Vài nét về Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền – ngôi trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn
Lượt xem:
Ngày 02 tháng 8 năm 2010 Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo đã ký Thông tư số24/2010/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT. Theo đó Trường PTDTBT là trường chuyên biệt thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, được thành lập cho con em các dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần đào tạo nguồn cán bộ cho các vùng này.
Trường PTDTBT là loại trường mang tính chất nội trú vì nhà trường tổ chức hoạt động nội trú và nuôi dưỡng học sinh nội trú. Hoạt động nội trú là hoạt động giáo dục đối với học sinh ở lại trú học nhằm hình thành ở học sinh phẩm chất, năng lực, lối sống của con người mới có tri thức, có kỹ năng sống, có văn hóa. Hoạt động nội trú trong trường PTDTBT bao gồm các hoạt động cụ thể như: Hoạt động tự học, tự rèn luyện của học sinh, hoạt động lao động, văn hóa, thể dục thể thao; hoạt động sinh hoạt; hoạt động nuôi dưỡng nội trú. Hoạt động nội trú làm nên đặc điểm chuyên biệt cho loại hình trường PTDTBT. Các gia đình có con học trường PTDTBT vẫn chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi học sinh.
Thầy giáo Đinh Văn Truyền – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền. Ảnh: Minh Tú.
Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền được thành lập trên cơ sở sát nhập hai trường là trường PTDTBT THCS xã Đắk Ang và trường THCS Ngô Quyền. Nhà trường là trường chuyên biệt đóng chân trên địa bàn xã khó khăn nhất của huyện Ngọc Hồi. Học sinh là con em các dân tộc thiểu số tại các thôn làng khó khăn nhất của xã Đắk Ang. Các em sinh ra tại những gia đình khó khăn, bản thân cha mẹ các em nhận thức còn hạn chế, thiếu quan tâm tới công tác chăm sóc giáo dục các em. Các em phải vượt trên 10km để đến trường học tập và không thể trở về trong ngày. Các em đều có nhu cầu ở nội trú tại nhà trường từ thứ 2 đến thứ 7 và chỉ trở về nhà vào ngày chủ nhật hàng tuần. Từ năm học 2012-2013 đến năm học 2016-2017 số học sinh ở nội trú của nhà trường giao động từ 200-230 học sinh, năm học 2017-2018 số học sinh của trường là 413 học sinh.
Trường có 13 phòng học, các phòng học được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Nhà trường có 12 phòng nội trú đáp ứng 2/3 số học sinh có nhu cầu ở lại nội trú tại trường. Khu vực hiệu bộ được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác làm việc của các bộ phận trong đó có bộ phận y tế. Khu vực bếp ăn có 01 nhà ăn do nhà trường tự xây lắp trên cơ sở huy động nguồn kinh phí xã hội hóa từ học sinh, 01 bếp và 01 công trình vệ sinh của học sinh gồm 02 dãy vệ sinh của học sinh nam, học sinh nữ.
Về đội ngũ của nhà trường có 41 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. (Hiệu trưởng, 02 phó hiệu trưởng, 32 giáo viên đứng lớp, 01 kế toán, 01 bảo vệ, 01 nhân viên y tế và 03 nhân viên cấp dưỡng). Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường thiếu kiến thức và kinh nghiệm quản lý học sinh nội trú vì đây là mô hình trường mới được thành lập, trường bán trú duy nhất của huyện Ngọc Hồi.
Trang thiết bị phục vụ các hoạt động tổ chức bán trú thiếu thốn mọi mặt từ giường chiếu chăn mùng mềm, dụng cụ nấu ăn, các thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của học sinh. Công tác bố trí sắp xếp học sinh vào từng phòng ở, công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh và công tác xử lý những sự cố sức khỏe ban đầu của học sinh gặp vô cùng khó khăn. Công tác duy trì an ninh trật tự tại nhà trường rất phức tạp. Công tác ủng hộ của cha mẹ học sinh và các tổ chức đoàn thể cho hoạt động bán trú của nhà trường rất hạn chế.
Hình ảnh lao động chăm sóc cây xanh của học sinh Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền. Ảnh: Minh Tú.
Với thực trạng như vậy, tập thể Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên nhà trường đã từ bước vượt qua bằng những biện pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn của nhà trường góp phần tạo dựng và duy trì nề nếp học sinh nội trú tạo điều kiện để học sinh nội trú học tập và rèn luyện tốt góp phần nâng cao chất lượng hai mặt của nhà trường. Tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục, lao động, văn hóa thể thao và tổ chức nuôi dưỡng phù hợp với học sinh bán trú là nhiệm vụ mà các trường PTDTBT phải thực hiện.
Do phần lớn học sinh trường PTDTBT ở nội trú trong trường từ thứ 2 đến thứ 7 cho nên quản lý các hoạt động nội trú là hết sức quan trọng. Các hoạt động nội trú bao gồm:
– Tổ chức cho học sinh sinh sống tập thể và sinh hoạt tập thể. Học sinh cùng ăn, ở và sinh hoạt trong khu nội trú. Học sinh được cung cấp, hỗ trợ các điều kiện sinh hoạt và được hướng dẫn, giáo dục về sinh hoạt.
– Tổ chức hoạt động lao động, sinh hoạt văn hóa, thể thao như: tổ chức lao động công ích; sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan du lịch, lễ hội, tết dân tộc, giao lưu văn hóa và các hoạt động xã hội khác nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách học sinh.
– Tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh nội trú. Tổ chức bếp ăn tập thể đảm bảo dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chăm sóc sức khỏe học sinh thường xuyên. Xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tổ chức nơi ăn, chỗ ở của học sinh bán trú sạch sẽ, gọn gàng hợp vệ sinh. Quan tâm chăm lo sức khỏe cho các em để không xảy ra dịch bệnh. Gắn nội dung hoạt động của học sinh bán trú với phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Triển khai nội dung phong trào phải phù hợp với đặc điểm của trường, khu bán trú và địa phương. Phân công cán bộ quản lý và giáo viên phụ trách bán trú. Tổ chức và quản lý tốt các hoạt động của học sinh bán trú, đặc biệt là nơi ở và bếp ăn tập thể.
Một buổi truyền thông tuyên truyền vệ sinh học đường cho học sinh của trường. Ảnh: Minh Tú.
– Học sinh bán trú ở lại trường để học cần có đủ chỗ ở. Chỗ ở của học sinh bán trú phải đảm bảo những yêu cầu tối thiểu: Đủ diện tích để ở, giường nằm đảm bảo an toàn, được kê gọn gàng, ngăn nắp. Nơi ở của học sinh phải có diện tích để học sinh vui chơi, tập thể dục thể thao. Đảm bảo an ninh, an toàn cho học sinh trong thời gian học sinh học tập và nội trú tại trường.
– Tổ chức xây dựng khu nội trú để có chỗ ở đủ cho học sinh ở nội trú của trường. Khu nội trú bao gồm: nhà ở cho học sinh và các công trình phục vụ học sinh: nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh. Xây dựng nội quy khu nội trú và yêu cầu học sinh bán trú thực hiện nghiêm túc.Thời gian biểu cho các hoạt động trong ngày quy định chi tiết cho ngày theo từng mùa. Đồng thời tăng cường quản lý nề nếp, giờ giấc học tập của học sinh.
– Đảm bảo cho học sinh có sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ học tập và tham gia các hoạt động giáo dục nhà trường.
– Không để xảy ra các dịch bệnh trong nhà trường.
– Lập tủ thuốc dùng chung cho học sinh bán trú, đảm bảo các loại thuốc cần thiết để sơ cứu ban đầu.
– Giải quyết các trường hợp sơ cứu, xử lý ban đầu các bệnh thông thường cho học sinh trong thời gian học sinh đang học và tham gia các hoạt động khác tại trường. Sau khi xử lý ban đầu các trường hợp, cần thông báo cho cha mẹ học sinh biết để gia đình tiếp tục giải quyết và chuyển lên cơ sở y tế tuyến trên.
Bữa trưa của học sinh nội trú Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền. Ảnh: Minh Tú.
– Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh trong toàn trường. Phối hợp với gia đình học sinh trong việc phòng và chữa bệnh cho học sinh.
– Tổ chức thực hiện các chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục sức khỏe của ngành y tế và giáo dục đào tạo triển khai trong các trường hàng năm.
– Tuyên truyền phòng chống các bệnh tật học đường. Hướng dẫn cán bộ, nhà giáo, học sinh trong công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh, phòng chống sốt rét, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống các tệ nạn xã hội.
– Thường xuyên kiểm tra, xây dựng trường học Xanh – Sạch – Đẹp.
– Thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình sức khỏe định kỳ và chuyển theo học sinh khi chuyển trường, chuyển cấp. Thực hiện thống kê, báo cáo công tác y tế trường học theo quy định.
Trên cơ sở số học sinh được xét duyệt ở nội trú tại trường từ thứ hai đến thứ 7, Ban giám hiệu thực hiện các biện pháp: Thành lập ban quản lý học sinh bán trú, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong ban quản lý. Ban quản lý xây dựng chương trình hoạt động phù hợp với đặc điểm của nhà trường, ban hành nội quy khu nội trú.
Phòng ở nội trú của học sinh luôn được ban nề nếp của trường theo dõi, kiểm tra. Ảnh: Minh Tú.
Quản lý tiếp nhận, sắp sếp bố trí chỗ ở cho học sinh: mỗi phòng bố trí 05 giường tầng phục vụ 10 học sinh. Trong phòng bầu 01 trưởng phòng, 02 phó trưởng phòng, có nội quy phòng ở, sơ đồ phòng ở của học sinh, phân công lịch vệ sinh phòng từng ngày, vệ sinh khu vực được phân công.
Mỗi phòng được trang bị 01 thùng rác 02 chổi quét mềm và 01 chổi xương, 02 học sinh được sử dụng 05 tủ mini cá nhân. Trong phòng trang bị 01 cây treo đồ,01 cây lau nhà phục vụ lau nhà theo yêu cầu. Mỗi học sinh được trang bị 01 bộ mùng mền, 01 gối ngủ và 01 chăn chiên.
Bố trí học sinh theo giới tính và khối học 6,7,8,9 đan xen để tiện cho công tác quản ý và công tác giúp đỡ nhau trong cuộc sống chung tại khu nội trú và công tác tự học tại khu nội trú.
Phân công giáo viên trực nội trú: Trực theo ca: Sáng, trưa, tối và đêm.
Phối hợp với Công an, dân quân xã Đắk Ang đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực nội trú 24/24h.
Tổ chức bán trú (nội trú) tại trường PTDTBT là cả một quá trình phức tạp, vất vả và nhiều nỗi lo không chỉ đối với Ban giám hiệu, giáo viên mà còn cả cha mẹ học sinh. Bởi vậy để thực hiện tốt mô hình trường PTDTBT cần sự chung tay của tất cả các cơ quan đoàn thể trong và ngoài nhà trường và đặc biệt cần sự hy sinh lớn lao của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của nhà trường.
Các em học sinh ở nội trú có được an toàn để có cơ hội, môi trường tốt học tập rèn luyện phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt hay không phần lớn phụ thuộc vào công tác quản lý của Ban giám hiệu nhà trường.
Quản lý học sinh nội trú tại trường PTDTBT là một hoạt động đa dạng và phong phú cùng với các hoạt động dạy học trên lớp và các hoạt động khác gắn bó chặt chẽ bổ sung cho nhau xen kẽ nối tiếp nhau được tiến hành đồng thời ở trường THCS chuyên biệt để tạo nên một kết quả tổng hợp giúp học sinh phát triển toàn diện góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và nuôi dưỡng của nhà trường.
Mời xem thêm một số hình ảnh:
Học sinh của trường biểu diễn độc tấu đàn Tơ rưng. Ảnh: Minh Tú.
Nhà trường thanh lập đội cồng chiêng cho học sinh nhằm giữ gìn, phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Minh Tú.
Ngoài các giờ học các em học sinh còn được tham gia biểu diễn văn nghệ với các tiết mục mang bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Ảnh: Minh Tú.
Đội văn nghệ của trường đạt được nhiều thành tích tốt trong các hội diễn, giao lưu văn nghệ của ngành. Ảnh: Minh Tú.
Minh Tú (Phó HT Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền).