với mỗi cá nhân giáo viên.
Chúng ta phải thừa nhận rằng SGK và chuẩn kiến thức kỹ năng được soạn chung cho HS cả nước. Trong khi tỉ lệ HS DTTS của chúng ta là hơn 70%, các em cùng một lúc phải học cả ba ngoại ngữ (Tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng DTTS) và thầy cô giáo mỗi người nói một phương ngữ vùng miền khác nhau. Từ những lý do đó, tôi xin mạnh dạn đặt một câu hỏi là: Nếu giáo viên không nghiên cứu kỹ kiến thức bài dạy và mặt bằng học sinh của mình trước khi lên lớp, mà cứ theo SGK, chương trình chung của cả nước để dạy cho các em, thì liệu bao nhiêu phần trăm HS hiểu bài?
Như vậy, ngoài những lí do trên, để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên gắn với việc NCKHSPƯD vì:
NCKHSPƯD nhằm tìm kiếm các giải pháp hay tác động để thay đổi những hạn chế, yếu kém của hiện trạng giáo dục (trong phạp vi hẹp, môn học, lớp học, trường học…). Đồng thời thông qua NCKHSPƯD giáo viên, cán bộ quản lý được nâng cao về năng lực chuyên môn, có cơ hội để chia sẻ, học tập những bài học hay, những kinh nghiệm tốt để áp dụng vào thực tế, góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.
NCKHSPƯD còn có ý nghĩa quan trọng giúp cho giáo viên nhìn lại quá trình giảng dạy để tự điều chỉnh phương pháp dạy và học, phương pháp giáo dục học sinh cho phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh cụ thể của nhà trường.
PTA (GV Trường THCS Lê Hồng Phong).